Rối loạn lo âu… có nguy hiểm?

Rối loạn lo âu ngày càng phổ biến, nhưng thông tin về bệnh còn hạn chế, khiến mọi người chưa biết để điều trị. Bệnh dễ tái phát, tăng nặng...

Rối loạn lo âu là bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến suy giảm về sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp, tăng nguy cơ toan tự sát lên 3,64 lần”, BSCKII. Vũ Thị Lan, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Rối loạn lo âu... tự dùng dao đâm thấu bụng nguy kịch

Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân S.A.M, 44 tuổi, tự dùng dao đâm thấu bụng gây ra nhiều vết thương, trong đó 3 vết thương làm đứt động, tĩnh mạch thượng vị dưới, vỡ gan, tụy... Hậu quả được kết luận do bệnh lý rối loạn lo âu, mất ngủ dài ngày.

 Người bệnh bị rối loạn lo âu... tự dùng dao đâm thấu bụng nguy kịch - Ảnh BVCC

Người bệnh bị rối loạn lo âu... tự dùng dao đâm thấu bụng nguy kịch - Ảnh BVCC

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, có thời điểm chưa đầy một tuần, các bác sĩ đã tiếp nhận 4 trường hợp có hành vi tự sát, tự hủy hoại cơ thể vào điều trị trong tình trạng cấp cứu.

Điển hình trường hợp nam bệnh nhân 29 tuổi, nhập viện trong tình trạng loạn thần cấp do mất ngủ triền miên, biểu hiện hoang tưởng bị hại, dẫn tới việc tự gây vết thương sâu ở cổ bằng vật sắc nhọn.

Cùng ngày, bệnh nhân nam 52 tuổi, có tiền sử bệnh tâm thần cũng nhập viện với nhiều vết cắt sâu ở tay, chân, ngực và mặt...

Tình trạng rối loạn lo âu không chỉ diễn biến phức tạp ở người lớn mà còn ở cả trẻ nhỏ. ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, mỗi ngày, có đến 50% số bệnh nhi đến khám sức khỏe tâm thần được chẩn đoán mắc các vấn đề cảm xúc, trong đó có các rối loạn lo âu.

Đặc biệt có trường hợp mẹ đưa con đi khám, sau khi con được chẩn đoán bị rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn nghi thức, mẹ cũng xuất hiện những biểu hiện như hồi hộp, lo lắng, run tay chân, được các bác sĩ thăm khám ngay tại viện. Qua các bài test, bác sĩ kết luận người phụ nữ này cũng bị rối loạn lo âu lan tỏa.

BSCKII Vũ Thị Lan thông tin thêm, rối loạn lo âu lan tỏa được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan stress với đặc tính là những mối lo lắng dai dẳng, lan tỏa, tản mạn, không khu trú vào một sự kiện hoàn cảnh đặc biệt nào ở xung quanh. Rối loạn này thường liên quan với stress trường diễn, tiến triển thay đổi nhưng có xu hướng mạn tính.

So sánh báo cáo của CDC các quốc gia, tỷ lệ mắc cả đời rối loạn này ở các nước phát triển khoảng 5% dân số, ở các nước kém phát triển chiếm từ 1,5-3% dân số.

 Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Bệnh lý rối loạn lo âu hay gặp ở lứa tuổi 30-54, nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn 2 lần so với nam giới. Đối tượng hay mắc bệnh gồm: Ly hôn hoặc góa bụa, nguồn lực kinh tế thấp, gặp sang chấn, sự kiện gây stress trong thời kỳ thơ ấu, tiền sử gia đình có bố/mẹ mắc rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn trầm cảm...

Những trường hợp trên đều có các dấu hiệu của trầm cảm và rối loạn tâm thần nhưng không được phát hiện, điều trị kịp thời, hiệu quả. Khi bệnh tái phát, tăng nặng người bệnh rất dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, đưa ra quyết định bột phát, nguy hiểm.

Đừng để quá muộn

BS Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, về cơ bản trạng thái lo lắng là điều bình thường. Nhưng với một số người, sự lo lắng kéo dài, quá mức, ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ, gây trở ngại cho học tập, làm việc, gia đình và quan hệ xã hội... thì cần đi khám.

Người bị rối loạn lo âu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, cảm giác mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc đau kịch tính. Đặc biệt, có sự bùng nổ và hành vi chống đối bởi một tác nhân kích thích gây lo âu.

 Minh họa tình trạng rối loạn lo âu - Ảnh BVCC

Minh họa tình trạng rối loạn lo âu - Ảnh BVCC

BSCKII. Vũ Thị Lan nhấn mạnh, rối loạn lo âu là tình trạng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

Đặc biệt, người mắc rối loạn lo âu thường bị mất ngủ gây suy nhược cơ thể. Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nội tiết, thậm chí là đột quỵ não và gây tử vong...;

Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp; Tăng nguy cơ lạm dụng rượu và các thuốc khác vì bệnh nhân thường tự dùng để giảm các triệu chứng; Tăng nguy cơ có ý tưởng tự sát lên 2,32 lần và toan tự sát lên 3,64 lần.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, không nên coi nhẹ các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, suy sụp tinh thần, thu mình, nói về cái chết. Người bệnh hoặc người thân nên chủ động tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị sớm.

Gia đình và xã hội cần lắng nghe, đồng hành, tránh đổ lỗi hay xa lánh người bệnh. Mọi sự quan tâm, chia sẻ, một lời hỏi han đúng lúc… có thể đã giữ ai đó ở lại với cuộc sống.

Để dự phòng rối loạn lo âu nên điều chỉnh hoạt động, có lối sống lành mạnh. Tránh rượu và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, chất gây nghiện khác.

Cần tập luyện thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày. Ăn uống đủ chất, ngủ đúng giờ, đủ 8-10 tiếng/ngày tùy lứa tuổi. Tập yoga hoặc thư giãn tinh thần, giải quyết các vấn đề gây lo lắng ngay từ ban đầu.

Nâng cao các kỹ năng đối phó với căng thẳng và các kỹ năng xã hội. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nên tư vấn chuyên khoa sớm, tuân thủ điều trị.

Thúy Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/roi-loan-lo-au-co-nguy-hiem-post1541471.html