'Rối' trong triển khai giảm VAT xuống 8% chưa được gỡ hết với Nghị định 41
Vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai giảm VAT xuống 8% là danh mục hàng hóa được giảm vẫn trong tình trạng ma trận giữa 'được và không được', trong khi Nghị định 41 mới ban hành vẫn chưa đưa ra phương án gỡ khó cho vấn đề này.
Đến nay, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đã có hiệu lực được hơn 4,5 tháng.
Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được một số phản ánh của các cục thuế, doanh nghiệp về việc lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT.
Theo đó, việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT thì mới được áp dụng thuế suất 8% theo phản ánh của doanh nghiệp là làm tăng chi phí của doanh nghiệp gồm tăng khối lượng công việc cho kế toán và tăng chi phí sử dụng hóa đơn.
Vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 1 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) trong trường hợp hóa đơn có thể thể hiện nhiều loại thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải lập hai hóa đơn gồm một hóa đơn ghi thuế suất 8% và một hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).
Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc lập hóa đơn này, ngày 20/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách giảm 2% thuế VAT.
Theo đó, trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.
Tuy nhiên, kế toán của nhiều công ty cho rằng, Nghị định 41 mới chỉ gỡ được một phần khó khăn trong quá trình thực hiện giảm thuế VAT xuống 8%.
Danh mục được giảm thuế VAT chưa rõ ràng
Anh N.H.N - Kế toán trưởng của một tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam cho hay, khó khăn nhất là việc phân loại hàng hóa, dịch vụ để áp dụng thuế suất thuế VAT ở mức 8%.
Bởi trong Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ dài hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%.
Theo anh N.H.N, “danh mục này đang có nhiều hạn chế so với hàng hóa, dịch vụ đa dạng phong phú trong thực tế” và gây ra không ít khó khăn cho kế toán của nhiều doanh nghiệp khi phân loại các mặt hàng được hưởng chính sách và những mặt hàng giữ nguyên mức thuế suất.
Đơn cử như trường hợp sản phẩm bàn làm việc được tạo ra bởi khung thép và vật liệu bề mặt là gỗ ép công nghiệp.
Nếu gọi đích danh sản phẩm này là bàn thép thì chắc chắn sẽ vẫn chịu thuế suất 10%. Bởi theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn không được giảm thuế VAT xuống 8%.
Hoặc như với các đơn vị sản xuất, cung cấp sản phẩm tủ điện thì phần vỏ bọc, công tắc, dây dẫn trần tiếp đất làm từ kim loại nhưng phần lớn thiết bị bên trong đều là các bảng mạch thiết bị điện.
Để cho chắc, các đơn vị này giữ nguyên thuế suất 10%, tuy nhiên lại nhận được phản ứng không đồng thuận từ khách hàng khi khách hàng cho rằng tên sản phẩm là tủ điện không phải tủ sắt, tủ kim loại. Trong khi đó, nguyên liệu cấu thành tủ điện đó cũng không phải là chính yếu của chiếc tủ để đánh đồng thuộc nhóm loại trừ theo quy định.
Như vậy, nếu chỉ thay đổi tên gọi của sản phẩm thành bàn làm việc văn phòng gia cố lực, hay tủ điện công nghiệp cũng không phải là cách để xác định việc các hàng hóa này đủ điều kiện áp dụng thuế suất 8%. Việc không có quy định tỷ lệ thép chiếm bao nhiêu % trong tổng giá trị/chi phí để được hưởng chính sách giảm thuế VAT đã gây ra lúng túng cho doanh nghiệp.
Thực tế, đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp như vậy. Trước khi có chính sách giảm thuế VAT, một số mặt hàng cũng đã khó xác định được mức thuế suất VAT.
Giải quyết tận gốc nạn khai gian giá chuyển nhượng nhà đất để né thuế
Như sản phẩm được làm từ các nguyên liệu gồm tre, nứa và gỗ, theo Luật Giá trị gia tăng: sản phẩm từ tre, nứa được áp dụng thuế suất thuế VAT 5%, nhưng sản phẩm từ gỗ lại 10%. Vì vậy, các kế toán viên vẫn thật sự lúng túng trong việc xác định nên viết hóa đơn theo mức thuế nào cho đúng với thực tế đa dạng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hiện nay.
Tổng cục Hải quan cũng đã từng có công văn chuyển đến Tổng cục Thuế với nội dung “trường hợp của Xí nghiệp chế biến hàng song mây xuất khẩu sử dụng các nguyên liệu: mây, bẹ chuối, mành, sợi giấy kết hợp với lõi khung sắt để sản xuất ra các sản phẩm bàn, ghế, giỏ, rổ, đề nghị Tổng cục Thuế xác định rõ nguyên liệu nào làm nên những sản phẩm trên là nguyên liệu chính để xác định mức thuế VAT cho phù hợp”.
Để giải quyết trường hợp này, theo anh N.H.N, kế toán thường sẽ xác định thành phần nguyên liệu nào của sản phẩm là chính, các thành phần khác chỉ là phụ liệu đi kèm, từ đó định danh sản phẩm thuộc nhóm thuế suất nào, cụ thể như sản phẩm ghế song, mây, tre nứa ở ví dụ ở trên.
Trong khi đó, việc xác định nguyên vật liệu nào là chính hay phụ thì lại không được quy định trong tất cả các văn bản luật hay dưới luật về thuế, mà chỉ dựa vào thông lệ để định lượng ở mức tương đối và có phần cảm tính. Theo anh N.H.N, “đây được xem là một trong những ‘khoảng trống’ trong các quy định về thuế của Việt Nam”.
Tuy nhiên, dường như ‘khoảng trống’ này tác động rõ và mạnh hơn trong năm nay khi thực hiện giảm thuế VAT xuống 8% với nhiều nhóm sản phẩm, ngành nghề.
VCCI: Cần bỏ yêu cầu sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán
Anh N.H.N cho rằng, danh mục được hưởng chính sách giảm thuế VAT chưa thật sự rõ ràng, trước tiên là gây khó cho doanh nghiệp, sau là gây khó cho cả cán bộ thuế và cơ quan quản lý thuế trực tiếp. Nhiều cán bộ thuế không thể bao quát hết các sản phẩm trong danh mục theo đăng ký của Nhà nước bởi các cơ quan chuyên ngành khác, nên ngay cả cơ quan thuế cũng khó trả lời chính xác mức thuế suất đối với một mã hàng cụ thể cho doanh nghiệp.
Do đó, trong gần 5 tháng kể từ khi Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, doanh nghiệp đã phát sinh tăng không ít về nguồn lực, chi phí thời gian khi kế toán phải đối chiếu, chờ đợi xin ý kiến của cơ quan thuế để thực hiện cho đúng, chưa kể có một số trường hợp còn không nhận được câu trả lời cụ thể từ cơ quan thuế.
Nếu cứ thực hiện mà không được hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng chưa cụ thể, chưa sát với thực tế dễ dẫn đến xảy ra bất đồng quan điểm giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm (thanh tra kiểm tra thuế tại doanh nghiệp sau này), theo anh N.H.N.
Đặc biệt, với những doanh nghiệp có hàng nghìn mặt hàng, khi tra cứu phụ lục của Nghị định 15/2022/NĐ-CP không khác gì “ma trận”.
‘Đau đầu’ vì thời gian hoàn thành dịch vụ, thời điểm bàn giao
Ngoài vướng mắc về danh mục được giảm thuế, việc hiệu lực của chính sách chỉ diễn ra từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022 cũng khiến nhiều doanh nghiệp ‘vò đầu bứt tai’.
Mặc dù có công văn hướng dẫn một phần về việc sản phẩm được bàn giao trước 1/2/2022, sau ngày đó mới xuất hóa đơn thì không được áp dụng. Nhưng thực tế việc nghiệm thu, bàn giao rơi vào thời điểm ngày 1/2 trở đi còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, với gói thực hiện công việc trải dài nhiều hạng mục vắt qua kỳ nhưng quy định chỉ được nghiệm thu khi hoàn thành, có phần lớn công việc đã hoàn thành trước ngày 1/2, nhưng việc xuất hóa đơn lại được thực hiện sau thời điểm đó thì việc ghi nhận thuế suất thuế VAT 8% hay 10% là rất khó.
Trường hợp các hạng mục làm dở dang do lý do tạm dừng, đến sau ngày 1/2 mới làm tiếp, kế toán của các doanh nghiệp còn vất vả hơn khi phải bóc tách để xuất hóa đơn.
Mặt khác với các dịch vụ vắt kỳ qua ngày 31/12/2022, việc xuất hóa đơn sau thời điểm này có khả năng cao sẽ không được hưởng chính sách giảm thuế VAT, mặc dù dịch vụ đó đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trước ngày cuối năm 2022.
Chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản
Bên cạnh đó, chi phí thời gian của kế toán tại các doanh nghiệp còn tăng lên đáng kể do “lúng túng dây chuyền” khi lần đầu thực hiện chính sách này.
Chị Chu Thị Thắng – kế toán trưởng một công ty truyền thông cho biết, trong thời gian qua, việc thực hiện giảm thuế VAT đã gây ra một số sự không thống nhất trong cách xử lý quyết toán nghiệm thu các hợp đồng của công ty.
Đơn cử như một số khách hàng thanh toán đợt 1 và đã xuất hóa đơn 50% giá trị hợp đồng (gồm 10% thuế VAT), nhưng khi tất toán nghiệm thu toàn bộ hợp đồng vào thời điểm sau ngày 1/2/2022, khách hàng lại muốn tính tổng giá trị hợp đồng đã bao gồm VAT 8%, gây ra bất đồng ý kiến giữa kế toán 2 bên doanh nghiệp đối với tổng giá trị hợp đồng (bao gồm VAT). Điều này dẫn đến thời gian tất toán hợp đồng lâu hơn so với trước đây.
Chị Thắng cho biết thêm, còn có khách hàng không muốn giảm thuế VAT và yêu cầu xuất hóa đơn với thuế suất 10%.
Trong khi đó, theo Công điện số 02 do Tổng cục Thuế vừa ban hành, nếu hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế nhưng không xuất hóa đơn giảm sẽ bị xử lý nghiêm, khiến hàng loạt kế toán bày tỏ sự lo lắng.
Để tháo gỡ các vướng mắc trên, theo đề xuất của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn tiêu chí xác định cụ thể hơn để việc áp dụng thuế suất 8% sát hơn với thực tế.