Rơi nước mắt trước bức thư gửi anh trai của nữ sinh lớp 12

Tập 14 của Thiếu Niên Tỏa Sáng sẽ đưa quý vị khán giả ghé thăm 2 ngôi trường THPT Nguyễn Khuyến và THPT Marie Curie. Tại 2 ngôi trường này, các bạn học sinh sẽ mang đến những câu chuyện ý nghĩa, những trăn trở giấu kín bấy lâu sẽ được bộc bạch... Tất cả tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, lắng đọng nhiều cảm xúc.

Nữ sinh và hành trình hiện thực hóa dự án 'làm giấy từ vỏ ngô'

Mở màn, nữ sinh Thanh Tú cho biết, cô bạn theo học khối Khoa học Tự nhiên, do đó, việc đứng trước đám đông là điều khiến cô bạn trăn trở khá nhiều. Việc đứng trên "bục dũng khí" của Thiếu Niên Tỏa Sáng là nhờ Thanh Tú đã lấy hết can đảm của bản thân.

Nữ sinh Thanh Tú

Nữ sinh Thanh Tú

Trên bục dũng khí, Thanh Tú chia sẻ đến thầy cô và các bạn học sinh về dự án làm giấy từ bỏng ngô. Qua đó, Thanh Tú muốn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến các bạn học sinh.

"Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên thế giới. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp để thay thế cho nhựa là vô cùng cấp thiết. Một trong những phế phẩm nông nghiệp có thể tạo ra giấy là vỏ ngô, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra sản phẩm giấy thông dụng.

Mình đã nghiên cứu tạo giấy từ vỏ ngô không sử dụng nhiệt và hóa chất. Việc không sử dụng nhiệt hạn chế sinh khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Việc không sử dụng hóa chất giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng", Thanh Tú trình bày về dự án của mình.

Qua dự án này, Thanh Tú cũng muốn gửi gắm đến các bạn học sinh đang có những ấp ủ về dự án của mình, hãy kiên cường và mạnh mẽ để hiện thực hóa chúng.

Cô giáo của Thanh Tú

Cô giáo của Thanh Tú

Đứng trên bục dũng khí, Thanh Tú cũng gửi lời cảm ơn đến mẹ vì đã luôn đồng hành cùng cô bạn, sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ khi nào Thanh Tú cần.

Ngoài ra, Thanh Tú còn muốn gửi lời cảm ơn đến cô Minh Trang vì đã giúp đỡ Tú hết mình trong quá trình thực hiện dự án.

Tại chương trình, Thanh Tú đã gửi lời cảm ơn đến chính mình vì đã nổ lực và không bỏ cuộc trong hành trình vừa qua.

Nam sinh tiết lộ ước mơ trở thành 'ông chủ' từ hồi học cấp 1, nung nấu việc tạo ra giá trị giúp đỡ mọi người

Phạm Duy Khang cho biết, từ hồi học cấp 1, nam sinh đã ấp ủ cho mình về việc sau này sẽ sở hữu riêng cho mình một doanh nghiệp. Đáng nói, lợi nhuận từ phía công ty sẽ được Duy Khang dành một phần lớn để đóng góp cho xã hội.

Thế nhưng, khi càng ngày càng lớn lên, Duy Khang nhận ra tài năng kinh tế của mình không thực sự nổi bật.

"Tài năng của mình lại là hội họa, thiết kế. Tuy nhiên, mình vẫn không từ bỏ ước mơ sở hữu một doanh nghiệp của riêng mình. Do đó, mình đã tìm thấy một lối đi khác mà hiện tại mình và các người bạn đang thực hiện một dự án mang tên: "Kaizen zone", Duy Khang cho hay.

Đến với Thiếu Niên Tỏa Sáng, Duy Khang bày tỏ sự tâm huyết về dự án Kaizen zone

Đến với Thiếu Niên Tỏa Sáng, Duy Khang bày tỏ sự tâm huyết về dự án Kaizen zone

Giải thích về tên dự án, Duy Khang nói: "Kaizen zone tức là một vị trí giúp ta thay đổi về một cái tốt đẹp hơn". Kaizen zone đồng thời là một kênh đa nền tảng với những chia sẻ có ý nghĩa, giúp các bạn trẻ định hướng và có góc nhìn tốt hơn về tương lai.

Nhóm của Duy Khang có 3 người gồm: Khang, Nhân và Vũ. Mỗi bạn sẽ đảm nhận một nhiệm vụ riêng trong quá trình xây dựng Kaizen zone.

Nam sinh Duy Khang

Nam sinh Duy Khang

Để có vốn thực hiện dự án, Duy Khang và nhóm bạn đang cố gắng để "tích tiểu thành đại". Bản thân Duy Khang đang làm giáo viên online môn Vật Lý để kiếm thêm thu nhập. Dù vậy, qua những buổi dạy học này, mục đích của Duy Khang không phải là tiền bạc mà Duy Khang sẽ lồng ghép việc giới thiệu Kaizen zone để nhiều người tham gia nền tảng của cậu bạn.

Nữ sinh lần đầu kể về bí mật giữa mình và ba đã chôn giấu nhiều năm qua

Lư Gia Minh ((trường THPT Nguyễn Khuyến) xuất hiện trên bục dũng khí, mở màn ấn tượng bằng câu hỏi: "Các bạn cho mình hỏi, các bạn đã bao giờ mắc một sai lầm mà mình rất hối hận trong quá khứ không?", cô gái Gen Z nói.

Sau đó, Gia Minh thừa nhận bản thân từng mắc sai lầm. Ở nhà cô gái, có một người thầy - đó là ba. Ba cô rất nóng tính, chỉ cần quát một tiếng là cô đã khóc.

"Câu chuyện của mình là cấp 2, mình đã mắc sai lầm mà đến tận giờ vẫn hối hận về việc làm đó. Chính là mình đã sử dụng thuốc lá điện tử, nhà trường phát hiện và mời phụ huynh.

Mình không lựa chọn nói việc này với mẹ bởi mẹ hay suy nghĩ nhiều. Nếu nói với mẹ, mình thấy thực sự không ổn. Do đó mình đã lựa chọn nói với ba", Gia Minh kể.

Tối đó, cô gái đã nói với ba rằng: "Ba ơi! Ba có thể chở con ra ngoài không? Con có chuyện muốn nói với ba". Khi ấy ba cô rất là vui vẻ, đồng ý chở con gái ra ngoài.

Nữ sinh Gia Minh

Nữ sinh Gia Minh

Khi ngồi trên xe, Gia Minh đã khóc nấc lên và kể chuyện hút thuốc là điện tử. Cô đã chuẩn bị tâm lý nghe ba chửi mắng. Ngờ đâu, ba không hề nặng nề một câu. Thay vào đó, ba giải thích cho cô hiểu việc làm đó sai hay đúng? Ba lúc đó còn dặn đừng nói với mẹ.

"Ba mình đã giữ bí mật đến tận bây giờ. Thực sự con rất xin lỗi mẹ, bà ngoại và gia đình vì đã giấu chuyện đó. Con rất cảm ơn ba bởi vì đã bao dung, tha thứ và hiểu con.

Ba đã giải thích và nói cho con biết những việc làm đó là sai trái. Ba đã giải thích những tác hại của thuốc lá điện tử để giúp con thấy nó ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào.

Theo đó thuốc lá điện tử có thể khiến phổi của chúng ta bị trắng, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta rất nhiều, thậm chí còn gây tử vong. Vì vậy, con đã rút ra bài học và không sử dụng thuốc lá điện tử nữa", Gia Minh nói.

Ba của Gia Minh

Ba của Gia Minh

Qua đó, cô gái cũng mong các bạn học sinh nói chung và học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến nói riêng không sử dụng thuốc lá điện tử. Cô cũng mong các bạn học sinh ở trường không phá vỡ bầu không khí trong xanh này.

"Nhân dịp các bạn cho mình hỏi một câu nhé! Các bạn có bao giờ thể hiện tình cảm của mình đối với người thân trong gia đình chưa? Mình có thể nói là chưa bao giờ.

Có thể đối với các bạn điều đó rất đơn giản nhưng đối với mình thực sự khó. Mình rất ngại, rất ngượng miệng khi phải nói ra những lời yêu thương.

Từ lúc nhỏ cho đến khi lớn lên, mình chưa bao giờ nói lời yêu thương đối với bố mẹ gia đình. Vì vậy nhân dịp đứng trên bục dũng khí này, con muốn nói những lời con chưa bao giờ nói. Con xin lỗi vì những lỗi lầm của con.

Con cảm ơn và rất yêu ba. Con cũng rất yêu gia đình của mình. Con rất cảm ơn vì sự hy sinh của ba của mẹ và bà ngoại. Con cũng cảm ơn chương trình cho con một cơ hội đứng lên đây để thể hiện tình cảm của mình đối với gia đình", Gia Minh nói.

Sau đó MC Đại Nghĩa đã đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Anh tin chắc rằng ở đây ai cũng từng phạm sai lầm giống như Gia Minh. Nhưng quan trọng tất cả đều nhận ra sai lầm ấy và ở bên cạnh luôn có gia đình động viên.

MC Đại Nghĩa

MC Đại Nghĩa

Nam MC bộc bạch, thường chúng ta rất ngại khi phải nói lên câu chuyện thật của mình - đó là những câu chuyện không hay, câu chuyện lỗi lầm của quá khứ. Vì vậy, nghe Gia Minh chia sẻ câu chuyện của mình, những người lớn, phụ huynh cần xem lại việc hằng ngày mình trò chuyện và chia sẻ với con em của mình trong nhà như thế nào?

"Nãy giờ, chúng ta nghe Gia Minh nhắc nhiều về người ba. Ban đầu ba là một người rất nóng tính nhưng lại là người chia sẻ câu chuyện của mình. Vậy xin mới anh Lân - ba của Gia Minh chia sẻ một chút", nam MC nói.

Sau đó, ba của Gia Minh đã thừa nhận bản thân là người nóng tính nhất trong nhà. "Các bé bây giờ tuổi vị thành niên rất bồng bột. Cho nên mình phải thấu hiểu các con, phải giải thích tại sao sử dụng những cái đó không tốt cho sức khỏe. Các con cần người kế bên để chia sẻ nên người cha người mẹ phải là người để các con có chỗ dựa vào", ba của Gia Mình bộc bạch.

Nam sinh kể về ý nghĩa của 'bữa cơm tối trong gia đình' khiến nhiều người tâm đắc

Nam sinh Trần Thiện Nhân

Nam sinh Trần Thiện Nhân

Mở đầu câu chuyện, nam sinh Trần Thiện Nhân (trường THPT Nguyễn Khuyến) đặt ra một câu hỏi dành cho các bạn học sinh: "Việc gì đối với các bạn là quan trọng nhất?". Sau đó, cậu bộc bạch rằng đối với bản thân bữa cơm tối trong gia đình là quan trọng nhất. Bởi đó là lúc ba mẹ có thể trò chuyện cùng với con cái. Còn các con có thể chia sẻ với ba mẹ về chuyện học tập ở trường, những áp lực trong học tập. Thông qua đó ba mẹ có thể thấy hiểu và đồng cảm được với các con.

"Ở nhà mình dù bận rộn như thế nào nhưng thành viên đều ăn cơm tối cùng nhau. Mình không biết sau này lớn lên sẽ như thế nào nhưng luôn mong muốn gia đình sẽ duy trì ăn bữa cơm tối cùng nhau.

Trong học tập ba mẹ không bao giờ gây áp lực cho mình. Ngược lại, ba mẹ còn tạo điều kiện để cho mình có một môi trường học tập thoải mái nhất. Cảm ơn ba mẹ đã đồng hành cùng con trên mọi chặng đường con đi", Thiên Nhiên tâm sự.

Với nam sinh Trần Thiện Nhân, bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng

Với nam sinh Trần Thiện Nhân, bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng

Nam sinh cũng cho biết, bữa cơm tối trong gia đình lúc nào cũng vui vẻ, mọi người trò chuyện với nhau. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình không bao giờ sử dụng điện thoại khi ăn.

Nam sinh và câu chuyện chiến thắng bản thân để chinh phục đam mê

Nam sinh Nguyễn Anh Dũng (trường THPT Marie Curie) đem đến câu chuyện "chiến thắng bản thân" để trở thành một nhà thiết kế thời trang trên bục dũng khí của Thiếu Niên Tỏa Sáng.

Theo Anh Dũng, cậu bạn vốn là người sống hướng nội, không dễ chia sẻ câu chuyện của bản thân. Mọi việc đều được Anh Dũng âm thầm thực hiện.

Nam sinh Nguyễn Anh Dũng

Nam sinh Nguyễn Anh Dũng

Chia sẻ về ước mơ của mình, Anh Dũng cho biết, từ bé đã luôn ước mơ hoạt động nghệ thuật, làm việc ở lĩnh vực sáng tạo.

"Nghệ thuật là ngành sáng tạo, con đường này rất gian nan. Mình rất yêu thích lĩnh vực này nhưng lại không dám nói ra vì sợ mọi người lo lắng. Thế nhưng, năm 2023, cơ duyên đến với mình thông qua cuộc thi "Thiết kế trang phục văn hóa dân tộc". Khi đăng ký tham gia, mình luôn đau đáu làm sao để thiết kế ra trang phục độc đáo và táo bạo, chính điều này khiến mình áp lực và đôi lúc muốn bỏ cuộc.

Nam sinh Nguyễn Anh Dũng và mẫu thiết kế tự sáng tạo

Nam sinh Nguyễn Anh Dũng và mẫu thiết kế tự sáng tạo

Tuy nhiên, trong một chuyến đi du lịch cùng gia đình, mình nhìn thấy được nhiều cảnh đẹp của Việt Nam. Từ đó, mình dùng chính chất liệu gần gũi này để tạo ý tưởng sáng tác, nhờ vậy mà tác phẩm mình được vào vòng trong. Đó là một hành trình rất tuyệt vời của mình", Anh Dũng chia sẻ.

Tại bục dũng khí, Anh Dũng đã gửi lời biết ơn đến sự ủng hộ và đồng hành của ba mẹ. Thời điểm thực hiện thiết kế của bản thân, Anh Dũng được ba mẹ hỗ trợ và giúp đỡ hết mình. Dù thành phẩm không được như ý nhưng Anh Dũng đã nhận ra được giá trị của hành trình đã trải qua.

"Kết quả cuối cùng không phải là giá trị cao nhất, giá trị cao nhất chính là hành trình được đồng hành cùng ba mẹ", Anh Dũng tâm sự.

Ba mẹ của Anh Dũng

Ba mẹ của Anh Dũng

Trước dự định "trở thành nhà thiết kế thời trang" trong tương lai, ba mẹ của Anh Dũng hoàn toàn ủng hộ nam sinh này. Bên cạnh đó, mẹ của Anh Dũng cũng nhắn nhủ thêm đến nam sinh: "Con hãy lấy chất liệu chân - thiện - mỹ để gửi gắm vào các tác phẩm của con. Mẹ rất tin tưởng và tự hào về con".

Rơi nước mắt trước bức thư gửi anh trai của nữ sinh lớp 12

Trên bục dũng khí của "Thiếu Niên Tỏa Sáng", nữ sinh Asisah đến từ trường THPT Marie Curie đã bày tỏ niềm vui và sự biết ơn khi được trở thành thành viên của CLB "Lửa Hồng". Khi tham gia CLB, Asisah đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp, nơi đây khiến Asisah ngày càng tự tin, giúp mảnh ghép cuộc sống của nữ sinh được hoàn thiện hơn.

 Nữ sinh Asisah

Nữ sinh Asisah

Nhận xét về nữ sinh này, các thành viên của "Lửa Hồng" cho biết, Asisah là người ít nói nhưng rất chăm chỉ tham gia các hoạt động của CLB. Bên cạnh đó, cô bạn còn nhận được rất nhiều sự yêu quý bởi sự nhiệt tình và tốt bụng.

Sau khi gửi lời cảm ơn ngôi nhà "Lửa Hồng", Asisah tiếp tục gửi lời cảm ơn đến ngôi nhà đầu tiên - nơi mà mình sinh ra. Theo đó, nữ sinh cảm ơn ba mẹ, cảm ơn anh hai. Những lúc mà Asisah suy sụp nhất, nữ sinh luôn có anh hai bên cạnh. Do đó, hôm nay, cô bạn có chuẩn bị một bức thư để gửi đến anh hai.

 Nữ sinh Asisah đọc thư gửi anh hai

Nữ sinh Asisah đọc thư gửi anh hai

"Khi còn bé em vẫn luôn ghen tỵ với anh hai, tại vì anh hai đẹp trai, lại còn có thể kiểm ra tiền phụ giúp cha mẹ. Hồi đó, em có chút buồn và ghen tỵ. Tuy nhiên, khi lớn lên rồi em mới hiểu anh hai đã vất vả như thế nào để có lo cho gia đình. Ra đời với tấm bằng đại học nhưng không kiếm được công việc ổn định, anh hai đã làm tối mặt tối mày để kiếm tiền. Dù bận bịu nhưng anh hai vẫn rất quan tâm em, những gì ngon cũng dành cho em, đi làm về muộn vẫn mua đồ ăn cho em.

Có lúc em muốn nghỉ học, anh hai là người động viện em, ráng học đi, anh hai nuôi em học đại học. Trong mắt em, anh hai là người mạnh mẽ nhưng mà có thời điểm em thấy anh hai khóc như đứa trẻ.

Mẹ và anh hai của nữ sinh

Mẹ và anh hai của nữ sinh

Trong lúc này đây, khi ba mẹ không có khả năng để gồng gánh gia đình thì trách nhiệm đổ lên vai anh hai. Gần đây, anh hai vừa lập gia đình nhỏ, trọng trách cũng lớn hơn.

Nhưng anh hai ơi, em gái của anh đã lớn rồi, đã 18 tuổi rồi, anh hai đợi em một chút nữa, em sẽ cùng anh hai gồng gánh gia đình nha. Cuối thư, em xin gửi rất nhiều lời cảm ơn đến anh hai. Em cảm ơn anh hai luôn để ý đến đứa em gái này. Em mong rằng gia đình mình sẽ thật bình an, mong rằng anh hai sẽ thật sự hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình", Asisah đọc thư gửi đến anh hai trước toàn trường.

Phương Linh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-hoc-duong/roi-nuoc-mat-truoc-buc-thu-gui-anh-trai-cua-nu-sinh-lop-12-202406151320236121.html