Rối loạn đông máu – yếu tố tiên lượng nặng làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19
Cung cấp những kiến thức mới nhất liên quan đến các bệnh nhân mắc COVID-19, đồng thời, hội chẩn trực tuyến các ca bệnh nặng, là nội dung xuyên suốt của buổi khám, chữa bệnh từ xa ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức vào chiều 13/8.
Buổi hội chẩn trực tuyến do PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chủ trì, với sự tham gia của 15 bệnh viện ở các tỉnh, huyện vùng cao và 1 bệnh viện nước ngoài.
Hơn 20% bệnh nhân COVID-19 có huyết khối tĩnh mạch
Hiện cả nước có 905 bệnh nhân COVID-19, trong đó, 20 người đã tử vong. Bộ Y tế tiên lượng số mắc và tử vong chưa dừng lại. Vì thế, các kiến thức mà các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cập nhật vô cùng có ý nghĩa, giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19 tốt hơn, đặc biệt là với các bác sĩ ở những bệnh viện miền núi, vùng cao, vùng sâu.
Quá trình điều trị, các bác sĩ phát hiện người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng; giống cảm cúm thông thường, đến viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng. Ngoài xâm nhập vào đường hô hấp, virus SARS-CoV-2 còn có thể tấn công vào tất cả các cơ quan nội tạng. Điển hình là tình trạng rối loạn đông máu - yếu tố tiên lượng nặng, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong do COVID-19.
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết: Rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương phổi nặng. Những bệnh nhân tử vong do rối loạn đông máu vẫn có sự nhầm lẫn giữa tổn thương do COVID-19 và xuất huyết phế nang. Chính vì vậy, vấn đề rối loạn đông máu ở người bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 cần đặc biệt quan tâm.
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chủ trì chương trình khám bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy)
Với báo cáo "Rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid-19: dự phòng, điều trị và theo dõi", TS. Trần Kiều My – Bộ môn Huyết học, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Đông - Cầm máu - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương – đã đưa ra một nhận xét ý nghĩa trong điều trị: Có hơn 20% người nhiễm virus SARS-CoV-2 có huyết khối (cục máu đông) tĩnh mạch, khoảng 80% người bệnh xuất hiện biến chứng thuyên tắc phổi.
Lý giải điều này, TS. My chia sẻ: Giới chuyên môn trên thế giới đưa ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 khiến cơ thể của người bệnh xuất hiện tình trạng bão cytokine (hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với virus) gây ra tổn thương tế bào nội mạc, hoạt hóa tiểu cầu khiến bệnh nhân xuất hiện huyết khối trong lòng mạch. Từ đó, dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy đa phủ tạng.
Buổi hội chẩn trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa với 15 bệnh viện miền núi, vùng cao (Ảnh: Liên Châu)
TS. My cho rằng, huyết khối ở bệnh nhân mắc COVID-19 có thể xuất hiện ở tĩnh mạch, động mạch, vi mao mạch. Trong đó, tổn thương ở vi mao mạch đặc biệt nguy hiểm đối với người bệnh, vì các bác sĩ không thể nhìn thấy và siêu âm được tổn thương này.
Bệnh nhân mắc COVID-19 có rất nhiều yếu tố gia tăng nguy cơ bị rối loạn đông máu gồm: tuổi cao, nằm lâu, có nhiều bệnh nền, phản ứng viêm, tổn thương lớp nội mô,… Hầu hết các bệnh nhân nặng đều có huyết khối tĩnh mạch.
TS. Trần Kiều My – Trưởng Khoa Đông máu, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương (Ảnh: Minh Thúy)
Chỉ ra thực trang và giải thích nguyên nhân, TS. My cũng đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có huyết khối, là cần phải sử dụng thuốc chống đông hợp lý, can thiệp thủ thuật phải đặc biệt cẩn trọng và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán huyết khối gồm: chẩn đoán những bệnh nhân chảy máu không rõ lý do (DIC); chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP),… Cùng với đó, phải dự phòng sớm nguy cơ xuất hiện huyết khối cho bệnh nhân, phối hợp đồng bộ các xét nghiệm chẩn đoán đông máu, đánh giá hiệu quả của thuốc chống đông.
Chẩn đoán viêm phổi do COVID-19 qua hình ảnh X-quang
Để chẩn đoán và điều trị viêm phổi do COVID-19 chính xác, việc nắm rõ các triệu chứng qua hình ảnh X-quang và cắt lớp vi tính của viêm phổi virus nói chung và viêm phổi do COVID-19 nói riêng, là vô cùng quan trọng.
Chụp cắp lớp vi tính phổi đã được chứng minh có độ nhạy tới 98% trong chẩn đoán viêm phổi do virus SARS-CoV-2 ngay cả trong giai đoạn sớm (2-3 ngày đầu khởi phát bệnh). Từ đó, giúp bác sĩ điều chỉnh chẩn đoán sớm cho bệnh nhân có chẩn đoán âm tính giả trên xét nghiệm Realtime-PCR, đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.
Thông tin về hình ảnh X-quang, chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân mắc COVID-19, TS. Đoàn Tiến Lưu – Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết: Việc chụp X-quang có độ nhạy không cao với tổn thương ở phổi (tổn thương tổ chức kẽ, kính mờ) của bệnh nhân COVID-19, còn chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy cao, phát hiện được đặc điểm tính chất tổn thương phổi của người bệnh.
TS. Lưu nhấn mạnh: Hình ảnh X-quang, cắt lớp vi tính đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ tổn thương phổi của người bệnh, đồng thời, theo dõi tiến triển của phổi. Dù người bệnh có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 , nhưng nếu hình ảnh X-quang phổi có dấu hiệu nghi ngờ thì vẫn phải xét nghiệm lại để khẳng định.
Qua các ca bệnh mắc COVID-19, các bác sĩ phát hiện hình ảnh X-quang phổi có tổn thương chủ yếu ở ngoại vi (58%) và đáy phổi (59%), phần lớn là ở 2 bên phổi (69%).
TS. Đoàn Tiến Lưu – Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thúy)
Thông thường, bệnh nhân mắc COVID-19 có 4 giai đoạn tiến triển tổn thương phổi, gồm: Giai đoạn sớm (0-4 ngày với hình ảnh kính mờ, lát đá, ít thùy tổn thương); giai đoạn tiến tiển (5-8 ngày với hình ảnh kính mờ, lát đá lan rộng phổi 2 bên); giai đoạn đỉnh bệnh (10-13 ngày, xuất hiện vùng đông đặc ở phổi) và giai đoạn thoái triển (hơn 14 ngày với hình ảnh dải dưới màng phổi, giãn phế quản ngoại vi).
Tại buổi hội chẩn, TS. Lưu đã phân tích hình ảnh X-quang phổi củav một số bệnh nhân COVID-19 đã tử vong, để cho thấy các bệnh nhân đều có tổn thương phổi điển hình.
Hình ảnh X-quang phổi của 1 bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Trình độ chuyên môn cùng những kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia đã cung cấp kiến thức khá đầy đủ, trực quan cho bác sĩ tuyến dưới, để họ có thể chủ động chẩn đoán và có hướng xử lý phù hợp khi có bệnh nhân COVID-19, nhằm hạn chế tử vong.
PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu mong muốn các bác sĩ có thể chỉ ra sự tiến triển tốt hơn, hoặc xấu đi trên phim X-quang của bệnh nhân COVID-19, để có hướng điều trị phù hợp, đồng thời, phân loại tình trạng người bệnh.
Hội chẩn trực tuyến các ca bệnh nặng
Cũng trong buổi hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khám bệnh từ xa cho bệnh nhân D. Vanthanouvong, nam, 62 tuổi, bị rối loạn đông máu do xơ gan cổ chướng, viêm gan C tại Bệnh viện Hà Nội – Viêng Chăn.
Dựa trên những hình ảnh được chuyển qua hệ thống trực tuyến, TS. Nguyễn Hoàng – Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đã trao đổi và tư vấn cho các bác sĩ hướng xử lý ,như chụp cắt lớp vi tính lại, xem xét việc can thiệp mạch, chọc hút dịch màng phổi cho bệnh nhân.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, có tình trạng bệnh nặng (Ảnh: Minh Thúy)
Các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn tư vấn và đưa ra hướng điều trị cho một số bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh, Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ, Bệnh viện Đa khoa Bắc Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang... Với việc hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ tuyến dưới được tiếp cận với các ca bệnh điển hình, đồng thời, được các chuyên gia bổ sung, cung cấp các kiến thức mới nhất về các căn bệnh phức tạp, mà ở địa phương họ khó có điều kiện tiếp cận.