Rơi nước mắt bức thư của con gái 'ngỗ nghịch' gửi cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh hối hận vì thấy mình trong đó
'Con muốn nói là con sẽ cố gắng nhưng bố mẹ cứ mắng xối xả, không cho con cơ hội hé nửa lời', cô bé viết.
Nhiều cha mẹ cho rằng mình đã lao động rất vất vả vì con, chính vì thế con cái không được phép mắc sai lầm. Những kỳ vọng trong việc nuôi dạy con cái ở thời hiện đại đang gây áp lực lên chính các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, chính sự áp lực này lại hạn chế con trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Cuộc sống hiện đại kéo theo những hệ lụy đến tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ. Cha mẹ ngày nay dành nhiều thời gian để quan tâm, sát sao con cái hơn trước. Họ đặt ra nhiều mục tiêu cho sự phát triển từng ngày của trẻ. Bất kì phụ huynh nào cũng kỳ vọng con cái sẽ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, đôi lúc việc đặt áp lực lên con một cách quá mức sẽ gây tác dụng ngược.
Bức thư của cô con gái "ngỗ nghịch" gửi bố mẹ dưới đây sẽ khiến bất kỳ phụ huynh nào cũng phải xem lại cách nuôi dạy con của mình:
"Tối qua, con đắn đo rất lâu mới quyết định viết bức thư này cho bố mẹ. Vì con nghĩ, có những chuyện dễ viết ra hơn là nói ra.
Lần này, con lại không thi tốt rồi, con cũng không biết tại sao. Nếu nói câu này trước mặt, chắc chắn bố mẹ sẽ lại mắng con không chịu cố gắng. Từ năm lớp 8, vì thành tích của con tụt dốc mà cả nhà cãi nhau miết. Lúc nào bố mẹ cũng nói con không cố gắng, nhưng thực ra con rất cố gắng học tập.
Con lao vào học bài, nhưng số đề toán người khác làm xong trong một tiếng, con phải gần 2 tiếng mới làm xong. Giờ giải lao mọi người ra chơi, một mình con ngồi luyện đề. Con luôn mong một ngày có 48 tiếng.
Con tưởng chỉ cần cố gắng thì chắc chắn sẽ tiến bộ. Nhưng cuộc sống đã tát con một cái đau chết điếng.
Không ngờ đợt thi này, thứ hạng của con còn tụt xuống 3 bậc so với lần trước. Cầm bài thi trên tay, con thẫn thờ, về nhà sẽ lại bị bố mẹ mắng rồi. Con muốn nói là con sẽ cố gắng, nhưng bố mẹ cứ mắng xối xả, không cho con cơ hội hé nửa lời.
Con trốn vào phòng khóc một mình, mệt rồi thì đứng cạnh cửa sổ, thấy đường phố tối đen như mực, ngôi nhà cũng thinh lặng đến đáng sợ.
Thật lòng mà nói, con chán nản lắm rồi! Con nên làm sao đây?
Con không muốn học trường dạy nghề, con không muốn bị người khác coi thường. Con cũng có ước mơ của riêng mình, con cố gắng muốn làm thật tốt nhưng luôn có người khác làm tốt hơn con. Con phấn đấu như vậy, tại sao bố mẹ không nhìn thấy?"
Không biết sau khi đọc xong bức thư này, bố mẹ đứa trẻ đó có thấy hối hận, suy ngẫm về tổn thương tối qua mình để lại cho con.
Kỳ vọng thái quá từ cha mẹ "trói" con vào những áp lực vô hình
Các bậc cha mẹ luôn cảm thấy có trách nhiệm đối với sự phát triển của con cái. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con cái được kỳ vọng là cha mẹ buộc phải "quan sát, chú ý, đáp ứng mong muốn và hành vi của con cái" trong xã hội ngày nay. Kết quả là trẻ con ít có cơ hội tự tìm hiểu về những rủi ro, nguy hiểm khi chơi ngoài trời. Ngoài ra, trẻ em trở nên ít vận động hơn, dành nhiều thời gian cho việc sử dụng công nghệ và ít thời gian chơi với các bạn đồng trang lứa.
Các bậc cha mẹ được khuyến khích dành nhiều thời gian hơn cho con cái của họ trong khi vẫn phải cho con cái được độc lập. Nhưng, hầu hết việc học về tính độc lập đó diễn ra khi trẻ chấp nhận rủi ro do chúng tự lựa chọn và khám phá. Và những cơ hội tự khám phá này đang bị mất đi trong tuổi thơ của trẻ.
Tiến sĩ John Day (Đại học Essex) cho biết: "Việc nuôi dạy con cái không còn đơn giản chỉ là một khía cạnh của con người mà đã trở thành một kỳ vọng buộc phải thực hiện hoàn hảo. Cha mẹ và con cái của họ bị mắc kẹt cùng nhau trong kịch bản này, do đó những nhà hoạch định tương lai cần nhận thức lại vấn đề và tìm cách thay đổi cho thế hệ sau".
Áp lực khiến con phải học tốt, đạt thành tích cao... khiến trẻ bị tước đi cơ hội được thực hiện niềm đam mê, sở thích của mình. Đôi khi mọi thứ phải gác lại hoặc bị dẹp bỏ chỉ để thực hiện điều mà bố mẹ cho là tốt nhất.
Áp lực khiến trẻ phản ứng với cha mẹ
Cha mẹ thường quan tâm đến sức khỏe thể chất của con, nhưng thường coi nhẹ hoặc bỏ qua sức khỏe tinh thần. Họ thường lấy kinh nghiệm sống, tâm lý của người lớn để đánh giá, nhận xét về trẻ nhỏ.
Ở lứa tuổi vị thành niên, đứa trẻ muốn định vị bản thân, nhưng các con "có lớn mà chưa có khôn", thể chất phát triển nhưng kinh nghiệm sống và hiểu biết của các con chưa đủ, dễ rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Khi đó, trẻ rất dễ có hành vi tiêu cực, bồng bột.
Nhiều trẻ nhắc đến bố mẹ trong sự ấm ức, tức tối; có em chỉ khóc và không muốn nhắc đến bố mẹ vì cảm thấy tủi thân, bị ghét bỏ, tự co mình lại. Nhiều trẻ cảm thấy mình chẳng có ý nghĩa trong cuộc đời này, bị rối loạn nhân cách lo âu. Nguy hiểm hơn, có trẻ rơi vào trạng thái lầm lì, không nói năng gì cả ngày, giấu kín tâm tư. Hố ngăn cách giữa cha mẹ với con cái ngày càng rộng, càng sâu.
Đối với trường hợp này, các chuyên gia tâm lý rất khó tiếp cận để các con nói ra được góc khuất của mình. Có nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, có những hành động hủy hoại bản thân như đập đầu vào tường, tự cứa chân cứa tay.
Và điều nguy hiểm hơn là từ trạng thái đối nghịch với cha mẹ, trẻ rất dễ trở nên đối nghịch cả xã hội.
Bởi thế, các bố mẹ hãy kiên nhẫn dành thời gian lắng nghe những điều con nói và thường xuyên quan sát biểu hiện của con để có những điều chỉnh trước khi quá muộn.
Dạy con không thể thành công trong chốc lát. Thành tích của con cũng không thể vụt cao trong một đêm. Nhưng tốc độ có thể nhanh hơn khi cho con một trái tim hiếu học và một phương pháp học phù hợp. Trước tiên, bố mẹ nên là người yêu thích học tập và sau đó dùng đôi tay của mình để nâng đỡ "niềm tự hào" ấy.