Rõ trách nhiệm để thực thi nghiêm minh lời hứa

Lê Hồng Hạnh - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Diễn ra trong thời gian 2,5 ngày, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã khép lại với việc làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý những 'điểm nghẽn' về 4 nhóm lĩnh vực: tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán, lần đầu tiên Quốc hội Khóa XV chất vấn cơ quan Kiểm toán Nhà nước thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân. Điều đông đảo cử tri, nhân dân kỳ vọng là việc các bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa, cam kết của mình trước cử tri và nhân dân ngay sau phiên chất vấn.

Bảo kiếm độc lập của cơ quan quyền lực nhà nước

Với vị thế là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Gần 30 năm thành lập, có thể thấy rất rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Qua phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, chúng ta có thể thấy Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định được vị thế là “bảo kiếm” sắc bén của Quốc hội, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, phục vụ tốt cho Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời phục vụ cho Quốc hội trong điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định được tầm quan trọng thông qua việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó có kiến nghị tăng thu giảm chi, góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công, đồng thời đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Theo dõi phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước xoay quanh 3 nhóm vấn đề: trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán, nhiều cử tri đánh giá cao trách nhiệm, tính cầu thị của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đúng như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. “Tôi thấy phần trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã đi thẳng, nhìn rõ vấn đề, không loanh quanh, nói xa, nói gần, quan trọng nhất là rõ trách nhiệm, không né tránh những vấn đề, nội dung còn là hạn chế của ngành. Nhưquy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; chất lượng và hiệu quả thực thi của các kiến nghị sau kiểm toán. Cử tri mong muốn những nội dung Tổng Kiểm toán tiếp thu, giải trình sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới, nhất là nâng cao hiệu quả, chất lượng thực thi các kiến nghị kết luận kiểm toán" - cử tri Lê Văn Cương, thành phố Vinh, Nghệ An bày tỏ.

Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội Khóa XV với những vấn đề ĐBQH nêu ra và những con số cũng không phải dễ dàng, nhưng qua theo dõi và đánh giá của nhiều cử tri, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ghi điểm trong từng nội dung trả lời chất vấn; nhất là trong xác định trách nhiệm, khi giải trình các vấn đề liên quan đến các sai phạm của các công ty, tập đoàn tư nhân thời gian qua cũng như của Ngân hàng SCB.

Không chỉ quan tâm đến phần trả lời của Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhóm vấn đề của 3 "Tư lệnh" ngành tài nguyên và môi trường, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch cũng được cử tri hết sức quan tâm. “Tôi quan tâm đến nội dung quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Tôi thấy các ĐBQH chất vấn cũng rất nhiều vấn đề này. Vấn đề này cử tri cũng rất quan tâm, nhất là về chất lượng hàng hóa trên không gian mạng, vấn đề quản lý như thế nào. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn, rõ ràng trong trả lời; điều mà chúng tôi kỳ vọng là sau phiên chất vấn, các bộ trưởng, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện lời hứa, cam kết của mình trước cử tri và nhân dân như thế nào... Đây chính là điều mà cử tri và nhân dân rất trông đợi” - cử tri Đoàn Nguyễn Xuân Linh, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long bày tỏ.

Cánh tay nối dài để kiến nghị được thực thi

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri và nhân dân chính là sự phối kết hợp nhịp nhàng, kề vai của các bộ, ngành liên quan khi đồng hành với các "Tư lệnh" ngành trả lời chính giải trình, tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề ĐBQH quan tâm. Điều các "Tư lệnh" ngành ghi điểm chính là với ý thức trách nhiệm, nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp; đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn hạn chế của mình, của ngành, lĩnh vực mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Có thể nói, dù chỉ 4 lĩnh vực thôi nhưng nhiều vấn đề “nóng” đã được Quốc hội đưa ra bàn thảo, đáp ứng đầy đủ mong đợi của cử tri và nhân dân như nhiều cử tri đã chia sẻ.

Sau cùng, quan trọng nhất, hiệu quả, thành công hay không chính là sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề được giải quyết và kỳ họp sau không lặp lại nội dung đó nữa. Đúng như kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: trên cơ sở chất vấn của các vị ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, xin ý kiến các vị ĐBQH và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định”. Vấn đề mấu chốt là thực hiện nghị quyết về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

“Nghị quyết của Quốc hội hay Kết luận của Kiểm toán Nhà nước... muốn thực thi nghiêm minh cần có "cánh tay nối dài" về cơ sở. Một trong số những cánh tay vững chắc nhất phải kể đến là HĐND và các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND ở các cấp. Phát huy được “cánh tay" này thì các kiến nghị, kết luận, lời hứa sẽ không còn nằm trên giấy hoặc chậm thực thi” - bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh khẳng định.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã khép lại nhưng dư âm vẫn vang mãi trong lòng cử tri; hy vọng những lời hứa, cam kết sẽ sớm được hiện thực hóa bằng các quyết sách, hành động cụ thể, tạo chuyển biến tích cực không chỉ trong các lĩnh vực mà 4 bộ trưởng, trưởng ngành đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV lần này mà còn lan tỏa tới toàn thể các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ro-trach-nhiem-de-thuc-thi-nghiem-minh-loi-hua-i374909/