Rồi tới lượt mình
Sau giãn cách xã hội và phong tỏa, chị liền tung tăng đây đó. Khi xã hội trở lại bình thường thì hoạt động thiện nguyện càng cuốn hút chị. Hội bảo trợ trẻ em mồ côi, nhóm giúp đỡ trẻ em nhiễm H, hay bữa ăn tình thương cho các bệnh nhân trong bệnh viện vào thứ Bảy và Chủ nhật khiến chị tất bật hơn.
Chị cố chu toàn trách nhiệm của một giáo viên tiểu học với việc nhà và việc thiện bằng cách ngủ ít lại hay ngày nghỉ không nghỉ, nhưng thời gian dành cho chồng con cũng không trọn vẹn. Chị áy náy với những chiều về trễ, để chồng đón con và sửa soạn bữa tối hay buổi trưa về muộn do đưa từng suất cơm đến các buồng bệnh nhân nặng, hoặc những sáng đi sớm để đến với bọn trẻ đang thiếu tình thương cha mẹ.
Vẻ lạnh nhạt trong im lặng cùng ánh mắt nhìn lảng đi của anh khiến chị ái ngại, biết chồng không hài lòng. Lắm lúc đáp lại lời bực tức của chồng “đi suốt”, chị mỉm cười, vuốt ve bằng những lời khẽ nhẹ; đêm, lại xoay qua ôm tấm thân trần vạm vỡ đang quay mặt vô tường, làm lành.
Chị tự thấy như có lỗi với chồng con, bởi lắm lúc để họ chờ đợi hay làm thay nhiều việc dẫu chị cũng gắng sức vì gia đình. Hồi mới chuyển từ nhà trọ đến chung cư dành cho người có thu nhập thấp, thấy bọn trẻ không có chỗ chơi, chị liền thuê mảnh đất trống bên cạnh và cho lắp giàn đu quay với ngựa, voi, máy bay, ô tô. Mỗi tối, nghe tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa kẹo kéo với “Cả nhà thương nhau”, “Chiếc đèn ông sao” hay “Đưa cơm cho mẹ đi cày”… là bọn trẻ quây lại. Chị ra giá thấp, lại hay miễn phí hoặc thiếu tiền cũng cười tươi, xí xóa nên chúng càng thích… Thêm đồng ra đồng vào, chi tiêu trong nhà có phần dễ chịu nhưng cái sự hay đi của vợ vẫn khiến chồng kém vui.
“Với người ta, vợ thường chờ chồng, nhà mình thì ngược lại”. Giọng anh buồn buồn, nói mà không nhìn vợ trong bữa cơm tối khá muộn so với thường khi. Chị đang và cơm bỗng khựng lại, ngó anh, rồi cúi xuống. Lâu sau, chị ngước nhìn anh, dịu giọng như mong được đồng cảm: “Nhiều cảnh đời đáng thương lắm, anh ạ…”. Chồng vẫn lặng thinh, vợ gợi chuyện xa xăm: “Anh có nhớ những ngày ở trọ, bị phong tỏa không?”. Anh ngơ ngác, không hỏi lại nhưng hình như lờ mờ hiểu điều vợ định nói.
Những ngày đại dịch ấy, ông chủ nhà trọ hay đáo qua các phòng, có vẻ vui khi biết mấy cô kế toán và nhân viên IT trong khu trọ vẫn làm việc qua mạng; lại buồn rầu chia sẻ với những người thất nghiệp như vợ chồng chị. Chủ trọ ái ngại nhìn mâm cơm nhà chị chỉ đĩa rau muống luộc và mấy con cá cơm khô kho quắt queo, giọng băn khoăn: “Người lớn thì cố được nhưng còn thằng nhỏ…”. Ông nhìn thằng bé đang bò trên nền nhà, tần ngần lúc lâu mới quay về nhà mình ở kế bên; lúc sang lại khu trọ, cầm theo lon sữa Yoko, tươi cười: “Con cháu của chú uống sữa này, cho thằng cu nhé”. Ông trao lon sữa cho chị, chỉ kịp nghe lời cảm ơn của người nhận rồi đến từng phòng thông báo cách cung cấp lương thực, thực phẩm những ngày phong tỏa rồi lịch xét nghiệm, lịch lấy rác của công ty môi trường, số điện thoại cần gọi khẩn cấp. Cả khu trọ reo vui khi nghe ông thông báo xí xóa tiền trọ hai tháng, lại cho nợ tiền điện nước và wifi đến sau dịch.
Cũng trong những ngày căng thẳng đến ngột ngạt ấy, bà con hay ngóng tổ trưởng dân phố đẩy xe ba-gác chở đầy hàng cứu trợ tới cổng khu trọ. Để phụ họa cho giọng nói yếu ớt sau lớp khẩu trang và kính bảo hộ, ông đưa tay ngoắc ngoắc: “Bà con ra nhận đồ nhé”. Hàng cứu trợ gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, cá hộp, cá khô. Mười hộ gồm mười phần như nhau, nhưng người thì bảo có gạo và mì tôm rồi, kẻ nói có mắm và dầu ăn rồi; thế là người ta dồn cho chị và hai cô nuôi dạy trẻ (cùng thất nghiệp toàn tập, ở phòng kế bên) nhiều hơn. Chị xách không hết, kêu chồng ra giúp. Anh ngó đống đồ, ngạc nhiên: “Sao của mình nhiều thế?”. Chị chỉ qua mấy bà bên cạnh: “Các chị ấy nhường cho đấy”.
Buổi tối, vợ xem trên mạng rồi quay sang chồng: “Xe đang chở rau từ Đà Lạt về, sớm mai tới chỗ mình rồi”. Chị đưa màn hình điện thoại về phía anh, sẻ chia: “Trông thương chưa nè?”. Trên màn hình là những nông dân đang quyên góp, khuân vác rau củ quả gửi đồng bào trong khu phong tỏa; cả cụ già, em bé cũng tham gia.
Chị trở lại với thực tại: “Em không bao giờ quên những ngày đặc biệt ấy”. Nét mặt khó chịu của chồng bỗng nhẹ nhõm, anh khuyên ăn thêm nhưng vợ buông đũa, ngồi lặng. Chị vẫn chưa thôi hoài niệm, cứ như tự nhủ: “Mình đã nhận bao ân tình, nhất là khi khốn khó. Rồi tới lượt mình…”. Chồng chớp mắt, vẻ như thấu hiểu lời dở chừng kia. Anh đột nhiên hồ hởi, kéo dài những mẩu chuyện nghĩa tình trong đại dịch, đọc cả mấy câu thơ chị đưa lên mạng xã hội hồi đó:
“Không bắt tay, nhìn nhau cảnh giác
Nhưng lòng người vẫn sát bên nhau
Nhà cách nhà, chẳng được đi đâu
Nhưng yêu thương trao truyền, lan tỏa”.
Vợ khen chồng nhớ tài, tiếng nói cười kéo dài, cả khi anh lau bàn, dẹp ghế, chị rửa chén bát. Dọn dẹp xong góc bếp, chị đưa mắt qua ô cửa chung cư, đắm nhìn ánh trăng ngời ngời trên khoảng sân rộng rồi quay sang chồng, giọng vui như reo: “Mình được căn hộ dành cho người có thu nhập thấp cũng là sự ưu ái, anh nhỉ?”. Chồng mỉm cười, khoác tay qua vai vợ, cùng đi vào buồng ngủ.
Khi chồng không còn khó chịu bởi vợ “siêng việc cô bác, nhác việc nhà” thì chuyện khác nảy sinh. Số là sau mấy lần rủ chồng đi tắm biển buổi sáng không được, chị đi một mình; sau ba ngày, lại chở theo chiếc loa kẹo kéo vẫn thường mở nhạc cho bọn trẻ chơi đu quay buổi tối. Anh trố mắt, nhăn mặt: “Để làm gì?”. Chị tươi cười: “Để mở nhạc tập thể dục cho các bà cùng tập trên bãi biển”. Anh lắc đầu, quay đi.
Tầm bốn rưỡi chị đã thức giấc, lật đật dắt xe ra, dựng chân chống giữa, khệ nệ bê cái loa thùng đặt lên, ràng rịt cẩn thận rồi vù đi. Vợ cố khẽ nhẹ nhưng cứ ra vô lấy quần áo hay xà phòng, cả tiếng mở cửa và tiếng xe máy khiến chồng không thể ngủ; thao thức, nghĩ tới nghĩ lui càng bực. Anh nhận ra điều bất thường là vào những ngày nghỉ, vợ hay về khá trễ. “Tắm biển mà hơn hai tiếng, không cảm lạnh, chắc cũng bị chuột rút?!”. Ý nghĩ ấy cứ lởn vởn khiến anh tò mò, lặng lẽ theo vợ, sau nhiều lần bỏ ý định.
Sớm Chủ nhật, vợ đi một lúc, chồng liền chạy xe theo sau, may bữa qua con trai đã về chơi nhà nội. Anh ngồi nơi ghế đá đặt cạnh gốc bàng vuông, nhìn vợ cùng các bà tập thể dục trên bãi biển. Tiếng nhạc và các động tác mạnh mẽ hệt như trên sàn nhảy. Tập hơn ba mươi phút, người nào cũng đẫm mồ hôi. Khi giọng nữ phát ra từ chiếc loa “bài tập thể dục đến đây là hết, cảm ơn các bạn đã tham gia”, anh liếc nhìn đồng hồ. Tưởng các bà sẽ ào xuống nước nhưng không, họ tỏa ra bãi biển nhặt rác. Họ nhặt từng mẩu giấy, bịch ni lông hay que tăm, vỏ ốc; ở chốn công cộng nhưng miệt mài chăm chú như trên sân nhà mình. Chị cùng các bà (trong trang phục thể thao xanh lơ) lom khom mải miết đến cuối bãi cát; khi mặt trời nhô khỏi mặt biển chừng cây sào, mới tắm. Anh ngớ người, mỉm cười vu vơ, thoáng hổ thẹn khi biết lý do vợ hay về trễ khi đi tắm biển.
Anh đi xuống bãi cát, rinh chiếc loa buộc lên xe rồi ngồi chờ vợ, chờ lâu nhưng cảm thấy dễ chịu bởi không gian xung quanh rộng mở thoáng mát, khác hẳn căn phòng chật hẹp anh đã quen.