Rối rắm áp dụng bảo hiểm trùng
Quy định về bảo hiểm trùng đã có từ lâu nhưng không phải ai cũng hiểu rõ để áp dụng, kể cả người trong nghề.
Mua nhiều bảo hiểm cùng lúc có lãng phí?
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Hợp đồng bảo hiểm trùng là trường hợp có từ 2 hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản”.
Bên cạnh trung thực tuyệt đối, nguyên tắc đóng góp bồi thường (contribution) hay còn gọi là bảo hiểm trùng, được coi là một trong những nguyên tắc quan trọng của bất kỳ thị trường bảo hiểm nước nào nhằm ngăn chặn người được bảo hiểm “trục lợi” từ tổn thất. Chưa kể, nguyên tắc này cũng nhằm đảm bảo công bằng cho nhà bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm tham gia 2 công ty bảo hiểm và đã nhận được phí bảo hiểm cho rủi ro, nhưng chỉ khiếu nại một công ty bảo hiểm thì sẽ bất công với công ty bảo hiểm còn lại.
Theo bộ phận phụ trách pháp chế của Công ty TNHH Bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine, nguyên tắc trên không áp dụng cho bảo hiểm nhân thọ hoặc các hợp đồng bảo hiểm không mang tính bồi thường như bảo hiểm tai nạn cho rủi ro tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Trở lại với câu chuyện chính, có khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe lo tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm cùng lúc sẽ không chỉ lãng phí tiền của, mà còn đối diện với nguy cơ không được chi trả bảo hiểm sau này.
Khách hàng Nguyễn Huy (TP. HCM) thắc mắc: “Tôi đã tham gia một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Prudential, bao gồm quyền lợi về bệnh hiểm nghèo, chi phí y tế, hỗ trợ thương tật, giờ muốn mua thêm một hợp đồng bảo hiểm sức khỏe của công ty bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Bảo Việt có quyền lợi về y tế nội trú lẫn ngoại trú do ốm bệnh, tai nạn. Thế nhưng, khi hỏi quyền lợi được chi trả sau này sẽ thế nào thì được đại lý bảo hiểm trả lời là nếu đã tham gia sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của 1 công ty bảo hiểm rồi thì chỉ được đòi chi trả bảo hiểm tại công ty đó. Có người lại bảo công ty bảo hiểm nào chi trả quyền lợi cao hơn thì ưu tiên đòi bồi thường công ty đó, trường hợp công ty đầu tiên không chi trả hết số tiền đi viện thì công ty bảo hiểm còn lại sẽ trả phần còn thiếu. Do đó, tôi không rõ cuối cùng sẽ được chi trả thế nào?”.
Còn khách hàng Nguyễn Kim Chi (Phú Thọ) cho hay đã mua bảo hiểm từ mấy năm trước, nhưng may mắn đến giờ chưa xảy ra bất kỳ sự cố nào về sức khỏe, nay được tặng thêm 2 thẻ chăm sóc sức khỏe của 2 công ty bảo hiểm phi nhân thọ nên không rõ quyền lợi được hưởng sau này có bị trùng lắp không?
Rối rắm cách áp dụng
Trước những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau tại các công ty bảo hiểm, việc giải thích rõ ràng về bảo hiểm trùng là vô cùng cần thiết vì gắn liền với quyền lợi mà khách hàng được hưởng sau này.
Trên đây chỉ là một trong nhiều khách hàng đang không rõ bảo hiểm trùng sẽ được áp dụng trong trường hợp nào khi tham gia cùng lúc 2 hợp đồng bảo hiểm trở lên. Có trường hợp khách hàng do không rõ quyền lợi được hưởng như thế nào nên lỡ mua trùng, đến khi đi đòi bồi thường không được chi trả như mong muốn đã đến văn phòng công ty bảo hiểm gây rối.
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, phụ trách pháp chế một công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, về nguyên tắc, hợp đồng có tính bồi thường (contract of indemnity) thì áp dụng bảo hiểm trùng, còn bảo hiểm nhân thọ (valued contract) không bị ảnh hưởng bởi mức thiệt hại thực tế thì không áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những công ty bảo hiểm nhân thọ áp dụng bảo hiểm trùng khi khách hàng mua bảo hiểm sức khỏe có quyền lợi chi phí nằm viện của các công ty khác.
Trước những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau tại các công ty bảo hiểm, việc giải thích rõ ràng về bảo hiểm trùng là vô cùng cần thiết vì gắn liền với quyền lợi mà khách hàng được hưởng sau này.
Theo một số luật sư, chuyên gia pháp chế, do quy định về bảo hiểm trùng nằm ở nội dung bảo hiểm tài sản và thiệt hại của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, nên bảo hiểm trùng chỉ áp dụng với bảo hiểm tài sản, không áp dụng với bảo hiểm sức khỏe.
Bảo hiểm sức khỏe có các quyền lợi chi trả quyền lợi trợ cấp thương tật (thường là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của công ty bảo hiểm phi nhân thọ), trợ cấp nằm viện và quyền lợi chi phí y tế; quyền lợi trợ cấp thương tật, trợ cấp nằm viện là bảo hiểm theo hình thức khoán nên không áp dụng bảo hiểm trùng, người được bảo hiểm được nhận tất cả quyền lợi từ các hợp đồng bảo hiểm. Còn chi phí thực tế là chi phí cho các dịch vụ y tế, mang tính thiệt hại nên áp dụng nguyên tắc của bảo hiểm thiệt hại (tương tự bảo hiểm tài sản) nên sẽ áp dụng bảo hiểm trùng, các hợp đồng bảo hiểm cùng đóng góp bồi thường theo tỉ lệ số tiền bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường không vượt quá chi phí y tế theo hóa đơn.
Trong lần lấy ý kiến hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 trước đây, từng có những quan điểm khác nhau về bảo hiểm trùng. Theo dự thảo xin ý kiến lần đầu, hợp đồng bảo hiểm trùng được quy định là trường hợp bên mua bảo hiểm giao kết từ 2 hợp đồng bảo hiểm với 2 doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.
Vì thế, Bảo hiểm BIDV (BIC) kiến nghị cần làm rõ quy định bảo hiểm trùng có áp dụng đối với bảo hiểm sức khỏe con người không? Còn Bảo hiểm OPES đề xuất làm rõ trong trường hợp 2 hợp đồng bảo hiểm với cùng một công ty bảo hiểm, nếu vượt quá giá trị tài sản thì có được coi là bảo hiểm tài sản trên giá trị? Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung trách nhiệm của các công ty bảo hiểm đối với bên mua về thời hạn bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên vì dự thảo đã có riêng quy định về thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Dự thảo cũng quy định, bất kể số lượng bên mua bảo hiểm là bao nhiêu, chỉ cần có từ 2 hợp đồng bảo hiểm trở lên cho cùng một đối tượng, cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm thì đều được coi là hợp đồng bảo hiểm trùng.
Cũng theo dự thảo, trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm trùng, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các nhà bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.
Theo đó, Bảo hiểm UIC đề xuất, dự thảo cần bổ sung cụm từ “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” để phù hợp với quy định tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP (Khoản 5, Điều 14) về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có quy định, trường hợp nhiều hợp đồng bảo hiểm được giao kết cho cùng một xe cơ giới thì chỉ giải quyết bồi thường theo hợp đồng giao kết đầu tiên, với các hợp đồng còn lại, nhà bảo hiểm phải trả lại toàn bộ phí bảo hiểm đã đóng.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, bên mua bảo hiểm trùng phải có trách nhiệm thông báo cho các công bảo hiểm liên quan về các thông tin hợp đồng bảo hiểm trùng. Theo đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Bảo hiểm VietinBank (VBI) cùng đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm trong trường hợp không thông báo nhằm ràng buộc trách nhiệm kê khai thông tin bảo hiểm trùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, cần giữ nguyên quy định vì trường hợp không thông báo thì áp dụng theo quy định tại Khoản 2 điều này.
Cuối cùng, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) được thông qua như trên.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/roi-ram-ap-dung-bao-hiem-trung-post324105.html