Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên

Các cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển Kiên Giang ngày càng vững mạnh.

Với sự đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc đồng bộ, giao thông nông thôn thuận tiện; điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt; hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ, đảm bảo cho yêu cầu kết nối, nhu cầu thông tin, liên lạc của người dân trên địa bàn.

“Từ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, chính quyền, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Nhiều tuyến đường, cầu giao thông mới, hệ thống chiếu sáng đường quê được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế”, ông Lâm Văn Châu - Phó Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) nói.

Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 111/116 xã và 7/15 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 42/49 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh giảm còn 2,4%, giảm 1,28% so với năm 2022.

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10-1-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, tỉnh ưu tiên triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm nhanh, bình quân giảm từ 1,5-2%/năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (thứ chín, từ trái qua) thăm, chúc tết chư tăng và đồng bào Khmer tại chùa Khlang Ong, thị trấn Minh Lương (Châu Thành).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (thứ chín, từ trái qua) thăm, chúc tết chư tăng và đồng bào Khmer tại chùa Khlang Ong, thị trấn Minh Lương (Châu Thành).

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc, cùng với phát triển kinh tế, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm. Các lễ hội văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư để giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống trên tiến trình hội nhập.

Vào các dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn Ta, Ok Om Bok của đồng bào Khmer, tỉnh đều tổ chức họp mặt các tổ chức, cá nhân tiêu biểu là đồng bào Khmer; tổ chức đoàn thăm, chúc mừng và tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, gia đình chính sách.

Vào dịp tết Roya Haji của đồng bào Chăm, các lễ hội truyền thống của đồng bào Hoa, tỉnh tổ chức đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà. Kết quả giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian qua tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

“Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Các chính sách dân tộc được triển khai tích cực và toàn diện, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết.

Hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ được triển khai trên các lĩnh vực đời sống tiếp tục củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua các chính sách dân tộc, tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số của tỉnh ổn định.

Theo Hòa thượng Danh Lân - Ủy viên Trung ương Hội đồng Trị sự, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh về công tác dân tộc, tôn giáo, từ đó các hoạt động phật sự ngày càng phát triển. “Từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng phát triển đồng đều, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Sự phát triển đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước”, Hòa thượng Danh Lân nói.

Đánh giá về việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có tinh thần yêu nước, sống đoàn kết, gắn bó cùng nhau phát triển. Các dân tộc đều trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ra sức thi đua học tập, lao động, sản xuất, tích cực góp công, góp sức để xây dựng quê hương, đất nước.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc, vùng biên giới ngày càng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Công tác phát triển Đảng, xây dựng lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc được chú trọng

“Đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận, đoàn thể và chính quyền địa phương. Những kết quả trên có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định và phát triển tỉnh nhà”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Toàn tỉnh Kiên Giang có 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, lớp mẫu giáo; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 89,3%, tỷ lệ hộ sử dụng điện 99,6%. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo...

Bài và ảnh: DANH THÀNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/mttq-doan-the/doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngay-cang-nang-len-20991.html