Rơi vãi, đổ trộm bùn đất, phế thải xây dựng: Bao giờ mới hết?
Nhằm đảm bảo công tác trật tự đô thi, thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý xe chở phế thải, vật liệu xây dựng không che chắn, gây rơi vãi ra đường nhờ đó tình trạng này đã có nhiều dấu hiệu giảm bớt. Tuy nhiên, những ngày gần đây trên nhiều tuyến đường nhất là các tuyến đường tại các quận, các huyện ven đô, tình trạng này tiếp tục tái diễn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
Bùn, đất rơi vãi đầy đường
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), tối ngày 21/4, trong quá trình thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường hàng ngày, các công nhân đã phát hiện một lượng lớn bùn đất, phế thải, vật liệu xây dựng ngay gần khu vực chân cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo đơn vị đã điều động ngay 15 công nhân, 2 xe hút quét, 2 xe ô tô tải để dọn dẹp lượng bùn đất, phế thải phát sinh tại đây. Cùng với đó, Công ty Môi trường đô thị chi nhánh Cầu Diễn - Urenco 7 đã bố trí xe tưới nước để rửa đường, đảm bảo phong quang mặt đường, không để ô nhiễm bụi từ các đống phế thải rơi vãi ảnh hưởng ra các khu vực xung quanh, cũng như đảm bảo sự an toàn cho người dân cùng các phương tiện tham gia giao thông qua đây.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tình trạng trên diễn ra tại khu vực này. Cụ thể, theo ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Urenco 7, trong các ngày 13, 19 và 21/4 thông qua công tác làm nhiệm vụ hàng ngày, đơn vị này cũng đã phát hiện, dọn dẹp hàng chục tấn bùn đất bị rơi vãi ra đường gây mất vệ sinh môi trường, ATGT… Thậm chí, có đoạn đường bị phủ một lớp bùn đất dày, trời nắng thì bụi, trời mưa thì cả đoạn đường trở nên trơn trượt, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng này không chỉ tuyến đường Nhật Tân – Võ Nguyên Giáp mà ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đi dọc các tuyến đường có mật độ giao thông dày đặc như Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Lê Trọng Tấn (Hà Đông)... vào buổi sáng hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đoạn đường bụi bẩn bởi đất, cát rơi vãi bừa bãi.
Đại Lộ Thăng Long, Quốc lộ 21 cũng được biết đến là “điểm nóng” về tình trạng xe chở đất đá, vật liệu xây dựng, bùn đất... làm rơi vãi xuống đường. Mới đây nhất, sáng 13/4, cũng trên tuyến đường này, tại đoạn đường đôi hướng từ Xuân Mai đi Sơn Tây đã xuất hiện nhiều đống đất, cát dài khoảng 30m, rộng 3 gây cản trở giao thông. Ngay sau đó, các cán bộ, chiến sĩ CSGT đã phải xắn quần áo, múc từng xẻng đất thu dọn hiện trường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Cần xử lý từ gốc
Theo quy định bất kỳ xe nào khi chở vật liệu (cát, sỏi) vào nội đô Thành phố đều phải bịt kín không để xảy ra hiện tượng bụi, rơi vãi vật liệu xuống đường. Cạnh đó, để đảm bảo an toàn về vệ sinh môi trường, các xe khi vào nội đô đều phải tuân thủ quy định rửa rạch mới được lưu thông.
Quy định là thế, song hiện nay đa số xe chở vật liệu cho các công trình đang thi công trên địa bàn Thành phố đều không tuân thủ. Vì thế, phố phường đã ôn nhiễm do khí thải ô tô, xe máy càng ô nhiêm hơn vì bụi.
Có thể nói, nguyên nhân của dẫn đến tình trạng rơi vãi vật liệu xây dựng xuất phát từ việc che chắn thành thùng của các phương tiện xe tải vận chuyển phế thải, vật liệu xây dựng… trong khu vực. Tại đại lộ Thăng Long, không khó để bắt gặp hình ảnh với các xe tải, xe Howo hay người dân vẫn cứ quen gọi là xe “hổ vồ” táp vào lề đường gần khu vực đang thi gần đó chờ đến lượt máy xúc đổ đất vào thùng xe.
Điều đáng nói là trong quá trình máy xúc đổ đất vào các xe tải vận chuyển đến khu vực chôn lấp xuất hiện tình trạng rơi vãi đất đá, cũng như là các xe tải chở vật liệu vào thi công công trình đường ống nước không thường xuyên được cọ rửa, phụt nước dẫn đến hiện tượng đất đá bám theo bánh xe, gầm xe làm rơi vãi khi di chuyển trên đường...
Đáng chú ý hơn, trên tuyến đường Võ Chí Công đoạn đường tắt rẽ vào khu đô thị Ecolife, nhiều tháng qua, tại khu đất của một dự án, tình trạng đổ trộm phế thải diễn ra phổ biến. Cả ngày lẫn đêm, lượng rác thải, phế thải đổ tràn lan ra khu đất trống. Đến nay đã hình thành bãi rác, phế thải “khổng lồ”, nhiều loại rác thải được tập kết tại khu vực này.
Thậm chí, phế thải, rác do các xe tải không được che chắn cẩn thận còn rơi vãi dọc theo đi các con ngõ trên đường Võ Chí Công. Do các xe này không được che chắn, phun rửa cẩn thận nên lượng bùn, đất bám trên bánh xe lại không được chú ý khi xe rời công trường. Hệ quả là, mặt đường Võ Chí Công thường xuyên bị phủ một lớp đất, bụị khiến phương tiện, người qua lại bị ảnh hưởng…
Hai ví dụ trên cho thấy, tình trạng đổ trộm, rơi vãi bùn, đất vật liệu xây dựng tại một số địa bàn đã diễn ra từ lâu, những“đối tương chính” gây ô nhiễm trong khu vực cũng đã được chỉ rõ, nhưng đến nay vẫn không có động thái xử lý triệt để nào từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Tăng chế tài xử phạt để răn đe
Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 20, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định tại Khoản 7 Điều 20 của Nghị định nêu trên. Như vậy, các chế tài xử phạt đều có đủ, nguyên nhân cũng được chỉ rõ nhưng không hiểu vì sao tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn nhiều lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng này không chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng CSGT mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng liên ngành. Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan từ Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội; Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội; Công an thành phố Hà Nội; UBND các quận Tây Hồ, UBND huyện Đông Anh... phải phân rõ trách nhiệm cụ thể.
Ngoài ra, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trên đường cũng cần xử lý nghiêm các đơn vị thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm rơi vãi đất, đá dăm, tránh tiếp tục tái diễn.