Rơi máy bay quân sự Philippines: Ít nhất 45 người thiệt mạng, không phải do tấn công
Ít nhất 45 người có mặt trên chiếc máy bay vận tải quân sự C130 của Không quân Philippines đã thiệt mạng sau sự cố kinh hoàng ngày 4/7. Thông tin ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc này không phải do tấn công.
Vào khoảng 11h30 ngày 4/7, chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 của Không quân Philippines đang chở binh sĩ từ thành phố Cagayan de Oro trên đảo Mindanao đến đảo Jolo ở tỉnh Sulu thì bị rơi. Sự cố xảy ra khi máy bay đang tìm cách hạ cánh tại Patikul ở tỉnh Sulu, miền Nam nước này.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết máy bay đã trượt khỏi đường băng khi hạ cánh và phi công cố gắng kiểm soát tình hình, song đã thất bại.
Video : Rơi máy bay quân sự Philippines: Ít nhất 45 người thiệt mạng. Nguồn: The Guardian
AP dẫn lời một quan chức giấu tên của Lực lượng Không quân Philippines cho biết, đường băng ở Jolo ngắn hơn hầu hết các đường băng khác, khiến phi công khó điều chỉnh hơn nếu máy bay lỡ điểm hạ cánh.
Thông tin ban đầu cho biết có 85 người trên máy bay này. Tuy nhiên, theo tin mới nhất từ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, máy bay này chở 93 người, bao gồm cả 3 phi công và 5 thành viên khác trong phi hành đoàn. Trước đó, ông Lorenzana xác nhận có 92 người trên máy bay.
Tối 4/7,báo Phil Stars dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana, xác nhận thông tin đã có 45 người thiệt mạng trong vụ tai nạn thảm khốc này.
Máy bay vận tải C-130 rơi xuống, bốc cháy dữ dội. Ảnh: PTV
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, trong số những người có mặt trên chuyến bay, có rất nhiều quân nhân vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự cơ bản và hiện được triển khai đến đảo Jolo tham gia lực lượng đặc nhiệm chung chống khủng bố tại khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống này.
Cùng ngày, Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines, Đại tá Edgard Arevalo, cho biết vụ tai nạn máy bay quân sự C-130 của nước này được cho là không phải do bị tấn công. Ông nhấn mạnh công việc quan trọng hiện tại là giải cứu những người còn sống sót, không phải là điều tra nguyên nhân.
Hãng NYT dẫn lời các quan chức Philippines cho biết trên 40 người bị thương và đã được lực lượng cứu hộ đưa tới các bệnh viện gần nơi máy bay rơi.
Các cột khói đen dày đặc quan sát được từ xa. Ảnh: PTV
Sân bay của đảo Jolo cách một khu vực miền núi nơi quân đội đang chiến đấu với phiến quân Abu Sayyaf, nhóm khủng bố chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc, khoảng vài km. Hiện quân đội Philippines vẫn duy trì quân số lớn ở miền Nam nước này.
Mỹ và Philippines đã liệt riêng Abu Sayyaf vào danh sách đen là một tổ chức khủng bố vì các vụ đánh bom, bắt cóc đòi tiền chuộc. Tổ chức này đã bị suy yếu đáng kể bởi các cuộc tấn công của chính phủ trong nhiều năm nhưng vẫn là một mối đe dọa lớn.
Hiện trường chiếc C-130 rơi. Ảnh: RT
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường nhanh chóng giải cứu những người bị nạn
Máy bay C-130 được huy động cho các nhiệm vụ vận tải của lực lượng không quân, thường là để vận chuyển quân và hàng hóa – thiết bị tiếp tế. Chúng cũng thường được triển khai để hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Một số thông tin kỹ thuật về “Lực sĩ bầu trời” C-130 Hercules
Được mệnh danh là "Lực sĩ bầu trời", Lockheed C-130 Hercules là một máy bay vận tải hạng trung bốn động cơ tuốc bin cánh quạt và là loại máy bay không vận chiến lược của nhiều lực lượng quân sự trên thế giới. Hơn 40 kiểu và biến thể đã hoạt động ở trên 50 quốc gia.
Có khả năng Cất hạ cánh đường băng ngắn (STOL) từ các đường băng dã chiến, C-130 ban đầu được thiết kế như một máy bay vận tải, cứu thương và vận chuyển quân. Thân có thể thay đổi khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò, gồm máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hỏa. Các loại máy bay Hercules có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử.
C-130 là loại máy bay vận tải hạng trung, thân rộng với cánh nâng chính được bố trí ở phía trên thân may báy. Đồng thời cánh chính cũng là nơi thùng chứa nhiên liệu và cũng là nơi đặt 4 động cơ của máy bay. Ở khoảng giữa 2 động cơ của máy bay ở mỗi bên cánh còn có 2 móc treo các móc treo này dùng để treo 2 thùng nhiên liệu phụ hoặc thiết bị ECM, C - 130 được trang bị 1 cánh đuôi đứng lớn và cánh thăng băng đơn được bố trí ở phía trên phần đuôi của máy bay.
Một máy bay vận tải quân sự C-130
Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực tuabin cánh quạt với cánh quạt 3 hoặc 4 lá tuy theo phiên bản máy bay, C - 130 được trang bị 3 bộ càng đáp với càng đáp phụ được đặt ngay dưới khoang lái của máy bay, 2 càng đáp chính được bố trí tại phía dưới của gốc cánh. C - 130 có tất cả 14 bánh đáp với 2 ở càng trước và 12 ở 2 càng sau, điểm đặc biệt là độ cao của thân máy bay so với mặt đất có thể điều chỉnh được việc này tao ra thuận lợi cho việc bốc xếp hàng hóa lên máy bay.
C - 130 được bố trí 3 cửa, 2 cửa bên thân máy bay và 1 cửa ở phía đuôi máy bay đồng thời cũng là cầu dẫn tạo thuận tiện cho các xe nâng hàng và các vũ khí tự hành có thể cơ động vào trong khoang chứa hàng của máy bay. Khoang chứa hàng của máy bay có chiều rộng 3m, phía trong được bố trí cần cẩu di động để bốc xếp hàng hóa cũng như các thiết bị điều khiển phục việc đóng mở cầu dẫn.
Ngoài thiết bị lái cơ khí, C - 130 còn được trang bị hệ thống lái điện tử (fly-by-wire). Hệ thống bay tự động (Auto pilot), cùng ra đa dẫn đường Doppler, hệ thống cảm biến cảnh báo khi bị hệ thống PK đối phương bắt bám.
Máy bay được trang bị hệ thống máy tính hàng không tương tự hoặc kỹ thuật số tùy vào phiên bản của máy bay ngoài ra C - 130 còn được trang bị các hệ thống phụ trợ cho việc chỉ huy dẫn đường tác chiến điện tử và điều khiển UAV hệ thống tiếp dầu và vũ khí đối đất trên các phiên bản chuyên dùng. Máy bay cũng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc đối đất đối không và cả thiết bị liên lạc vệ tinh, ngoài ra máy bay còn được trang bị thiết bị nhận diện địch ta.
Trên phiên bản hiện đại hóa C - 130J khoang lái của máy bay các đồng hồ cơ khí và màn hình CRT đơn sắc được thay bằng các màn hình hiển thị đa chức năng LCD.