Roland Garros tôn vinh Nadal: Cảm ơn anh, huyền thoại!
Rafael Nadal, nhà vô địch vĩ đại nhất lịch sử Roland Garros, được Paris tôn vinh đầy cảm xúc. Ở bên anh là những người bạn Federer, Djokovic và Murray.
Khoảnh khắc đặc biệt
Một ngày đặc biệt, nhiều con số 5: 25-5-2025. Sau một vài nỗ lực không thành, nước Pháp, Paris và Roland Garros cuối cùng cũng đáp lại tầm vóc của Rafael Nadal.
Anh cười, hồi tưởng, tri ân, xúc động. Vòng tròn sự nghiệp của anh đã hoàn toàn khép lại. Merci. Một lời cảm ơn đặc biệt.

Paris và Roland Garros vinh danh Nadal. Ảnh: EFE
Không khoa trương, không cầu kỳ, đúng chất tinh tế kiểu Pháp, Nadal nhận lấy tràng pháo tay từ đám đông tại “thánh địa” Bois de Boulogne – nơi gắn bó với anh từ thuở đầu sự nghiệp, nơi cảm xúc cuộn trào và mục tiêu duy nhất được giữ vững: tennis, chỉ tennis mà thôi.
Đó là ngày của những cảm xúc dâng trào, của ký ức, của sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết mà BTC ấp ủ từ nhiều tháng.
Từ sáng sớm ngày khai mạc phiên bản 124 Roland Garros, mọi người cảm nhận được không khí đặc biệt lan tỏa khắp nơi.
Thật may mắn cho những ai mua vé ngày khai mạc. Một ngày trọng đại. Một kỷ niệm đáng lưu giữ.
“Merci Rafa” là dòng chữ in trên ngực trái chiếc áo màu đất mà người hâm mộ mặc, được phát miễn phí bên trong sân Philippe Chatrier.
Từ lâu, vượt qua sự dè dặt ban đầu của người dân Paris, Nadal được khán giả nơi đây yêu quý như một người con của thành phố.
“Không ai yêu mến người Tây Ban Nha bằng người Pháp yêu mến Rafael”, Toni Nadal, chú của Rafa, viết.
Ngay sau khi Lorenzo Musetti kết thúc trận đấu thứ 3, cả khán đài cùng hòa giọng: Ra-fa, Ra-fa, Ra-fa! Tiếng nhạc Bee Gees vang lên, điệu nhảy “Stayin’ Alive” khuấy động sân đấu.

Nadal là biểu tượng ở Bois de Boulogne. Ảnh: Roland Garros
Nadal xuất hiện trong trang phục đen tuyền, hôn gió hướng lên trời, được giới thiệu bởi giọng nói quen thuộc của Marc Maury, theo nghi lễ quen thuộc: 2005, 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012… và tiếp tục cho đến đủ 14 danh hiệu.
Con số ấy được chiếu sáng trên khán đài Jean Borotra, cả sân dậy sóng vỗ tay không ngớt trong 3 phút đầy nước mắt và xúc động.
“Tôi đã tận hưởng, đã chiến thắng, đã thất bại, đã chịu đựng. Tôi đã sống rất nhiều cảm xúc tại sân đấu này”, Nadal nghẹn ngào bằng tiếng Pháp.
Xúc động
Nadal nhắc đến gia đình, đội ngũ của mình, những người đã đồng hành suốt chặng đường. Cậu con trai nhỏ của anh xúc động.
Anh không quên người chú Toni thân yêu: “Chính chú là lý do cháu có mặt ở đây. Cảm ơn vì đã dành cả cuộc đời cho cháu. Những gì ta đã trải qua không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chắc chắn đều xứng đáng”.

Danh hiệu của Nadal trên sân đất nện Paris. Ảnh: Roland Garros
Nadal tiếp tục: “Cả hai ta đều không quen thể hiện cảm xúc, nhưng cháu muốn chú biết rằng cháu biết ơn vô cùng vì những hy sinh của chú cho cháu. Chú là HLV tuyệt vời nhất mà cháu từng mơ ước. Nếu không có chú, sẽ không có điều gì trong số này”.
Anh nói về sự tôn trọng, về giá trị và giáo dục – những điều gốc rễ.
Giai điệu hùng tráng của Hans Zimmer – nhà soạn nhạc người Đức – lại vang lên. Đúng khoảnh khắc ấy, người đàn ông thép vỡ òa: “Merci La France, Merci Paris”.
Những con số lần lượt hiện lên: 22 Grand Slam, 1.080 chiến thắng, 209 tuần ở vị trí số một. Đó cũng là lúc những người bạn đến bên anh: Novak Djokovic, Andy Murray và Roger Federer.
Nước Pháp và sự trang trọng – điều không bao giờ thiếu. Carlos Alcaraz đứng đó quan sát, học hỏi, có lẽ mơ mộng một ngày nào đó được như vậy.
“Đó là vô số trận chiến, rất nhiều áp lực, nhưng khi kết thúc sự nghiệp, mọi thứ trở nên khác hẳn”, Nadal nói với ba người bạn, đứng thành hàng. Gắn kết.
“Chúng tôi cho thế giới thấy rằng có thể chiến đấu hết mình và vẫn là những người bạn tốt. Tennis là một môn thể thao, nhưng với chúng tôi, nó là điều gì đó lớn hơn”.

Nadal và những người bạn đồng hành. Ảnh: Roland Garros
Huyền thoại nhỏ lệ khi lớp bụi mỏng được quét đi để lộ tấm bảng khắc tên anh: Rafa Nadal. Sân đấu này là của anh, bằng chứng là những dấu chân sâu in mãi nơi đây.
Từ năm 2005, anh đến và chinh phục. Andre Agassi từng nói: “Nếu đối thủ thấy Rafa nằm trong nhánh đấu của mình, điều tốt nhất là mua vé về nhà ngay lập tức”.
Một sự thống trị chưa từng thấy trong làng quần vợt, và có lẽ cả trong thể thao nói chung.
Rồi anh thực hiện vòng chào cuối cùng, được tôn vinh, vẫy tay bốn phía khán đài, sải bước nhẹ nhàng, theo cách không thể đẹp hơn: nắm tay con trai. Một ngày nào đó, cậu bé sẽ hiểu: Nadal là chiến binh đích thực, được ngưỡng mộ, đặc biệt. Vô song tại nơi này.
Dấu chân không thể phai mờ của Rafael Nadal ở Paris.