Trong tình hình số lượng tăng thiết giáp của Nga gặp phải thiệt hại không nhỏ, báo giới Moskva cho rằng quân đội nước này cần sớm sử dụng các phương tiện không người lái như robot chiến trường Uran-9.
Theo số liệu được Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine đưa ra, họ đã phá hủy 2.771 xe tăng, 5.630 xe thiết giáp các loại, 4.199 phương tiện vận tải - xe chở nhiên liệu... của đối phương.
Mặc dù con số trên bị nhận xét là có phần phóng đại, nhưng thực tế thiệt hại của Quân đội Nga cũng không ít. Trong tình cảnh trên, việc sớm tung robot chiến trường như Uran-9 vào trận rõ ràng rất cần thiết.
Uran-9 là một chiếc xe tăng tự hành được trang bị hỏa lực rất mạnh, bao gồm pháo tự động 2A72 cỡ 30 mm, súng máy 7,62 mm PKT, tên lửa chống tăng Ataka và có thể bao gồm cả tên lửa phòng không.
Robot Uran-9 được dự báo sẽ nhanh chóng thay thế vai trò của xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực trên chiến trường tương lai, nhằm giảm thương vong cho người lính.
Mặc dù vậy chỉ sau một thời gian ngắn được "thử lửa" tại Syria, các nghiên cứu độc lập từ chính Bộ Quốc phòng Nga đã cho thấy thực chất robot Uran-9 không hề đạt hiệu suất chiến đấu như dự kiến.
Điều đó dẫn tới việc phương tiện này nhanh chóng bị rút khỏi chiến trường Syria nóng bỏng để đưa về nước nhằm hiệu chỉnh tính năng, sau một thời gian Nga tuyên bố rằng công việc về cơ bản đã xong.
Tuy nhiên truyền thông phương Tây lại không nghĩ vậy, khi một báo cáo từ Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ BAE Systems của Anh đã cho biết mọi nhược điểm của Uran-9 thực chất vẫn còn nguyên.
Cụ thể họ cho rằng, khả năng điều khiển từ xa (tele-operation) của robot Uran-9 rất kém, đôi lúc bị mất kiểm soát trong cự ly ngắn, không hề có khả năng tự hành trình.
Bên cạnh đó phương tiện này còn bị giới hạn trong việc phát hiện, định dạng và tiêu diệt kẻ thù nếu không có điều hướng từ người điều khiển từ xa, cho thấy nó không phải là một robot tự hành đúng nghĩa.
Tốc độ di chuyển chậm, trên đường nhựa chỉ được 22 dặm/h còn khi trên đường xấu giảm xuống còn 15 dặm/h. Khả năng bảo vệ yếu trước hỏa lực mạnh, hệ thống cảm biến ảnh nhiệt thiếu tin cậy.
Robot chiến trường Uran-9 còn bị nhận xét là không thể thực hiện chức năng hỗ trợ trong tác chiến cổ điển khi hệ thống cảm biến ảnh nhiệt khó lòng phát hiện mục tiêu trong khoảng cách trên 1 km.
Độ chính xác khi tác xạ của robot Uran-9 cũng không được đánh giá cao khi bộ ổn định tầm - hướng dành cho súng, pháo thiếu tin cậy, thậm chí có thể gây thương vong cho chính quân ta.
BAE Systems ước tính rằng thời gian cần thiết để Nga khắc phục hoàn toàn những nhược điểm trên của robot chiến trường Uran-9 sẽ mất 10 - 15 năm, khi đó nó mới thực sự sẵn sàng.
Tất nhiên trên đây là báo cáo có tính "dìm hàng" của phương Tây về khí tài Nga. Sẽ có những điểm của Uran-9 khi thực chiến sẽ gây bất ngờ lớn. Và cho dù báo cáo có một vài thông tin đúng thì việc Nga rút ngắn quá trình thử nghiệm và dùng chính điều kiện tác chiến để hoàn thiện sản phẩm của mình cũng là dễ hiểu.
Bạch Dương