Robin Gosens - cầu thủ của buổi hoàng hôn

Robin Gosens từng tạo nên kỳ tích cùng Atalanta trong 2 mùa giải gần nhất và anh đang mang niềm cảm hứng bất tận tại Serie A đến với vòng chung kết Euro 2020.

Chiều 19/6, trên sân Allianz Arena, Robin Gosens đối mặt Cristiano Ronaldo một lần nữa. Anh không bao giờ quên đội trưởng của Bồ Đào Nha đã từ chối đổi áo với mình thế nào trong trận đấu giữa Atalanta và Juventus ở Coppa Italy mùa giải trước.

Ronaldo vẫn ghi bàn, bàn thứ 12 của anh tại Euro, đánh dấu cột mốc vĩ đại. Nhưng ở phía bên kia, Gosens đã tỏa sáng và khiến kỳ tích của siêu sao người Bồ Đào Nha bỗng trở nên mờ nhạt.

Đây mới là giải đấu lớn đầu tiên mà Gosens được khoác áo đội tuyển quốc gia. Đúng hơn, đến tận tháng 9/2020, khi đã 26 tuổi, anh mới được HLV Joachim Loew gọi lên tuyển lần đầu.

 Gosens có màn tỏa sáng trước tuyển Pháp ở Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Gosens có màn tỏa sáng trước tuyển Pháp ở Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Hành trình của Gosens

Gosens chính là một trường hợp “nở muộn” của bóng đá Đức ở Euro lần này bên cạnh Hofmann, Gunter hay Halstenberg. Nhưng trong khi các cầu thủ đó chỉ được vào sân từ băng ghế dự bị, thì Gosens đã chiếm suất đá chính và trở thành cầu thủ xuất sắc trong chiến thắng của Đức trước nhà đương kim vô địch châu Âu.

Trước trận đấu với Bồ Đào Nha, HLV Joachim Loew đã quyết định chơi tấn công mạo hiểm hơn. Ông rút ra từ bài học trong trận mở màn với Pháp khi Đức “phòng thủ khá tốt nhưng tấn công lại chưa đủ mạnh” (lời của Loew trước trận). Đức cho 2 tiền vệ cánh là Joshua Kimmich ở bên phải và Robin Gosens ở bên trái dâng cao.

Chàng cầu thủ của Atalanta liên tục chạy để tạo ra khoảng trống và chính lối chơi ấy phát huy hết sở trường của anh. Ở Italy, dưới sự đào tạo của HLV Gasperini, tất cả cầu thủ Atalanta đều phải cống hiến 100% sức lực, phải chạy, chạy và chạy suốt 90 phút.

Atalanta luôn duy trì lối đá tốc độ cao và áp sát trước bất kỳ một đội bóng nào. Gosens đã mang thói quen đó lên tuyển Đức và khiến các cầu thủ Bồ Đào Nha luôn cảm thấy nghẹt thở mỗi khi anh lên bóng.

Ngay từ phút thứ 5, Gosens đã bật cao tung chân móc bóng vào lưới của Rui Patricio sau đường chuyền của Kimmich. Nhưng bàn thắng ấy không được công nhận với lý do Serge Gnarby tham gia tình huống trong tư thế việt vị.

Gosens đã không bỏ cuộc và những đồng đội của anh cũng vậy. Gần như tất cả cơ hội của Đức đến từ 2 cánh và chính Gosens một lần nữa tạo nên sự khác biệt. Anh nhận bóng từ Kimmich và chuyền thẳng vào phía trong. Ruben Dias, trước sức ép của Kai Havertz, đã lúng túng tự đưa bóng về lưới nhà. Đó là bước ngoặt của trận đấu bởi sau khi có bàn thắng đầu tiên tại Euro, tâm lý của các cầu thủ Đức đã được giải tỏa.

Tuyển Đức càng đá càng hay. Gosens và Kimmich đã đổi chỗ cho nhau liên tục và khiến HLV Fernando Santos cùng các học trò trở nên bối rối. Đức vượt lên dẫn 2-1, 3-1 rồi 4-1 với pha đánh đầu ghi bàn của chính Gosens, một phần thưởng cho anh sau màn trình diễn không thể tin nổi.

Bốn năm trước, Gosens bắt đầu cuộc hành trình đến Italy. Anh được Atalanta chiêu mộ với mức phí 1,17 triệu euro từ đội bóng ít tên tuổi của Hà Lan Heracles Almelo. Ở tuổi 23, anh hoàn toàn vô danh và việc tới Serie A chính là cơ hội lớn nhất cuộc đời.

Tuy nhiên, Gosens, người hồi nhỏ từng mơ ước trở thành một sĩ quan cảnh sát, đã bị “sốc văn hóa” hoàn toàn trước thói quen của người Italy, trái ngược hoàn toàn với sự kỷ luật và đúng giờ của người Đức và Hà Lan.

“Anh ấy không biết nói tiếng Anh trong khi tôi chẳng biết gì về tiếng Italy. Sau đó, chúng tôi phải giao tiếp bằng dùng công cụ dịch của Google”, Gosens kể về ngày đầu tiên của anh ở Italy như thế.

“Tôi cần Internet”, Gosens đã nói với nhân viên hỗ trợ của Atalanta. Người đó đáp lại rằng mọi thứ sẽ sẵn sàng vào ngày mai. 24 giờ trôi qua và nhà của Gosens vẫn chưa có Internet. Khi anh hỏi lại, câu trả lời “ngày mai” lại tiếp tục được đưa ra và một lần nữa, anh lại chờ đợi hoài công.

Phải đến tận một tuần sau, khi Gosens đang mướt mồ hôi trên sân tập, một cuộc điện thoại gọi tới cho anh “Tôi đang đứng trước nhà anh, anh đâu thế”. Đó chính là nhân viên đến lắp dịch vụ Internet. Gosens hoàn toàn bối rối, anh cố giải thích bằng đủ mọi cách với thứ tiếng Italy bập bẹ rằng anh đang tập và không thể về nhà trong 4 đến 5 tiếng nữa.

Đầu dây bên kia vẫn vui vẻ “Không sao, tôi sẽ uống cafe và đợi anh”. 18h, Gosens về đến nhà và nhìn thấy anh chàng lắp mạng đang ngồi trước cửa. Cuối cùng, sau 8 ngày, anh cũng có Internet để dùng với một câu nói của anh chàng kia “Người Italy là thế đấy”.

Với người đã quá quen sự kỷ luật, Gosens phải cố gắng để thích nghi cuộc sống ở Bergamo. “Nếu không, bạn sẽ không còn cơ hội gì cả”, sau này, anh nói như vậy về nỗ lực hòa nhập của mình khi đó.

Gosens không có sự khởi đầu như mơ giống như Joshua Kimmich, người đã sớm được Bayern để ý và đem về khi chưa tròn 20 tuổi. Anh bắt đầu sự nghiệp ở Niederrhein-Liga, một giải đấu hạng 5 của Đức, từng thất bại trong buổi thử việc tại Dortmund và hoàn toàn không thể tưởng tượng được rằng mình sẽ trở thành tuyển thủ quốc gia vào một ngày nào đó.

Vào thời điểm đại diện của Vitesse Arnheim đến gặp Gosens để đề nghị anh về chơi cho đội Jong (tức U19) của họ, anh đã nhận lời chỉ để hy vọng mình có cơ hội lên chơi ở đội 1. Bước ngoặt đến khi HLV Peter Bosz quyết định đưa anh đến trại tập huấn mùa đông ở Abu Dhabi và biến anh từ một tiền vệ trở thành hậu vệ cánh trái.

Gosens không bao giờ chơi cho Vitesse ở giải vô địch, nhưng chính quyết định ấy của Bosz đã góp phần biến anh trở thành một trong những cầu thủ chạy cánh hay nhất của Serie A như hiện tại.

 Gosens ghi bàn cho tuyển Đức trong trận gặp Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters.

Gosens ghi bàn cho tuyển Đức trong trận gặp Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters.

Bản hợp đồng chóng vánh

“Tôi đã giải quyết xong mọi chuyện, phí chuyển nhượng sẽ được thanh toán và giờ cậu có thể chuyển tới Atalanta rồi đấy”, tiếng của người đại diện vang lên trong điện thoại khiến Gosens giật mình. Cho đến tận lúc ấy, anh vẫn không biết gì nhiều về vụ chuyển nhượng tới Serie A ngoài vài câu nói vu vơ vào cuối mùa giải.

Anh quyết định sa thải gã đại diện tự tung tự tác đó và dự tính tiếp tục ở lại Heracles. Nhưng một cuộc điện thoại khác lại một lần nữa thay đổi cuộc đời anh. “Tôi chỉ hiểu mỗi từ ‘ciao’ (tiếng Italy: xin chào)”, đó là giám đốc thể thao của Atalanta. Ông ta mời anh tới Bergamo vào cuối tuần và mọi thứ sau đó đã diễn ra nhanh chóng.

Gosens ký hợp đồng với đội bóng tấn công hay nhất Serie A và ngay lập tức có mặt trong đội hình xuất phát. Trong hệ thống 3-5-2 của HLV Gasperini, anh đảm nhiệm vai trò “wingback” bên trái.

Anh trưởng thành liên tục cùng với Atalanta. Đội bóng nhỏ bé ấy đã giành được suất dự Champions League 2019/20 bằng một phong độ kỳ diệu. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, Atalanta bơi ra biển lớn. Và đó cũng là lần đầu tiên, “anh nông dân” Gosens được tận hưởng mùi vị chơi bóng ở giải đấu hàng đấu thế giới.

Quãng thời gian ở Atalanta đã giúp Gosens tự hoàn thiện mình hơn. Anh thường hoạt động độc lập bên cánh trái và do đó, vừa phải biết phòng ngự lại vừa phải biết hỗ trợ tấn công. Khi còn trẻ, Gosens chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Sang Hà Lan, anh được đào tạo mọi thứ để đảm đương vị trí hậu vệ trái, tất cả, từ thể chất, tốc độ cho đến cả tinh thần thi đấu.

Điểm mạnh của Gosens chính là khả năng tắc bóng dù Gasperini nhiều khi không thích. Nhưng vị HLV người Italy đánh giá cao cậu học trò của mình ở khả năng kiểm soát bóng và chuyền ngắn. Thêm vào đó, kỹ thuật tạt cánh của anh không ngừng được mài giũa trong suốt những năm tháng tại Serie A.

Chính phong độ tuyệt vời của Gosens trong 3 năm ở Atalanta đã khiến HLV Joachim Loew phải để mắt tới. Cuối cùng, ông quyết định gọi anh lên đội tuyển sau khi chứng kiến hành trình khó tin của anh và La Dea (biệt danh của Atalanta) ở Champions League.

Loew đã không nhầm. Niềm tin của ông vào Gosens đã được đền đáp. Anh chiếm vị trí xuất phát trong đội hình Die Mannschaft từ tháng 3 và có ngay cho mình 2 bàn thắng cùng 3 đường kiến tạo sau 5 trận đấu.

Đối mặt với nhà đương kim vô địch Bồ Đào Nha, anh và Kimmich đã khuấy đảo hoàn toàn hệ thống phòng thủ của đối phương và luôn đặt khung thành của Rui Patricio trong tình trạng báo động. Bốn bàn thắng trong vòng 25 phút của Đức đã khiến đội quân của Fernando Santos hoàn toàn sụp đổ. Trong đó, bàn thắng của Gosens trước Bồ Đào Nha đến sau một tình huống khá thú vị.

Joachim Loew có ý định rút anh ra nhưng sau đó, ông đã hoãn lại thêm vài phút. Và Gosens có bàn thắng của riêng anh sau 2 đường kiến tạo trong trận đấu. “May mắn thật, HLV đã để tôi ở lại thêm một chút để tôi “hốt” cú chót”, sau trận đấu, Gosens cười vui vẻ và giải thích về việc ghi bàn xong rồi ra sân luôn của anh.

“Tôi rất hạnh phúc. Tôi vẫn sẽ tận hưởng trận đấu này nốt hôm nay và có thể cả ngày mai nữa. Nhưng sau đó, hành trình tiếp theo sẽ là Hungary và chúng tôi phải giành được 3 điểm ở trận đấu đấy”, anh đặt mục tiêu cho bản thân mình và đồng đội như thế. Chiến thắng trước Bồ Đào Nha đã mở toang cánh cửa cho Đức tiến bước vào vòng knock-out, nhưng mọi thứ vẫn còn chưa chắc chắn. Nếu coi thường Hungary, họ có thể sẽ phải trả cái giá rất đắt.

“Sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, tôi đã đến chỗ Ronaldo khi thậm chí chưa ăn mừng cùng đồng đội. Tôi hỏi xin anh ấy chiếc áo, nhưng Ronaldo không chấp nhận. Anh ấy còn không nhìn tôi và chỉ nói “Không”. Tôi vô cùng xấu hổ và lủi thủi bước đi”, Gosens đã kể về chuyện đổi áo bất thành của anh trong cuốn sách của mình.

Khi trận đấu với Bồ Đào Nha kết thúc, một lần nữa, Gosens lại không thể đổi áo với Ronaldo. Tuy nhiên, đó là do anh không còn muốn làm điều đó với một ngôi sao chưa từng thắng nổi anh sau 6 lần đối mặt. Và tất nhiên, anh cũng chẳng có cái cảm giác xấu hổ như cách đây một năm nữa. Bởi lúc này, anh đã trở thành cái tên được nhiều người biết tới.

Video Bồ Đào Nha - Đức: Ronaldo chạy từ sân nhà để đệm bóng Sau tình huống phản công, Diogo Jota kiến tạo cho Cristiano Ronaldo mở tỷ số trong trận cầu tâm điểm ở bảng F Euro 2020 đêm 19/6 (giờ Hà Nội).

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/robin-gosens-cau-thu-cua-buoi-hoang-hon-post1229266.html