Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Nguy hiểm ra sao?

Hiện nay, rối loạn chuyển hóa mỡ máu là nội dung thường xuyên được đề cập đến trong các chương trình phổ biến kiến thức y khoa qua báo đài, vì đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính yếu của bệnh tim mạch và bệnh lý do xơ vữa mạch máu.

Tuy nhiên, trong thực tế tiếp xúc với người bệnh, chúng tôi nhận thấy vẫn còn có những lầm tưởng, nhận thức chưa đúng về mỡ máu, đưa đến việc chủ quan hoặc có thái độ xử trí không hợp lý với yếu tố nguy cơ cho sức khỏe tim mạch này.

Mỡ là chất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nếu quá trình chuyển hóa mỡ bị mất cân băng, tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể thì không tốt cho sức khỏe. Ảnh: CTV

Mỡ là chất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nếu quá trình chuyển hóa mỡ bị mất cân băng, tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể thì không tốt cho sức khỏe. Ảnh: CTV

Lầm tưởng “mọi loại mỡ đều là mỡ xấu”

Mỡ là thành phần cần thiết trong cơ thể, hiện diện dưới hai dạng chính là cholesterol và triglyceride. Bộ xét nghiệm mỡ máu gồm bốn trị số cho biết nồng độ trong máu của cholesterol toàn phần, loại mỡ được xem là “mỡ xấu” là LDL cholesterol và triglyceride, loại mỡ được xem là “mỡ tốt” là HDL cholesterol.

- Cholesterol toàn phần bao gồm tất cả thành phần cholesterol trong máu, kể cả LDL và HDL. Cholesterol cần thiết trong việc tạo màng tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh, và “góp mặt” trong nhiều nội tiết tố quan trọng của cơ thể.

- LDL (low density lipoprotein - lipoprotein tỷ trọng thấp) có khuynh hướng bám lên thành mạch máu, đưa đến tình trạng xơ vữa động mạch. Vì vậy, LDL được coi là cholesterol “xấu”. Lượng LDL cao là yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… Nếu LDL tăng 0,6% thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 1%.

- HDL (high density lipoprotein - lipoprotein tỷ trọng cao) là cholesterol “người tốt việc tốt”, giúp “quét dọn” cholesterol dư thừa trong dòng máu và trên thành mạch để chuyển về gan. Nếu HDL tăng chỉ 1% đã làm giảm 3% - 4% nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim.

- Triglyceride là loại mỡ giàu năng lượng, cung cấp năng lượng cho các hoạt động chức năng của tế bào, giúp tế bào tạo năng lượng. Tuy nhiên, triglyceride cũng là loại mỡ “xấu” vì nồng độ cao sẽ làm tăng LDL, giảm HDL, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp II.

Lầm tưởng “mỡ máu cao là không tốt”

Tình trạng “máu nhiễm mỡ” hoặc “mỡ máu cao” mọi người thường nhắc tới, chính xác phải gọi là “rối loạn chuyển hóa mỡ máu”. Từ ngữ “mỡ máu cao” thường được dùng để nói đến tình trạng nồng độ cholesterol cao trong máu. Tuy nhiên, sử dụng từ ngữ “mỡ máu cao” có thể khiến mọi người hiểu lầm rằng với tất cả loại mỡ trong máu, nếu có nồng độ cao là không tốt.

Mỡ là chất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nếu quá trình chuyển hóa mỡ bị mất cân băng, tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể thì không tốt cho sức khỏe. Như vậy, nếu nồng độ cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, triglyceride (mỡ “xấu”) cao trên mức bình thường là không tốt; nhưng ngược lại, nồng độ HDL cholesterol (mỡ “tốt”) nếu thấp hơn mức bình thường là không tốt.

Lầm tưởng “người gầy không bị tăng mỡ máu”

Nhiều người nghĩ rằng tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu gặp ở những người thừa cân, béo phì, còn những người “mình hạc xương mai” thì vô can. Quan niệm này không đúng! Sự thật là nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu ngang bằng ở tất cả mọi người, từ những người gầy, mảnh mai đến những người béo phì. Việc tăng nồng độ cholesterol trong máu và có lớp mỡ dưới da dày (gặp ở những người béo phì) không liên quan gì đến nhau.

Có nhiều yếu tố gây rối loạn chuyển hóa mỡ như di truyền; ăn nhiều mỡ; béo phì; tuổi tác; giới tính; các bệnh lý như tiểu đường, nhược giáp, bệnh gan, suy thận mạn; các thuốc như steroid, progesterone… Người béo phì thường gặp rối loạn chuyển hóa mỡ máu do thay đổi mức kháng insulin của tế bào. Nhưng người gầy (và cả những người thừa cân, béo phì) vẫn có thể bị rối loạn chuyển hóa mỡ do lối sống ít vận động, ăn thức ăn chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, chế độ ăn ít dinh dưỡng, do di truyền, hoặc do mắc các bệnh lý như kể trên.

Nếu nồng độ cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, triglyceride (mỡ “xấu”) cao trên mức bình thường là không tốt; nhưng ngược lại, nồng độ HDL cholesterol (mỡ “tốt”) nếu thấp hơn mức bình thường là không tốt. Ảnh: CTV

Nếu nồng độ cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, triglyceride (mỡ “xấu”) cao trên mức bình thường là không tốt; nhưng ngược lại, nồng độ HDL cholesterol (mỡ “tốt”) nếu thấp hơn mức bình thường là không tốt. Ảnh: CTV

Lầm tưởng “ăn ít dầu mỡ là không bị tăng mỡ máu”

Nhiều người ngạc nhiên thấy rằng mình ăn uống khá điều độ, hạn chế thức ăn có nhiều dầu, mỡ nhưng khi xét nghiệm vẫn thấy nồng độ cholesterol trong máu cao. Nên biết rằng mỡ được tạo từ hai nguồn: 20% từ thức ăn và 80% từ gan. Mỡ trong thức ăn được hấp thu tại ruột, vào máu, di chuyển tới gan, được gan thâu nạp (khoảng 8 giờ sau ăn) và chuyển hóa. Ngoài ra, gan có thể “tự thân vận động” sản xuất ra nguồn mỡ và tổng hợp cholesterol từ đường, đạm. Gan “đóng gói” mỡ dưới dạng các phân tử lipoprotein rồi đưa tới tế bào để tế bào sử dụng nguồn mỡ trong lipoprotein.

Như vậy, thức ăn chỉ là một trong những nguồn tạo ra mỡ. Có nhiều yếu tố ngoài thức ăn có thể góp phần gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu, chẳng hạn như do có những gene liên quan đến việc làm tăng nồng độ cholesterol; hay do chức năng gan bị ảnh hưởng bởi bệnh lý hoặc di truyền; hoặc do lối sống ít vận động, căng thẳng, uống rượu nhiều… Chính vì vậy, việc ăn ít dầu mỡ không đảm bảo rằng sẽ không bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu.

Lầm tưởng “người trẻ không cần quan tâm đến mỡ máu”

Một số người lầm tưởng rằng bắt đầu từ tuổi trung niên mới cần quan tâm đến vấn đề mỡ máu. Tuy nhiên, Hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association - AHA) khuyến cáo mọi người nên bắt đầu kiểm tra nồng độ mỡ máu từ tuổi 20, thậm chí nên kiểm tra ở cả trẻ em nếu gia đình có người mắc bệnh tim mạch.

Có những bằng chứng cho thấy trẻ em cũng có nguy cơ rối loạn chuyển hóa mỡ máu như người lớn. Việc ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, yếu tố di truyền là những tác nhân có thể ảnh hưởng đến nồng độ mỡ trong máu của trẻ. Cha mẹ nên giúp trẻ có một lối sống khỏe mạnh cho trái tim bằng cách để trẻ dùng thức ăn chứa ít chất béo bão hòa, chất béo trans và cholesterol; khuyến khích trẻ vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày; không để trẻ hút thuốc…

ThS-BS. Ngô Bảo Khoa

(Nguyên bác sĩ Khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/roi-loan-chuyen-hoa-mo-mau-nguy-hiem-ra-sao-42900.html