Rối bời vì quy định phòng, chống dịch Covid-19

Ai đi xa cũng mong Tết được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, việc mỗi địa phương ban hành một quy định riêng về phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang gây khó khăn cho người dân khi về quê đón Tết.

Người dân rời thành phố về quê đón Tết Nguyên đán. Ảnh: MẠNH TÙNG

Người dân rời thành phố về quê đón Tết Nguyên đán. Ảnh: MẠNH TÙNG

Gia đình chị Mai Thương nhiều năm sinh sống và làm việc tại quận Ba Đình (Hà Nội). Quê chị ở Thanh Hóa, quê chồng chị ở Ninh Bình. Mặc dù khoảng cách địa lý không xa, nhưng do tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tháng qua chị chưa về thăm quê. Từ tháng 12/2021, vợ chồng chị đã lên kế hoạch về quê đón Tết, chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên, mấy hôm nay tâm trạng chị rối bời khi được biết người từ vùng cam ở Hà Nội khi về Ninh Bình, dù có kết quả xét nghiệm âm tính và đã tiêm hai mũi vắc-xin vẫn phải cách ly tại nhà như F1. Nếu gia đình không có đủ điều kiện cách ly (có phòng riêng) thì sẽ phải đi cách ly tập trung. Còn nếu gia đình chị về Thanh Hóa thì phải cách ly y tế tại nhà 14 ngày và làm xét nghiệm Covid-19 ba lần. "Phải cách ly dài ngày như thế, còn gì Tết nữa"-chị Mai Thương nói.

Chị Lê Hằng quê ở Quảng Ninh cho biết, chị rất muốn về quê đón Tết nhưng sợ phải cách đi ly tập trung do đến từ vùng cam. Mặc dù không sinh sống và làm việc tại vùng dịch cấp độ nguy cơ cao và đã tiêm hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng khi về xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), người dân vẫn phải cách ly y tế tại nhà 14 ngày. Tương tự, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng yêu cầu người từ Hà Nội trở về địa phương cách ly 14 ngày tại nhà, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Trong thời gian cách ly, người dân phải lấy mẫu xét nghiệm ba lần vào các ngày: thứ nhất, thứ 7, thứ 14 và phải tự trả chi phí.

Tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu tất cả người dân từ tỉnh ngoài về quê dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Tùy vào từng khu vực người dân sinh sống, làm việc trước khi trở về địa phương mà tỉnh sẽ áp dụng phương án cách ly, xét nghiệm theo bản đồ dịch tễ. Còn TP Hải Phòng yêu cầu cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam, làm xét nghiệm vào ngày 7, ngày 14, người từ vùng vàng và vùng xanh về phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày… Chính những quy định khác nhau của các địa phương đã gây khó khăn cho người dân khi về quê đón Tết, nhất là những người có hai quê.

Một số tỉnh như: Quảng Nam, Thái Nguyên… tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về địa phương dịp Tết Nguyên đán nếu không thật sự cần thiết. "Quanh năm làm việc cật lực, dành dụm chi tiêu, chỉ mong Tết đến được về quê sum họp gia đình. Vậy mà chính quyền lại khuyên nên ở lại không về quê, nếu về phải cách ly y tế thì thật buồn"-anh Tống Ngọc Quang quê ở Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ.

Cũng có nhiều địa phương nới lỏng quy định, chỉ yêu cầu người dân khai báo y tế và thực hiện 5K như các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long…

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân. Người dân từ tỉnh này đến tỉnh khác không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn yêu cầu người dân xét nghiệm và cách ly tập trung khi trở về quê dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nay, hầu hết người dân trong độ tuổi đã tiêm hai mũi vắc-xin ngừa Covid-19, một số địa phương đã tiêm mũi nhắc lại. Việc bao phủ vắc-xin và có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Người dân cũng đã quen dần với việc sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, nâng cao ý thức phòng dịch, chấp hành 5K. Các địa phương siết chặt quy định về phòng, chống dịch với những yêu cầu xét nghiệm và cách ly trên có thật sự cần thiết và phù hợp thực tế? Trước các quy định phòng, chống dịch Covid-19 khác nhau của các địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng thống nhất một quy định trên toàn quốc, tránh gây khó cho người dân.

PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng: "Về quê ăn Tết là một nhu cầu tất yếu, là mong mỏi, chờ đợi của hầu hết người dân xa quê. Chính quyền cần tạo mọi điều kiện để người dân được trở về quê an toàn, chứ không phải ngăn cấm hay gây khó dễ như hiện nay".

THƯ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bandoc/roi-boi-vi-quy-dinh-phong-chong-dich-covid-19-683464/