Rời quê mưu sinh - được và mất

Những năm gần đây, nhiều gia đình không có việc làm, thu nhập không ổn định, không có hoặc ít đất sản xuất đã rời quê hương đến các thành phố lớn tìm việc làm. Phía sau những chuyến 'ly hương' là câu chuyện được, mất nghe đến nao lòng.

Kỳ 2: Đau đáu những hệ lụy

Em L.T.K.T (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) được gia đình đưa vào cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Đây là hệ lụy đau lòng từ "làn sóng" làm ăn xa. T nghỉ học sớm, khi mới 13 tuổi em đã phải theo chị lên tỉnh Bình Dương và lao vào cuộc mưu sinh bằng nghề phụ bán quán cơm. Làm ra tiền lại sống xa nhà, T bắt đầu cùng bạn đồng hương có những cuộc vui riêng và dần đến với ma túy khi mới 16 tuổi, tiêu tốn không ít tiền để có “hàng trắng” sử dụng. Đến khi cha T lên Bình Dương làm phụ hồ, quan sát thấy những biểu hiện khác lạ và thăm dò thì phát hiện con mình đang sử dụng ma túy. T được đưa trở về quê để cai nghiện tại nhà, lánh xa nơi đầy cám dỗ...

Vướng vào tệ nạn xã hội là điều đáng lo ngại đối với giới trẻ khi đi làm ăn xa. Ảnh: Phước Liêu

Vướng vào tệ nạn xã hội là điều đáng lo ngại đối với giới trẻ khi đi làm ăn xa. Ảnh: Phước Liêu

T là một trong số ít thanh niên đi làm ăn xa rồi vướng vào tệ nạn xã hội. Con số này đang ngày càng tăng trong điều kiện “di cư” lên đô thị ngày càng nhiều cùng với nhận thức, hành động thiếu chín chắn của tuổi trẻ dễ dẫn đến sai lầm, dễ bị cái xấu lôi kéo, cám dỗ. Ông Châu Văn Dũng - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) chia sẻ về thực trạng này: "Ở ấp tôi khoảng hơn 300 người rời quê lên thành phố, có những nhà đi cả gia đình đa số đều thay đổi được kinh tế, nhưng nhiều trường hợp 1 người đi thì không dư nhiều, lại sinh ra nhiều chuyện. Tính sơ sơ ở ấp cũng có ít nhất 3 đối tượng thuộc diện đang bị theo dõi vì hình vi nghiện ma túy và các tệ nạn khác do hệ lụy của đi làm ăn xa".

Tác động của hành trình đi làm ăn xa còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Anh Trần Văn Chọn, ở xã Long Bình (Ngã Năm) là một trong những trường hợp gia đình ly tan vì hệ lụy của việc đi làm ăn xa. Cách đây hơn năm, vợ chồng anh quyết tâm lên Sài Gòn để được đổi đời, nhưng cái anh nhận lại là "trái đắng". Vợ anh khi có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ nhiều người đã nảy sinh tư tưởng so sánh với bạn đời của mình. Từ đó dẫn đến lạnh nhạt, thờ ơ trong cuộc sống hôn nhân rồi ngoại tình và ly hôn. Buồn khổ vì mất vợ, anh lang thang trên đường phố rồi bị tai nạn giao thông, giờ phải gà trống nuôi con với thương tật chưa lành.

Những mầm non đầy khoảng trống

Đi làm ăn xa, lại thêm một vấn đề nữa đặt ra là chất lượng cuộc sống của những trẻ em thiếu vắng sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ đã bị giảm sút, sự chăm sóc, quan tâm hàng ngày về ăn uống, học hành, vui chơi sẽ không được như khi cha mẹ ở nhà. Điển hình như trường hợp của chị LTT, ở xã Mỹ Quới (Ngã Năm), vợ chồng đi làm để lại hai người con trai cho ông bà nội chăm sóc. Đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, người con trai chị khi bước sang đầu cấp 2 có biểu hiện tâm lý lầm lì, ít nói, hay cãi ông bà, tập tành chơi game, những lời dạy dỗ, trách mắng qua điện thoại đều vô tác dụng. Cuối cùng, vợ chồng chị bàn bạc một người làm, một người về chăm con để giáo dục, dạy dỗ con mình chu đáo hơn.

Những đứa trẻ luôn mong chờ được lấp đầy khoảng trống từ tình yêu thương của cha mẹ. Ảnh: Phước Liêu

Những đứa trẻ luôn mong chờ được lấp đầy khoảng trống từ tình yêu thương của cha mẹ. Ảnh: Phước Liêu

Hay đối với gia đình của bà T, các con bà đi làm ăn xa, để lại cho bà 9 người cháu từ mẫu giáo đến lớp 9 do một tay bà chăm sóc. Hàng tuần cha mẹ gọi về dăm câu để nhắc nhở, dặn dò các con chuyện học hành, chuyện nhà cửa. Những ánh mắt ngây thơ, nhìn xa như mong đợi, cha mẹ đi vắng tạo nên một khoảng trống lớn trong ngôi nhà, trong các em. Bà T tâm sự: "Chắc cũng học không nhiều đâu, rồi cũng phải đi làm phụ cha mẹ". Dòng đời nối tiếp như thế, tương lai những mầm non sẽ như thế nào...

Tương lai ngày trở về?

Chưa thời điểm nào, người dân rời quê đi làm ăn xa phổ biến như hiện nay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Sóc Trăng có đến gần 100.000 người đi làm ăn xa (trong đó hơn 58.000 người là đoàn viên, hội viên). Đây là quy luật tất yếu bởi cuộc sống nông thôn nếu có chút diện tích đất thì chăn nuôi, trồng trọt, không thì chỉ có làm thuê hoặc trông chờ vào chính sách hỗ trợ, lấy gì để cải thiện cuộc sống, nhất là trăm thứ chi tiêu đều cần đến tiền. Bên cạnh đó còn những nhu cầu tất yếu của cuộc sống như tivi, tủ lạnh, điện thoại... Tất cả những thứ đó đã thôi thúc nhiều người nuôi hy vọng khi chấp nhận lìa quê mà ít lường tới những rủi ro, bất trắc. Có nhiều cảnh ngộ đáng được chia sẻ và cũng có người thật đáng trách khi tự dấn thân vào con đường không lương thiện.

Thực tế cho thấy giải quyết tình trạng đi làm ăn xa là một vấn đề mà địa phương đang quan tâm thực hiện. Để tạo sinh kế, tỉnh cũng đẩy mạnh giải quyết được việc làm thông qua việc phát triển chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống, có khu công nghiệp, các công ty thủy sản, gần đây nhất là có nhà máy may Nhà Bè… nhưng luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, người lao động vẫn muốn đi làm ăn xa vì mức thu nhập cao hơn. Nhưng về lâu dài, một khi họ bước sang tuổi trung niên hay sức ép năng suất, định mức và cường độ lao động cao, sức khỏe giảm sút, bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động, nếu chưa đến tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội thì cuộc sống sẽ ra sao? Trở về quê hương, số vốn tích lũy chẳng đủ để làm gì và làm cách nào để có được cuộc sống ổn định?

Ngày tết đến, những người con xa xứ lại trở về để sum vầy cùng gia đình rồi sau tết lại rời quê hương, giao con cái cho ông bà, người thân đỡ đần, trông coi chuyện sách vở, học hành. Cảnh chia tay bịn rịn, lưu luyến thật sự xót xa. Bao giờ người dân mới thật sự tìm được cuộc sống như mong muốn mà không "ly hương" lại tiếp tục là câu hỏi lớn, đòi hỏi những người dân và các cấp chính quyền nên sớm có lời giải.

Phước Liêu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/roi-que-muu-sinh-duoc-va-mat-33807.html