Rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên
Trong guồng quay của xã hội, sự phát triển nhanh mạnh, liên tục thay đổi, cộng với cách thức sinh hoạt, làm việc căng thẳng, áp lực từ gia đình và nhà trường về học tập; việc nghiện game, lạm dụng chất kích thích chính là những yếu tố tác động tiêu cực tới sức khỏe, dẫn tới rối loạn tầm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Trẻ em và vị thành niên được coi là giai đoạn đang phát triển, do vậy những trẻ không may bị mắc rối loạn tâm thần trong giai đoạn này có những diễn biến bệnh lý và biểu hiện hành động khá phức tạp.
Các nghiên cứu y khoa cho rằng rối loạn tâm thần là kết quả sự tương tác của yếu tố di truyền và áp lực từ môi trường như bị bạo lực gia đình, tai nạn chấn thương, lạm dụng chất kích thích, rượu bia, ma túy, bóng cười, nghiệm chơi game,…
Trước hàng loạt nguyên nhân, việc khám tâm lý lâm sàng để chuẩn đoán mức độ bệnh đòi hỏi mất nhiều thời gian và sự phân tích đánh giá tổng hợp một cách khoa học.
Việc điều trị rối loạn tâm thần là cả một quá trình lâu dài mất hàng tháng, hàng năm, và có thể nhiều năm. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì của đội ngũ y, bác sĩ, của người nhà bệnh nhân, trong đó sự ân cần, quan tâm, và tình thương đối bệnh nhân rối loạn tâm thần, nhất là “tâm thần nhi” là điều rất quan trọng.
Những trẻ em, thanh thiếu niên kém may mắn bị mắc “rối loạn tâm thần” thực sự là điều thiệt thòi đối với chính bản thân, cũng như gia đình các em. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những yếu tố để người bệnh và gia đình bệnh nhân lạc quan trong quá trình chữa trị, đó là nhận thức trong xã hội về căn bệnh này hiện nay đã được cải thiện, đã có nhiều sự chia sẻ, cảm thông và trách nhiệm cộng đồng.
Cùng với đó ngành y, ngành giáo dục và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành đã quan tâm, tiến hành khảo sát đầu tư, nghiên cứu sâu hơn về “rối loạn tâm thần” với mục tiêu đưa ra các pháp đồ điều trị ngày một hiệu quả hơn cho người bệnh.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/roi-loan-tam-than-o-tre-em-va-thanh-thieu-nien-211148.htm