Rolls-Royce lãi hơn gấp đôi bất chấp cắt giảm chi phí và căng thẳng toàn cầu
Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Rolls-Royce (Anh) đã tăng hơn gấp đôi lợi nhuận hàng năm nhờ cắt giảm chi phí và báo cáo số lượng đơn đặt hàng kỷ lục trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng trên toàn thế giới.
Năm 2023, Rolls-Royce thu về lợi nhuận 1,6 tỷ bảng, so với 652 triệu bảng vào năm 2022, nhờ tiết kiệm chi phí.
The Guardian cho biết nhà sản xuất nổi tiếng tới từ Anh đang “tiến hành tốt” các kế hoạch tăng lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí, bao gồm cả kế hoạch cắt giảm tới 2.500 việc làm vào cuối năm tới.
Chương trình “thắt lưng buộc bụng” tại Rolls-Royce đã được thực hiện bởi giám đốc điều hành Tufan Erginbilgic, người đã cảnh báo khi tiếp quản vào tháng 1 năm ngoái rằng công ty là một “nền tảng đang cháy”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh quốc phòng được cải thiện là do bối cảnh chính trị ngày càng bất ổn. Không chỉ Roll-Royce, nhà sản xuất vũ khí BAE Systems cũng công bố lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và Israel - Gaza.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, The Guardian đưa tin hãng sản xuất báo cáo doanh thu tốt hơn mong đợi, tăng 22% lên 16,5 tỷ bảng Anh khi doanh số bán hàng tăng ở các hạng mục vận tải, chiến đấu và tàu ngầm chính.
Rolls-Royce cho biết số giờ bay của động cơ – thước đo hiệu suất quan trọng của tập đoàn – đã phục hồi tới 88% so với mức của năm 2019 trước đại dịch Covid-19 và tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Họ nói thêm rằng đơn đặt hàng động cơ lớn là mức cao nhất kể từ năm 2007 và dự báo số giờ bay của động cơ lớn sẽ quay trở lại, thậm chí vượt qua mức trước đại dịch vào năm 2024.
Công ty cho biết sổ đặt hàng quốc phòng của họ đã đạt kỷ lục 9,2 tỷ bảng Anh vào cuối năm nay, được củng cố bởi các hợp đồng giành được thỏa thuận phòng thủ tàu ngầm Aukus giữa Australia, Anh và Mỹ.
Doanh số bán hàng của bộ phận chiến đấu cũng tăng nhờ tăng cường sản xuất động cơ F130 mới cho phi đội máy bay ném bom B-52 của lực lượng không quân Mỹ, cùng với hoạt động của họ trong chương trình hàng không gombat toàn cầu.
GCAP là sự hợp tác giữa Anh, Ý và Nhật Bản để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo, được gọi là Tempest ở Anh và dự kiến sẽ thay thế Eurofighter Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh từ năm 2035.
Russ Mold, giám đốc đầu tư của công ty môi giới chứng khoán AJ Bell, cho biết Rolls-Royce đang được hưởng lợi từ triển vọng được cải thiện khi các nước ưu tiên chi tiêu quân sự “nhờ căng thẳng toàn cầu gia tăng”.
Khánh Vy (Theo The Guardian)