Rổ VN30 đua nhau báo lãi trong quý 2/2024, duy nhất VIB lợi nhuận 'đi lùi'

Hầu hết các doanh nghiệp trong VN30 đều báo lãi tăng, chỉ duy nhất ngân hàng VIB ghi nhận lợi nhuận giảm. Trong đó, có 2 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trên 1.000% và 3 doanh nghiệp có mức tăng trên 100%...

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 sắp khép lại và bức tranh lợi nhuận nhóm VN30 đã hiện rõ. Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 đã tăng 24% và đạt khoảng 85.281 tỷ đồng.

Trong đó nhóm tài chính với 15 doanh nghiệp (13 ngân hàng, 1 công ty chứng khoán, 1 công ty bảo hiểm) ghi nhận 54.122 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng 19%. Lợi nhuận nhóm phi tài chính khoảng 31.159 tỷ đồng, tăng 34%.

Theo khảo sát, chỉ có duy nhất một đơn vị trong rổ VN30 báo lợi nhuận “đi lùi” là ngân hàng VIB, còn lại tất cả các “ông lớn” trong nhóm này đều báo lãi tăng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trên 1.000% và 3 doanh nghiệp có mức tăng trên 100%.

NHÓM CỔ PHIẾU VINGROUP ĐỒNG LOẠT BÁO LÃI LỚN

Trong kỳ kinh doanh vừa qua, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) là đơn vị báo lãi lớn nhất trong rổ VN30. Cụ thể, trong quý vừa qua, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần đạt 28.218 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 10.608 tỷ đồng, tăng 8,8% so với quý 2/2023.

Tuy nhiên do kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý 1, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty thu về 36.429 tỷ đồng doanh thu thuần và 11.512 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 41,1% và 46,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã chứng khoán: VIC)công bố doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2024 đạt 43.304 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế quý trong quý vừa qua đạt 684 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 65.043 tỷ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lợi nhuận sau thuế 2.069 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.478 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ chi phí, Vincom Retail báo lãi sau thuế đạt 1.021 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng quý 2/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Vincom Retail bỏ túi 4.733 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 4%, lên mức 2.024 tỷ đồng.

NHÓM NGÂN HÀNG ÁP ĐẢO VN30

Ngân hàng cũng được ví như nhóm cổ phiếu "vua" với quy mô vốn hóa lớn. Diễn biến cổ phiếu nhóm này thực tế luôn có ảnh hưởng lớn không chỉ đến VN30-Index mà cả VN-Index. Trong quý 2/2024, tăng trưởng lợi nhuận của 13 ngân hàng đóng góp rất lớn với hơn 65.600 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và chiếm gần 62% toàn bộ rổ VN30.

Qua so sánh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) là doanh nghiệp báo lãi lớn thứ hai trong nhóm VN30. Ngân hàng này ghi nhận 8.125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2, tăng 9% so với cùng kỳ. Với kết quả này Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại.

Kế đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID) với 6.534 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của ngân hàng này.

Một ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán: CTG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua đạt 5.409 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB) cũng báo lãi 6.270 tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng 39%. Bám sát là Ngân hàng Quân Đội (MBBank - mã chứng khoán: MBB) với lợi nhuận sau thuế đạt 6.102 tỷ đồng, tăng 22%. , Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu ( mã chứng khoán: ACB) cho biết lãi sau thuế quý 2/2024 đã tăng 16%, đạt 4.469 tỷ đồng.

Trong quý 2 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) đã mang về 3.633 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 48%. Còn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) lãi quý 2 tới 3.252 tỷ đồng, cũng tăng 49%.

Đồng thời, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) lần lượt báo lãi 2.275 tỷ đồng và 2.177 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 13%.

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Quốc tế (mã chứng khoán: VIB) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm VN30 báo lợi nhuận sau thuế sụt giảm 29%, xuống còn 1.683 tỷ đồng.

NHIỀU DOANH NGHIỆP BÁO LÃI 3 CHỮ SỐ

Xét về tốc độ tăng trưởng, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) gây ấn tượng nhất nhóm VN30 khi tăng gần 6800% so với cùng kỳ, đạt 1.172 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, mức lãi này được so với nền rất thấp năm ngoái.

Tập đoàn cho biết lợi nhuận tăng mạnh trong quý vừa qua nhờ doanh thu thuần tăng 16% (đạt 34.134 tỷ đồng), lợi nhuận gộp tăng hơn 30% so với cùng kỳ và tối ưu chi phí do quá trình tái cấu trúc, tinh gọn hệ thống và nâng cao hiệu quả vận hành khi đóng các cửa hàng không hiệu quả mà vẫn không ảnh hưởng đến tổng doanh thu. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp bán lẻ này tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Một doanh nghiệp khác có tốc độ tăng trưởng trên 1.000% là Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC – mã chứng khoán: BCM). Điều đáng chú ý là trong kỳ vừa qua, Becamex IDC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.162 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Song, công ty vẫn báo lãi sau thuế 394 tỷ đồng, gấp 12 lần quý cùng kỳ. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận khoản lãi tăng đột biến từ khoản lãi từ các công ty liên doanh liên kết. Bên cạnh đó, công ty còn được hoãn khoản lớn chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mặc dù không có lợi nhuận tăng 4 chữ số nhưng Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – mã chứng khoán: POW) cũng có mức tăng trưởng ấn tượng khi báo lãi sau thuế 450 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ nhờ doanh thu được cải thiện. Trong đó, mức tăng trưởng doanh thu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty mẹ và phần lợi nhuận gia tăng từ Nhà máy Thủy điện Đăkđrinh.

Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng là một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong nhóm VN30. Cụ thể, Hòa Phát có doanh thu khoảng 39.936 tỷ đồng, tăng 34% so với quý 2/2023. Đây là con số cao nhất trong ba năm gần đây.

Kỳ này, biên lãi gộp cải thiện từ mức 10,8% lên 13,2%. Song song đó, công ty tiết giảm được 21% chi phí tài chính, chỉ tốn khoảng 1.065 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay sụt đến 45% về còn 564 tỷ trong quý 2.

Tổng lại, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế 3.320 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi cao nhất mà doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có được kể từ quý 3/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 71.029 tỷ doanh thu và 6.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 25% và 238% so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và khoảng 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cùng tần số, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) báo lãi sau thuế 946 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng doanh thu ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi. Bên cạnh đó, công ty còn được hưởng lợi nhờ giảm được hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay và phần lãi từ các công ty liên kết.

Thúy Hà

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ro-vn30-dua-nhau-bao-lai-trong-quy-22024-duy-nhat-vib-loi-nhuan-di-lui-post553875.html