Rò rỉ bản ghi âm vụ tấn công cầu Crimea: NATO khó 'thoái thác' trách nhiệm?
Các quan chức Đức hôm qua (3/3) xác nhận cuộc trò chuyện bị rò rỉ về vụ tấn công cầu Crimea, đồng thời cam kết'một cuộc điều tra cẩn thận, chuyên sâu và nhanh chóng' nhằm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Vụ việc có nguy cơ khắc sâu thêm rạn nứt trong NATO, hơn 2 năm sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.
Bản ghi âm được Đài truyền hình RT của Nga công bố tiết lộ cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của Không quân Đức về chi tiết hoạt động và mục tiêu của tên lửa tầm xa Taurus. Họ tranh luận về việc có nên gửi loại vũ khí này tới Ukraine hay không, cũng như các kịch bản có thể trong trường hợp Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược. Ngoài việc sử dụng tên lửa Taurus, các quan chức Đức được cho là còn đề cập đến sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Ukraine để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp.
Cuộc trò chuyện diễn ra trên nền tảng trực tuyến không được mã hóa WebEx, một ứng dụng tin nhắn và gọi hội nghị trực tuyến thường được các quan chức Đức sử dụng để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm. Báo WSJ dẫn lời các quan chức Đức cho biết, cuộc thảo luận này đã được xác nhận.
Vụ rò rỉ có nguy cơ khắc sâu hơn nữa rạn nứt trong NATO, đồng thời khiến việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine trong tương lai ít có khả năng xảy ra. Không giống như các đồng minh Pháp và Anh đều đã gửi tên lửa tới Ukraine, Đức tới nay vẫn giữ lập trường phản đối bất bỳ bước đi nào có thể khiến xung đột leo thang hơn nữa.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thậm chí hồi tuần trước còn gây mất lòng các đồng minh khi công khai đề cập việc Anh và Pháp đang giúp Ukraine hiệu chỉnh các mục tiêu tên lửa.
Nga nhiều lần lên án phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng một động thái như vậy sẽ chỉ càng kéo dài hơn nữa cuộc xung đột và khiến các quốc gia NATO trở thành bên trực tiếp tham gia chiến sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova yêu cầu Berlin giải thích, trong khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng NATO khó lòng thoái thác trách nhiệm: “Tôi không biết gọi điều gì đã xảy ra. Nhưng NATO rõ ràng có liên quan. Và tôi không biết họ sẽ giải thích điều đó với người dân của họ như thế nào”.
Trong nỗ lực trấn an các đồng minh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua cam kết một cuộc điều tra “cẩn thận, chuyên sâu và nhanh chóng” nhằm làm rõ vụ việc. Ông đồng thời gọi đây là “vấn đề rất nghiêm trọng”.
“Những gì đã được báo cáo là một vấn đề rất nghiêm trọng và do đó việc này sẽ được điều tra rất cẩn thận, rất chuyên sâu và rất nhanh chóng. Điều đó là cần thiết”, Thủ tướng Scholz nói.
Đoạn băng bị rò rỉ được công bố vào một thời điểm nhạy cảm khi các cuộc tranh luận về viện trợ cho Ukraine đang nóng lên ở châu Âu. Cuộc xung đột kéo dài suốt hơn 2 năm qua ở Ukraine vẫn trong thế giằng co trong khi các gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Kiev đang bị sa lầy tại Quốc hội. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Đức Boris Pistorius, cuộc trò chuyện của các sĩ quan không có nghĩa là Đức “bật đèn xanh” cho việc gửi tên lửa tới Ukraine.