'Robot bón thức ăn' - một dự án nhân văn của học sinh Lào Cai

Một học sinh lớp 12 ở Lào Cai đã nghiên cứu, chế tạo ra robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson với phương pháp sử dụng công nghệ xử lý ảnh để điều khiển.

Với ý tưởng hỗ trợ việc ăn uống cho người bị bệnh Parkinson, Vũ Hoàng Long, học sinh lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông số 1 (thành phố Lào Cai) đã nghiên cứu thành công robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson nhờ sử dụng công nghệ xử lý ảnh.

Đặc biệt, dự án này đã được chọn tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel Isef) 2019, từ ngày 12-17/5/2019 tại Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ.

Ngày 9/5, tại thành phố Lào Cai, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức buổi gặp mặt đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh dự thi Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel Isef) 2019.

Với tổng chi phí phát triển và hoàn thiện sản phẩm chưa đến 2 triệu đồng nhưng lại tích hợp được các công nghệ hiện đại, dự án đem lại hiệu quả cao và tiện lợi hơn so với các phương pháp truyền thống.

Dự án EEBot “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” của học sinh Vũ Hoàng Long là 1 trong 5 dự án của khu vực miền Bắc giành điểm cao nhất tại vòng thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Bắc, đi thi quốc tế bằng tiếng Anh.

Vũ Hoàng Long cho biết từ thực tế quan sát cuộc sống, em nhận thấy người già mắc bệnh Parkinson xung quanh em gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Đặc điểm của các bệnh nhân này là chỉ cần trong trạng thái nghỉ ngơi là tay chân bắt đầu bị run. Nếu ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể tự ăn uống nhưng không thoải mái, càng về sau, chứng run sẽ càng bộc lộ rõ khiến họ không thể cầm chắc đũa, thậm chí là thìa để xúc món ăn.

Vì vậy, hằng ngày họ đều cần nhờ người khác hỗ trợ việc ăn uống. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý bản thân do người bệnh cảm thấy mặc cảm khi cần người khác hỗ trợ.

Qua tìm hiểu, Long được biết ở Việt Nam có khoảng 300.000-400.000 người mắc căn bệnh này. Riêng Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tới khám và điều trị.

Đã có nhiều loại robot hỗ trợ bệnh nhân Parkinson trong việc giúp đưa thức ăn lên miệng người bệnh một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, theo Long, các robot trên không phù hợp với đối tượng người bị mắc bệnh Parkinson, khi thiết kế không linh hoạt (dùng cằm điều khiển cần) và sử dụng phương pháp điều khiển bằng nút bấm - khó sử dụng với người bệnh Parkinson khi bị run tay, giá thành cao.

Thêm vào đó, các sản phẩm sản xuất tại nước ngoài có thể không phù hợp với Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do trên và với kiến thức tìm hiểu được về lập trình, robot, Long đã nghiên cứu, chế tạo ra robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson với phương pháp sử dụng công nghệ xử lý ảnh để điều khiển, đem lại sự thuận tiện nhất trong việc phục vụ họ ăn uống, khắc phục điểm yếu mà các sản phẩm khác đang tồn tại.

EEBot của Vũ Hoàng Long có nhiều tính năng mới như cánh tay robot và khay đựng thức ăn được thiết kế linh hoạt, phương pháp điều khiển bằng giọng nói đã được điều chỉnh cho phù hợp với người bị bệnh Parkinson, công nghệ xử lý ảnh được kết hợp sử dụng giúp robot bón thức ăn tới đúng vị trí miệng người bệnh.

Thông tin về người bệnh và chế độ dinh dưỡng được robot lưu trữ và phân tích, từ đó đưa ra gợi ý về chế độ dinh dưỡng phù hợp với người bệnh.

Thầy Vương Quang Trọng, Trường trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai, giáo viên hướng dẫn dự án của Long, cho biết tiềm năng của EEBot không chỉ dừng lại trong việc phục vụ những người bệnh Parkinson mà còn có thể giúp nhiều đối tượng khác không có khả năng tự sinh hoạt trong khâu ăn uống mà lại thiếu nhân sự hỗ trợ.

Vì vậy, hướng phát triển cho EEbot là tự xây dựng một bộ thư viện nhận diện giọng nói của những người Parkinson, mở rộng phương pháp điều khiển EEbot với nhiều đối tượng người khuyết tật khác; ứng dụng học máy cho tay máy EEbot để có thể tự sửa được quỹ đạo xúc, bón ăn đối với từng món ăn và người bệnh khác nhau qua mỗi lần mắc lỗi.

"Khi Long đưa ra ý tưởng ban đầu của dự án, chúng tôi đã ngay lập tức bị thuyết phục bởi tính nhân văn và thiết thực của nó trong đời sống. Do đó, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cùng Long hoàn thành mục đích nghiên cứu bằng sản phẩm robot này," thầy giáo Vương Quang Trọng chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai có dự án Khoa học kỹ thuật dự thi quốc tế.

Đáng chú ý, học sinh Lào Cai với 6 dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2019 đã có 5 dự án đoạt giải với 4 giải nhất và 1 giải tư, đưa Lào Cai dẫn đầu danh sách về số lượng các dự án đoạt giải nhất, đồng thời duy trì thành tích 6 năm liên tiếp có dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt giải cao.

"Các dự án đã cơ bản thể hiện được quá trình nghiên cứu của học sinh. Học sinh đã biết thâm nhập vào cuộc sống để có ý tưởng nghiên cứu. Đáng trân trọng hơn là các ý tưởng của học sinh đều thể hiện mong muốn cải thiện những vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống," ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai nêu rõ.

Phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh tại Lào Cai nhiều năm trở lại đây phát triển rất mạnh mẽ. Năm học 2018-2019, số trường tham gia cuộc thi cấp tỉnh tăng 13 trường, 14 dự án. Tại cấp huyện, cấp cụm, các đơn vị đã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quy củ bài bản hơn, do đó các dự án đã có chất lượng tốt hơn.

Hy vọng thành công của Long sẽ tiếp tục lan tỏa tạo động lực cho phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh Lào Cai. Từ kết quả trên, Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, trong đó xác định nghiên cứu khoa học trong học sinh là một trong những nhiệm vụ đột phá để từng bước thực hiện hội nhập quốc tế về giáo dục, ông Nguyễn Anh Ninh nhấn mạnh./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/robot-bon-thuc-an-mot-du-an-nhan-van-cua-hoc-sinh-lao-cai/568284.vnp

Hương Thu

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/robot-bon-thuc-an-mot-du-an-nhan-van-cua-hoc-sinh-lao-cai-post104277.html