Rộ vấn nạn giả danh tu sĩ lừa đảo qua Chatbox
Những kẻ lừa đảo sử dụng công cụ Chatbox tự động của Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, lừa đảo tiền gây mất ANTT và làm sai lệch các giá trị đạo đức, nhân văn của tôn giáo và hình ảnh các vị chân tu.
Không ít người vì nhẹ dạ đã mất một khoản tiền. Trong khi đó, những kẻ lừa đảo sử dụng công cụ Chatbox tự động của Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, lừa đảo tiền gây mất ANTT và làm sai lệch các giá trị đạo đức, nhân văn của tôn giáo và hình ảnh các vị chân tu. Đáng nói hơn, trào lưu này ngày càng xuất hiện nhiều, nhất là thời điểm hiện nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng loạt lễ hội, hoạt động tôn giáo lớn nhỏ diễn ra.
Núp bóng bậc chân tu
Cận kề ngày rằm tháng Giêng, trong lúc đang lướt nhanh các trang tin tức, tôi nhận được tin nhắn từ một tài khoản định dạng là page với tên là Thầy Nhất Thức. Tài khoản có hình đại diện là hình một vị chân tu nổi tiếng ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi trong quá trình… khai sáng, làm chủ vận mệnh tương lai.
Theo đó, tài khoản này viết vào tin nhắn cá nhân tôi: “Thầy Nhất Thức có duyên với Phật, nương nhờ cửa Phật. Để trả ơn cho Đức Phật, vào tháng 11 và tháng 1 âm lịch hàng năm, thầy có xem tử vi miễn phí tạo phúc, giúp đỡ thí chủ tránh được kiếp hạn, khai sáng vận mệnh tương lai”.
Thực tế “trào lưu” này từng bị lên án, nhưng hiện vẫn tồn tại, và có dấu hiệu lan rộng, nhờ vào các chiến dịch quảng cáo của Facebook. Với mẫu quảng cáo “Thầy xem miễn phí cho 9 người nữa thôi, để tạo phúc, giúp đỡ mọi người, mang lại bình an và may mắn” tưởng chừng đây là dòng tiêu đề vô hại.
Thế nhưng, nhiều người nếu không cảnh giác sẽ dễ dàng trở thành “con mồi”, nhiệt tình cung cấp các thông tin cá nhân, từ ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại cùng các thông tin khác có liên quan.
Sau một hồi kiên nhẫn, trao đổi thông tin, dù tôi cố tình cung cấp các thông tin “ma”, nhưng chủ tài khoản này còn hối thúc chuyển tiền, hoặc sẽ thanh toán khi nhận các lễ vật, nhằm hóa giải vận xui.
Chủ tài khoản tu sĩ giả danh này thuyết phục tôi bằng những lời thấm nhuần giáo lý nhà Phật “Thầy nhận thấy con tuy được nhận lộc ơn trên trong năm nay, có quý nhân theo phù trợ, nhưng lại đang bị hãm cung tài lộc và tình duyên, bởi các hạn con gặp phải. Hiện tại thầy đã làm lễ giúp hơn ngàn phật tử giải hạn và được các thí chủ phản hồi rất tích cực khi làm lễ”.
Chưa dừng lại ở đó, tài khoản này còn bày trò “cúng lễ đuổi vong”, “giải vận hạn đen”, và yêu cầu tôi chuyển tiền để mua các thứ như: Vòng tay bách xanh may mắn ẩn chứa sức mạnh tâm linh huyền bí; linh phù cầu bình an, bùa bình an…
Tất cả chỉ có 139.000 đồng và không quên giải thích rõ, số tiền này là phí chuẩn bị đồ lễ, còn công sức thầy làm lễ là miễn phí, rồi đưa yêu cầu tôi chuyển tiền trước, hoặc có thể thanh toán khi bưu điện gửi đến sau vài ngày nữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ đoạn vừa kể chính là việc dùng ứng dụng Chatbox, tạo ra 1 kịch bản có đầu tư nội dung thuyết phục và chỉn chu, đánh vào tâm lý bất an, sợ hãi của nhiều người. Ngoài việc truyền tải những kiến thức, thông tin sai lệch của Phật giáo, chúng còn làm cho hình ảnh, thông tin của việc tu học, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của chánh Pháp bị sai lệch.
Những kẻ lừa đảo đang lợi dụng công nghệ mới, tự động để tạo ra những câu chuyện có thể tin được, làm cho mọi người tin theo, và đi đến cung cấp thông tin cá nhân, tiền bạc, cũng như khai thác các chi tiết cá nhân. Sau đó, có thể có đầy đủ thông tin cá nhân rồi làm cho những kế hoạch, dự định và đòi hỏi này có vẻ hoàn hảo và hợp pháp.
“Với kịch bản có đầu tư, ngôn ngữ ngọt ngào, đánh trúng tâm lý người nhẹ dạ, chỉ cần không chú ý, người ta rất dễ trở thành nạn nhân để rồi than trời, trách đất. Đây là hình thức lừa đảo tinh vi và phổ biến, xuất hiện liên tục, thường xuyên và ồ ạt những ngày cuối năm và đầu năm mới - thời điểm mà mọi người có nhu cầu tìm về các giá trị tâm linh. Đây cũng là tình trạng trục lợi tâm linh lan tràn, biến tướng, đánh thẳng vào tâm lý sợ hãi, lòng tin, đức tin của con người, dẫn đến biến tướng, méo mó của Phật Pháp và Chánh Pháp”, sư trụ trì một ngôi chùa tại quận 3, TP HCM nói.
Lợi dụng niềm tin tôn giáo để lừa đảo, trục lợi
Không quá khó khăn để nhận thấy rằng, nhờ những tiện ích của công nghệ số mà những hình ảnh, lời dạy, giá trị tốt đẹp của đạo Phật đến được một cách nhanh chóng, dễ dàng với đông đảo đồng bào khắp mọi nơi.
Chính như vậy, bọn xấu lợi dụng kẽ hở, đánh cắp hình ảnh, tác phẩm, hình ảnh của các bậc chân tu, các hình thức xuất bản để làm việc sai lệch, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền nhân thân của các vị chức sắc tôn giáo.
Việc lập ra 1 trang Facebook, đưa các thông tin liên quan các giá trị, kiến thức bài học ý nghĩa càng làm tăng thêm lòng tin của những phật tử chân chính. Đáng chú ý hơn, đằng sau những điều đó là sự ẩn tàng của các điều đáng lo ngại.
Các đối tượng đã lấy hình đại diện là các chức sắc, có uy tín, giá trị và có tiếng nói trong cộng đồng rồi lan tỏa rộng rãi đến những người nhẹ dạ các thông tin sai lệch, hành vi lừa đảo, đi ngược với quan điểm tu hành, phụng sự chúng sinh như bói toán, mê tín dị đoan.
Vậy nên, việc lợi dụng các giá trị tôn giáo để lừa đảo, trục lợi, một nhóm người nào đó đã làm biến tướng đi những giá trị tốt đẹp, nhân văn, gây mất ANTT xã hội là điều mà dư luận và xã hội cần lên án.
“Truyền thông đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đổi thay từng ngày mang đến cho mọi người những cơ hội học hỏi, tiếp cận những điều mới mẻ. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát hết được thông tin, lơ là, hay không có những sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn, lối sống tích cực thì rất dễ sa đà, sai lệch hướng với những giá trị đạo đức tốt đẹp mà Phật giáo hướng đến”, Th.S Nguyễn Thị Hồng Chi, giảng viên Khoa Truyền Thông, Trường Đại học Văn hóa TP HCM cho biết.
Trở lại với hiện tượng đã nêu trên, với sự đầu tư chỉn chu, các đối tượng đang lợi dụng hình ảnh các vị chức sắc tôn giáo để tiếp cận 1 nhóm người mà họ muốn hướng đến. Vì vậy, hoạt động này đòi hỏi cần sự chung tay của cả ngành chức năng lẫn cá nhân mỗi người để ngăn chặn, dẹp bỏ việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi, gây mất ANTT xã hội.
Tháng Giêng năm nay đánh dấu một mùa lễ hội khá khác biệt, khi nhiều lễ hội, hoạt động tôn giáo đông người bị hủy bỏ, hoặc hạn chế, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Chính vì vậy, lợi dụng tình hình này, các đối tượng đã chuyển hướng hoạt động ráo riết trên không gian mạng. Vì vậy, mỗi người cần tỉnh táo và lên tiếng để góp phần dẹp bỏ những điều sai trái này, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội cũng như gieo tiếng oan cho các giá trị chân chính tốt đẹp của Phật Pháp và công việc hoằng hóa.
Chatbox là gì?
Chatbox là thuật ngữ về công nghệ đang dần trở nên phổ biến và quen thuộc trên nền tảng Internet. Được sử dụng như một tính năng phổ biến, trò chuyện, Chatbox còn mang lại nhiều tiện ích khác. Các Chatbox phổ biến hiện nay, phổ biến có Chatbottle, Botlist, Thereisnbotforthat. Riêng ứng dụng Chatbox phổ biến trên Facebook hiện nay là Poncho, hay Chat Fuel, chúng có thể tự động gửi cho người dùng các tin tức đã được cài đặt sẵn.
Qua các chiến dịch quảng cáo, trong đó, có cả các quảng cáo xấu, lừa đảo chạy trên Facebook, những nhóm tội phạm đã nhanh chóng áp dụng những công nghệ tiên tiến, tiện dụng này để triển khai những chiến dịch marketing quy mô lớn, tiếp cận rộng rãi hơn nhóm người mà họ muốn tiếp cận.