Rối Tế Tiêu: Niềm tự hào nơi chốn đồng quê

Làng Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, có phường rối lâu đời và rất nổi tiếng. Đó là rối cạn Tế Tiêu. Rối cạn Tế Tiêu chuyên diễn các tích tuồng cổ, kết hợp trò leo dây và các trò ảo thuật nên được nhân dân khắp vùng mến mộ...

Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm. Năm Hưng Phúc 1573, một vị quan tên là Trần Triều Đông Hải đã về Tế Tiêu khai khẩn đất hoang, lập làng giữ nước, dạy dân trồng cấy và sáng tạo ra nghề rối.

Trải qua nhiều thời kỳ gián đoạn loại hình sân khấu dân gian này lại được hồi sinh trên mảnh đất Tế Tiêu vào những năm 1954-1957, và phát triển mạnh vào những thập niên 70 nhờ sự cống hiến của các bậc nghệ nhân tiền bối như: nghệ nhân Lê Năng Nhượng, nghệ nhân Phạm Văn Bể.

Năm 1990, cụ Phạm Văn Bể và các nghệ nhân trong làng đã vực dậy được phường rối Tế Tiêu. Phường rối hồi sinh trong sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, sự khích lệ động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi của chính quyền. Sau nhiều năm gián đoạn, món ăn tinh thần mà bà con trong làng mong chờ đã được đáp ứng.

Cụ Bể đã tập hợp những người có cùng tâm huyết, góp công, góp của hăng hái chế tác con rối, tập luyện các tích trò cổ cũng như tích trò mang tính tuyên truyền giáo dục.

Phường rối ngày một lớn mạnh, được mời tham dự các hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh. Mỗi dịp vào hội hay lễ Tết, phường rối lại kéo xe ba gác mang rối đi biểu diễn phục vụ bà con trong làng và các huyện, tỉnh lân cận.

Sàn diễn rối cạn Tế Tiêu dù đã cách điệu vẫn gắn liền với bối cảnh đồng chiêm (Ảnh: P.V)

Sàn diễn rối cạn Tế Tiêu dù đã cách điệu vẫn gắn liền với bối cảnh đồng chiêm (Ảnh: P.V)

Khác với nhiều phường rối ở vùng đồng bằng sông Hồng, dù có thể biểu diễn cả rối nước song Tế Tiêu nổi tiếng hơn cả với các trò rối cạn. Xem các con rối chuyển động uyển chuyển, nhịp nhàng tưởng đơn giản nhưng thực tế để điều khiển được chúng không hề dễ dàng.

Muốn làm được đòi hỏi người nghệ sĩ phải có độ tinh tế rất cao từ khâu tạo hình các nhân vật rối cho đến sự phối hợp “ăn ý” với bạn diễn trong từng tích trò, bởi khán giả rất dễ dàng “bắt lỗi” khi rối được biểu diễn không phải dưới nước.

Dù là rối dây, rối que hay thậm chí rối sào thì khi sáng tạo cũng phải đặc biệt chú ý tới việc đẽo gọt, chăm chút phần gương mặt và các khớp chi của con rối, giúp rối cử động linh hoạt dưới bàn tay điều khiển của người nghệ sĩ.

Các con rối thường làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, được ngâm kỹ dưới nước nên không bị mối mọt, dễ đục đẽo, gọt tỉa trong quá trình tạo hình.

Năm 2001, được Cục Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin ủng hộ, ông Bể đã quyết định phục hồi nghệ thuật rối nước.

Ông xây một thủy đình trong nhà để phục vụ biểu diễn. Người đến xem rối nước của ông ngày một đông. Nhiều đoàn khách nước ngoài cũng lặn lội tìm đến Tế Tiêu để xem ông biểu diễn và mua những con rối về làm kỷ niệm.

Rối Tế Tiêu vượt làng xã, đến với những hội diễn lớn ở Hà Nội, dự liên hoan quốc tế tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc, các triển lãm du lịch làng nghề, các kỳ Festival Huế…

Càng đi diễn cụ Bể càng nhận thấy một điều thật kỳ diệu: Không chỉ người làng mê rối mà người thành phố, khách quốc tế cũng mê rối. Vậy là rối tồn tại với tất cả hồn cốt truyền đời của nó.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/roi-te-tieu-niem-tu-hao-noi-chon-dong-que-98599.html