Rối loạn căng thẳng cấp tính
Anh Nam (tên nhân vật đã thay đổi), một người đàn ông ngoài 50 tuổi, dáng vẻ cao to và hoạt bát, là giám đốc của một công ty về đồ gỗ. Anh tỏ ra mệt mỏi, căng thẳng và dễ kích động.
Anh Nam chia sẻ, cách đây 1 tháng vợ anh trở thành một con người khác, cô thường xuyên ghen tuông, giám sát rất chặt và cứ lặp đi lặp lại về việc anh có quan hệ tình cảm với cô nhân viên hành chính trong công ty. Trong ngày cô không tỏ ra mình căng thẳng, nhưng chiều về là cô thể hiện một con người khác. Cô luôn suy nghĩ về những hành động, mối quan hệ thân mật của chồng với cô nhân viên, hay gia tăng căng thẳng và khủng hoảng rất đột ngột, thậm chí nhiều đêm cô ngồi uống rượu một mình sau đó đập phá đồ đạc trong nhà. Cô cũng thường xuyên mất ngủ, bỏ ra khỏi phòng ngủ và khóc một mình. Cô né tránh các mối quan hệ xã hội và chỉ tập trung suy nghĩ vào các hành vi sai trái mà chồng đã làm…
Trong thực tế, cô đã cố gắng rất nhiều trong việc tránh né các tình huống làm cô đau khổ như đi tập yoga, không vào Zalo hay Facebook của chồng nhưng đều thất bại. Anh Nam chia sẻ rằng, đúng là cách đây 3 tháng, anh thấy rung động với cô nhân viên trẻ mới về làm trong công ty. Anh cũng thường xuyên đi công tác xa với cô ấy và một trong những lần đó vợ anh phát hiện. Dù hai người không có gì vượt quá giới hạn nhưng điều đó làm cho vợ suy diễn rằng anh đã ngoại tình, phản bội vợ.
Mặc dù không được gặp trực tiếp chị vợ, nhưng bác sĩ của phòng khám và nhà tâm lý lâm sàng cùng hội chẩn cho thấy vợ anh Nam có thể rơi vào trạng thái rối loạn căng thẳng cấp tính. Tuy nhiên, vợ anh thường không nhận ra các vấn đề của mình để đi khám và điều trị, dù gia đình và chồng đã cố gắng khuyên can nhiều lần. Việc điều trị rối loạn căng thẳng cấp tính thường được phối hợp giữa trị liệu tâm lý theo tiếp cận nhận thức hành vi (CBT) và sử dụng thuốc để giảm các triệu chứng tiêu cực. Trị liệu sớm có thể giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng tích cực và giảm nguy cơ stress hậu sang chấn (PTSD).