Romania bắt đầu dự án mở rộng căn cứ không quân gần biên giới Ukraine

Romania đã bắt đầu dự án trị giá hàng tỷ Euro về mở rộng và hiện đại hóa một trong những căn cứ không quân gần Ukraine, nơi sẽ cất giữ các thiết bị quân sự mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Romania Angel Tîlvăr công bố động thái này vào ngày 11/6 trong một buổi lễ tại Căn cứ Không quân Mihail Kogălniceanu, nằm cách biên giới Ukraine chưa đầy 200 km (124 dặm).

Dự án mở rộng căn cứ quân sự, nơi đặt quân đội và lực lượng của Mỹ từ năm 1999, đã được phê duyệt trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Đại tá Không quân Romania Nicolae Cretu, chỉ huy căn cứ, nói về lý do quốc gia thành viên NATO này quyết định mở rộng khả năng, đó là trong bối cảnh những căng thẳng ở Gruzia (Georgia) vào năm 2008 và sau đó là Crimea vào năm 2014.

“Kế hoạch của chúng tôi đã được phê duyệt từ năm 2018 cho việc này”, ông Cretu nói với Defense News trong cuộc tập trận Ramstein Legacy do NATO dẫn đầu được tổ chức tại đây.

Dự án này một phần sẽ liên quan đến việc xây dựng một đường băng mới, một tháp canh và các nhà chứa máy bay bổ sung để bảo vệ các tài sản quân sự hiện có và sắp được quốc gia Đông Âu này mua. Vị quan chức này ước tính chi phí liên quan đến việc mở rộng sẽ lên tới 2,5 tỷ Euro (2,7 tỷ USD).

Trực thăng tấn công Apache của Mỹ trong cuộc tập trận trình diễn tại Căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu, Romania, ngày 31/3/2023. Ảnh: Balkan Insight

Trực thăng tấn công Apache của Mỹ trong cuộc tập trận trình diễn tại Căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu, Romania, ngày 31/3/2023. Ảnh: Balkan Insight

Romania, một quốc gia thành viên EU và NATO, đang thực hiện một số chương trình mua sắm, chủ yếu tập trung vào các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm rất ngắn, dự kiến chi tới 2,1 tỷ USD.

Năm ngoái, họ cũng đã nhận được thêm 2 khẩu đội Patriot do Mỹ sản xuất, và hiện có tổng cộng 4 khẩu đội. Bucharest đang tham gia mua sắm chung tới 1.000 tên lửa Patriot PAC-2 GEM-T theo Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu Sky Shield (ESSI) do Đức dẫn đầu.

Vị trí của Căn cứ Không quân Mihail Kogălniceanu, nằm gần thành phố cảng Constanta bên Biển Đen, đã chứng tỏ tính chiến lược cao trong những năm gần đây, đối với cả Romania và các đồng minh NATO của nước này. Lấy ví dụ, sĩ quan Romania trích dẫn giá trị của căn cứ này trong cuộc chiến Iraq, vì nó được các đồng minh sử dụng “để triển khai lực lượng bên ngoài lãnh thổ của họ và trên một khoảng cách xa”.

Truyền thông Romania từng đưa tin hé lộ về quy mô mở rộng của căn cứ này, theo đó, sau khi mở rộng căn cứ Kogălniceanu sẽ có quy mô tương tự Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, nhưng chưa có xác nhận nào về vấn đề này từ các quan chức Romania.

Với khả năng tiếp cận trực tiếp tới Biển Đen và gần lãnh thổ Nga, căn cứ không quân này đã tổ chức một số nhiệm vụ Kiểm soát trên không tăng cường do NATO điều hành, bao gồm cả phiên bản năm nay, hoan nghênh việc triển khai máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet của Phần Lan lần đầu tiên.

Thông tin về việc mở rộng căn cứ Kogălniceanu nổi lên từ hồi tháng 3 năm nay, được gọi là căn cứ quân sự NATO lớn nhất ở châu Âu, đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Moscow, với việc Thượng nghị sĩ Nga Andrei Klimov cảnh báo rằng căn cứ quân sự “chống Nga” càng lớn và càng gần biên giới Nga thì “càng có nhiều khả năng trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên cho các cuộc tấn công trả đũa”.

Minh Đức (Theo Defense News)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/romania-bat-dau-mo-rong-can-cu-khong-quan-gan-bien-gioi-ukraine-a668439.html