Rơm 'gặp thời'
Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường đốt rơm nhưng những năm gần đây, rơm mang lại nguồn lợi không nhỏ. Rơm vì thế được ví von là 'gặp thời'.
Hiện nay, trên những cánh đồng lúa sau khi thu hoạch, rơm được cuộn thành từng cuộn và thương lái đến tận ruộng để thu mua. Nếu lúc trước, rơm thường được sử dụng để trồng nấm rơm, phủ gốc cây trồng, làm thức ăn cho bò,... thì nay, rơm cuộn thường xuất hiện trong các quán cà phê, nhà hàng, khu du lịch,... để trang trí. Đặc biệt, dịp tết, nhu cầu mua rơm về làm tiểu cảnh, trang trí khá cao.
Anh Nguyễn Tấn Khánh - nông dân ở tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Trước kia, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường đốt rơm để vệ sinh đồng ruộng, tiềm ẩn nguy cơ cháy đồng. Từ khi có máy cuộn rơm, tôi vừa có thêm nguồn thu nhập từ việc bán rơm, vừa không gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Anh Nguyễn Hải Đăng, quê Long An, chuyên kinh doanh rơm tại TP.HCM, cho biết: “Rơm trở thành mặt hàng phổ biến trong trang trí ngoại thất. Tôi mở rộng dịch vụ cung cấp rơm cho các quán cà phê, nhà hàng. Điều này chứng tỏ rơm không chỉ là nguyên liệu mà còn là một yếu tố tạo nên vẻ đẹp và không gian riêng biệt”.
Từ phụ phẩm nông nghiệp mang giá trị kinh tế thấp, rơm ngày càng được ứng dụng nhiều trong đời sống và mang lại nguồn lợi cho nông dân. Trung bình 1ha lúa sau khi thu hoạch bán được 1 triệu đồng tiền rơm. Sau khi thu mua, thương lái bán lại với giá 35.000 đồng/cuộn (trọng lượng khoảng 20kg).
Bên cạnh làm thức ăn gia súc, sử dụng trong trồng trọt, trang trí, rơm còn xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật với những bức tranh được làm từ rơm. Rơm khô có thể tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ lại cho sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/rom-gap-thoi-a161863.html