Rối loạn lưỡng cực là gì

Đặc trưng của người mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar) là thất thường cảm xúc và thay đổi liên tục, điều trị không dễ.

 Người bị rối loạn lưỡng cực có trạng thái cảm xúc thay đổi liên tục, vừa vui vẻ, phấn chấn nhưng cũng có thể tuyệt vọng ngay sau đó. Ảnh: iStock.

Người bị rối loạn lưỡng cực có trạng thái cảm xúc thay đổi liên tục, vừa vui vẻ, phấn chấn nhưng cũng có thể tuyệt vọng ngay sau đó. Ảnh: iStock.

Ngày 5/11, Aaron Carter được tìm thấy đã qua đời tại nhà riêng. Khi còn sống, Aaron Carter không xấu hổ khi chia sẻ bí mật của mình. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ từng nói về cuộc chiến với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần trên The Doctors. Chia sẻ với báo chí, đại diện của Aaron cho biết anh được chẩn đoán mắc phải rối loạn đa nhân cách, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, thậm chí là tâm thần phân liệt.

Trong số những vấn đề này, rối loạn lưỡng cực là tình trạng rất khó nhận biết. Nó khiến người bệnh như rơi từ thiên đường xuống địa ngục chỉ sau vài tích tắc.

Rối loạn lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực căn bệnh tâm lý phổ biến với tên gọi khác là bệnh rối loạn hưng - trầm cảm. Tình trạng sức khỏe tâm thần này khiến người bệnh có sự thay đổi tâm trạng cực độ với cảm xúc cao (hưng cảm) và thấp (trầm cảm) xảy ra liên tục hoặc thậm chí cùng lúc.

Theo Mayo Clinic, khi bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy buồn hoặc tuyệt vọng và mất hứng thú, niềm vui trong hầu hết hoạt động. Khi tâm trạng của bạn chuyển sang mania (hưng cảm) và hypomania (hưng cảm nhẹ), bạn có thể cảm thấy hưng phấn, tràn đầy năng lượng hoặc cáu kỉnh bất thường. Những thay đổi tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, năng lượng, hoạt động, khả năng phán đoán, hành vi và khả năng suy nghĩ.

Các giai đoạn thay đổi tâm trạng có thể hiếm khi xảy ra hoặc xảy ra nhiều lần trong năm. Hầu hết người bệnh sẽ trải qua một số triệu chứng cảm xúc giữa các đợt, một số có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.

Rối loạn lưỡng cực là tình trạng kéo dài suốt đời, nhưng bạn có thể kiểm soát tâm trạng thất thường và các triệu chứng khác bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị. Hầu hết người mắc rối loạn lưỡng cực được điều trị bằng thuốc và tư vấn tâm lý (liệu pháp tâm lý).

 Selena Gomez cũng là một trong những người nổi tiếng mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Cô phải dùng thuốc điều trị chứng bệnh này. Ảnh: AP.

Selena Gomez cũng là một trong những người nổi tiếng mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Cô phải dùng thuốc điều trị chứng bệnh này. Ảnh: AP.

Triệu chứng

Theo Healthline, có 3 loại rối loạn lưỡng cực và từng loại có những triệu chứng khác nhau.

Mania và hypomania

Mania và hypomania là hai loại cơn hưng cảm khác nhau, nhưng chúng có các triệu chứng giống nhau. Mania nghiêm trọng hơn hypomania và gây ra nhiều vấn đề đáng chú ý hơn ở nơi làm việc, trường học, khó khăn trong những mỗi quan hệ. Mania cũng có thể gây ra tình trạng xa rời thực tế (rối loạn tâm thần) và phải nhập viện.

Cả giai đoạn hưng cảm và hưng cảm nhẹ đều bao gồm ba hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau:

Lạc quan bất thường
Tăng động
Cảm giác hạnh phúc, tự tin quá mức (hưng phấn)
Giảm nhu cầu ngủ
Nói nhiều bất thường
Ý nghĩ hoang tưởng
Mất tập trung
Ra quyết định kém

Giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng

Giai đoạn trầm cảm gồm các triệu chứng nghiêm trọng đủ để gây khó khăn đáng kể trong các hoạt động hàng ngày như công việc, học tập, gắn kết xã hội. Mỗi đợt trầm cảm nghiêm trọng gồm 5 hoặc nhiều triệu chứng sau:

Tâm trạng chán nản như cảm thấy buồn, trống rỗng, tuyệt vọng hoặc rơi nước mắt (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như cáu kỉnh)
Có dấu hiệu mất hứng thú hoặc không cảm thấy thích thú trong tất cả - hoặc gần như tất cả - hoạt động
Giảm cân rõ rệt khi không ăn kiêng, tăng cân, giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn (ở trẻ em, không tăng cân như mong muốn có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm)
Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Bồn chồn hoặc hành vi chậm lại
Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi quá mức
Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung, hoặc thiếu quyết đoán
Suy nghĩ, lập kế hoạch hoặc cố gắng tự tử

Khi nào đến gặp bác sĩ

Bất chấp tâm trạng cực đoan, những người bị rối loạn lưỡng cực thường không nhận ra sự bất ổn về cảm xúc mà họ đang gặp phải.

Nếu giống một số người bị rối loạn lưỡng cực, bạn có thể tận hưởng cảm giác hưng phấn và chu kỳ làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự hưng phấn này luôn đi kèm với một cú sốc tinh thần, có thể khiến bạn chán nản, kiệt sức, gặp rắc rối về tài chính, pháp lý hoặc mối quan hệ.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của trầm cảm hoặc hưng cảm nào nói trên, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Rối loạn lưỡng cực không tự thuyên giảm mà cần có sự điều trị.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/roi-loan-luong-cuc-la-gi-post1372601.html