Rổ rá, khay nhựa bỏ đi kết hợp giấy ăn trở thành vườn rau mầm di động xanh tươi dễ làm, bạn có ngay một vườn rau bổ dưỡng

Rổ rá, khay nhựa hỏng đừng vội vứt vì kết hợp với giấy ăn thành vườn rau mầm di động đẹp mắt, xanh tươi rất lạ mắt, dễ làm, kỹ thuật đơn giản, chế biến dễ và bổ dưỡng.

Trồng rau mầm trên giấy ăn dễ nhất

Nghỉ dịch ở nhà nhiều gia đình cùng nhau trồng rau mầmđể vừa có việc cho nhau làm, vừa có rau mầm sạch, bổ dưỡng ăn. Rau mầm có thời gian canh tác ngắn, thu hoạch sau 5 – 7 ngày, rất dễ trồng.

Theo kỹ sư Lê Hoài Trân (Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Ăn sạch uống sạch), trồng rau mầm ở nhà có nhiều cách, với các giá thể xơ dừa, tro trấu và phân hữu cơ... sản lượng cao. Gần đây nhiều người thích trồng rau mầm trên giấy ăn vì rất dễ trồng, đảm bảo sạch, dễ di chuyển, không lo hóa chất, trồng được quanh năm. Rổ rá nhẹ nên di chuyển chỗ nào cũng được, nhưng nên chọn loại bằng nhựa, lỗ nhỏ.

Rổ rá, khay nhựa trải giấy ăn lên đều có thể trồng được rau mầm. Ảnh minh họa.

Rổ rá, khay nhựa trải giấy ăn lên đều có thể trồng được rau mầm. Ảnh minh họa.

Rổ rá có nhiều lỗ, cần dùng nilon che bớt lỗ hổng phần thân rổ, rá và dưới đáy (ít thôi vì cần có khoảng trống để thoát nước). Chọn không gian đặt rổ rá thoáng mát và đủ ánh nắng để cây sinh trưởng khỏe mạnh.

Khăn giấy được coi là giá thể sạch để cho cây rau mầm có thể bám rễ lên và phát triển, nhưng khả năng giữ nước của khăn giấy không tốt, nên phải kiểm tra độ ẩm thường xuyên kẻo giấy quá khô thì rau mầm sẽ chết. Nên chọn khăn giấy có độ dai nhất định thì khi tưới tắm cho rau sẽ không bị bục.

Giấy trồng chọn giấy ăn khô, giấy vệ sinh mới, khăn giấy ướt. Để yên tâm thì dùng giấy ăn tốt sạch, có độ dai mềm, không bị mủn nhanh. Lót một lớp khăn giấy vào lòng rổ rá làm giá thể (khoảng 5-6 lớp giấy nhằm giữ hạt và tạo chỗ bám cho rễ cây rau mầm), phun nước cho ướt giấy.

Ủ rau mầm tới khi hạt nảy mầm đều thì lật giấy phủ ra. Ảnh minh họa.

Ủ rau mầm tới khi hạt nảy mầm đều thì lật giấy phủ ra. Ảnh minh họa.

Hạt giống rau mầm có thể là 1 loại hạt, hoặc trồng nhiều loại hạt một lúc, nhưng phải là hạt giống rau mầm (không phải hạt rau lớn thông thường), có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mới trồng nên dùng hạt giống to, cây khỏe (như giá đỗ, đậu đỏ, củ cải trắng, cải xanh, rau muống, đậu nành, đậu đen, đậu phộng…), trồng thành thạo hãy chọn hạt giống loại nhỏ như cải ngọt, lơ xanh… (cây yếu, chăm sóc khó hơn).

Rau mầm trồng trên giấy ăn cao 9-12cm thì thu hoạch.

Rau mầm trồng trên giấy ăn cao 9-12cm thì thu hoạch.

Cách trồng rau mầm bằng rổ tại nhà

Ngâm hạt giống trong nước để kích thích nảy mầm bằng cách cho hạt vào ngâm với lượng nước gấp 2-3 lần lượng hạt. Tùy hạt giống to, nhỏ mà thời gian ngâm khác nhau, Nước ngâm hạt tỉ lệ 2 sôi - 3 lạnh, ngâm ủ trong 6-8 giờ, loại bỏ hạt lép, nhỏ, sâu vì khó nảy mầm, cây dễ chết (chú ý cần đảo đều hạt giống để nước tiếp xúc đều với hạt), không ngâm quá lâu vì giảm khả năng nảy mầm của hạt. Vớt bỏ hết những hạt nổi vì không nảy mầm được, có nảy cây cũng chết.

Lót lớp khăn giấy bên trong rổ nhựa để làm giá thể cho cây rau mầm bám vào phát triển. Sau đó rải hạt giống đều lên bề mặt của lớp khăn giấy. Chú ý rắc thưa để có chỗ cho nảy mầm (lên cây không quá chen chúc) xong phủ thêm lớp khăn giấy nữa để ủ, rồi tưới phun sương thêm lần nữa thì đậy kín bề bặt rổ bằng bìa giấy, hoặc chồng lên nhau để giữ ẩm và kích thích nảy mầm.

Sau 5-7 ngày rau cao từ 8 – 12 cm. Ảnh minh họa.

Sau 5-7 ngày rau cao từ 8 – 12 cm. Ảnh minh họa.

Đưa rổ hạt vào nơi ít ánh nắng, ngày tưới nước 2 – 3 lần (không nhất thiết là nước ấm). Khoảng 1-1,5 ngày thì hạt giống căng lên và nứt vỏ, bắt đầu nảy mầm. Rễ cây rau mầm sẽ bám trên lớp giấy ăn để phát triển. Hàng ngày tưới 2 lần, kiểm tra thường xuyên xem lớp khăn giấy có bị khô không để tưới ngay.

Khi mầm dài hơn thì bỏ lớp giấy phủ ra và tưới đều rau mầm bằng bình phun sương (1-2 lần/ngày) và tiếp tục tưới nước đều đặn. Mầm càng lớn thì càng cần nhiều nước hơn, nhưng lựa độ nước tưới kẻo cây dễ bị úng và hỏng. Có thể đưa rổ rau mầm ra nơi có ánh sáng để lá được xanh hơn. Quá trình trồng không cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho rau (bởi rau dùng dinh dưỡng trong hạt là đủ).

Rau mầm chế biến thành những món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng. Ảnh minh họa.

Rau mầm chế biến thành những món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng. Ảnh minh họa.

Sau 5-7 ngày rau cao từ 8 – 12 cm thì có thể thu hoạch. Dùng kéo cắt rau và mang vào chế biến thành những món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng cho gia đình thưởng thức. Cần thu hái nhanh kẻo rau mầm sẽ chết.

Rau mầm nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ, tốt cho sức khỏe, đang được ưa chuộng vì bổ dưỡng, giàu vitamin B, C, E gấp 5 lần rau bình thường. Cây rau mầm trồng trên giấy ăn sạch sẽ, dễ trồng, giàu dinh dưỡng, ngon miệng cho bữa cơm gia đình.

Có rất nhiều loại hạt có thể trồng rau mầm, và chị em hoàn toàn có thể tự tay trồng cho gia đình những chậu rau mầm xanh tươi, bổ dưỡng chỉ với…một tờ giấy ăn mà không cần đất trồng, ít tốn công chăm sóc. Ai cũng có thể trồng được rau mầm, và càng trồng càng có nhiều kinh nghiệm để trồng tốt hơn.

- Bảo quản rau mầm trong tủ lạnh cần để khô ráo nước, do đó khi thu hái phải sau lần tưới cuối cùng 8-12 giờ.

- Dùng kéo cắt cây rau mầm phía trên lớp giấy ăn 2cm, cắt bỏ gốc và rửa sạch rau là chế biến được.

- Giấy ăn không có thì có thể dùng giấy vệ sinh thông thường, nhưng cần dai kẻo tưới nước là giấy bục bở, không có chỗ cho rễ rau mầm bám. Không nên ăn rễ rau mầm, nếu thích thì phải rửa kỹ, tỉ mỉ mới ăn được.

- Nên tưới rau vào buổi sáng không tưới vào buổi chiều rau sẽ dễ bị ngập úng, ngã nước khó thu hoạch.

Theo Gia đình & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/ro-ra-khay-nhua-bo-di-ket-hop-giay-an-tro-thanh-vuon-rau-mam-di-dong-xanh-tuoi-de-lam-ban-co-ngay-mot-vuon-rau-bo-duong/20230429113034516