Romania chi 1 tỷ euro mua siêu tăng M1A2 Abrams

Romania ngày 16/5 thông báo sẽ đặt mua 54 chiếc siêu tăng hiện đại M1A2 Abrams từ Mỹ. Số chiến xa này sẽ giúp nâng cao sức mạnh lục quân của nước này.

Vào đầu tháng 4 năm 2022, Bộ Quốc phòng Romania đã yêu cầu lãnh đạo Quốc hội phê duyệt trước việc mua 54 siêu tăng M1A2 Abrams từ Mỹ.

"Chúng tôi yêu cầu sự chấp thuận trước của Quốc hội để bắt đầu thủ tục trao hợp đồng liên quan đến chương trình mua xe tăng hiện đại M1A2 Abrams, cũng như đạn dược và thiết bị huấn luyện từ Mỹ", yêu cầu của Bộ Quốc phòng Romania nêu rõ.

Việc mua 54 siêu tăng M1A2 Abrams cùng với các thiết bị và dịch vụ đi kèm ước tính trị giá khoảng 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD).

Romania có thể trở thành nhà sử dụng siêu tăng M1A2 thứ hai ở châu Âu sau khi chính phủ Ba Lan ký thỏa thuận trị giá khoảng 4,75 tỷ USD để mua 250 chiếc M1A2 Abrams vào tháng 4 năm 2022.

Tháng 1 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã đặt hàng thứ hai, trị giá khoảng 1,4 tỷ USD để mua 116 chiếc M1A1 Abrams đã qua sử dụng từ Mỹ.

Các chuyên gia quân sự đồng nhận định, M1A2 Abrams là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất thế giới hiện nay.

Được bọc giáp tốt, trang bị hỏa lực mạnh, hiện đại cùng với sức cơ động nhanh, M1A2 Abrams đã thể hiện xuất sắc trong nhiều cuộc xung đột..

Khi đối đầu với các xe tăng, T-55, T-72 của Iraq, không khó để những chiếc M1A2 Abrams Mỹ áp đảo hoàn toàn.

M1A2 Abrams là phiên bản nâng cấp từ loại xe tăng chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1980, theo thiết kế của Chrysler Defense.

Trong bảng xếp hạng xe tăng, M1A2 Abrams ra đời vào năm 1992 luôn nằm trong top những chiếc xe tăng mạnh nhất hành tinh

Xe tăng M1A2 Abrams trang bị pháo 120mm có khả năng bắn nhiều loại đạn trong đó có loại đạn xuyên động năng với lõi làm bằng uranium siêu cứng đủ sức xuyên thủng mọi loại xe tăng hiện đại ngày nay.

Bên cạnh đó nó còn có một khẩu súng máy phòng không 12,7mm và một khẩu súng máy đồng trục 7,62mm cung cấp hỏa lực phụ trợ mạnh mẽ.

Nhờ được trang bị động cơ tuốc bin khí có công suất đến 1.500 mã lực, chiếc xe tăng này có khả năng cơ động rất tốt trên chiến trường.

Khi đánh giá về một chiếc xe tăng, có 4 tiêu chí để đánh giá là động cơ khỏe, hỏa lực mạnh mẽ, hệ thống phòng vệ chủ động linh hoạt và cuối cùng là hệ thống giáp tốt để chống lại hỏa lực chống tăng.

Xe tăng M1A2 Abrams có đấy đủ những tiêu chí này khi chúng có động cơ lớn, hỏa lực mạnh với pháo 120mm được số hóa, hệ thống phòng thủ chủ động (APS) Trophy-A và giáp Uranium nghèo siêu cứng.

Tuy vậy khi bán cho một số đồng minh cụ thể là Iraq thì giáp Uranium nghèo đã bị lược bỏ, hệ thống phòng vệ chủ động cũng không có. Điều này giải thích việc các xe tăng M1A2 Abrams liên tục bị bắn cháy trên chiến trường.

M1A2 Abrams có gói Tăng cường Hệ thống phiên bản 3 (SEPv3), còn gọi là M1A2C, đây là biến thể mới nhất của dòng xe tăng chủ lực này.

Biến thể này được khắc phục nhiều vấn đề về không gian bên trong xe, trọng lượng và hỏa lực của xe tăng M1A2 Abrams, từng được bộc lộ trong Chiến dịch Tự do Iraq (2003-2011).

M1A2 SEPv3 tăng cường khả năng sống sót cho kíp lái, được lắp động cơ mới, cùng pháo chính có độ chính xác cao hơn nhờ sử dụng các loại đạn thông minh.

Ngoài lớp giáp được gia cố, khả năng phòng thủ của M1A2 SEPv3 được tăng cường bằng hệ thống gây nhiễu nhằm chống lại các thiết bị nổ cải tiến kích hoạt bằng sóng vô tuyến.

Biến thể M1A2 SEPv3 cũng được trang bị thêm loạt thiết bị gồm máy đo xa laser mới, camera màu, cảm biến khí tượng tối tân, máy thu tín hiệu cảnh báo laser và đạn 120 mm đa năng với sức công phá cao hơn.

Ngoài ra, xe cũng được tăng cường loại giáp phản ứng nổ ERA.

Biến thể này cũng tiếp tục được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Trophy-A nổi tiếng của Israel.

Về cấu hình của Trophy trên M1 Abrams gồm hệ thống radar trinh sát, cụm thiết bị đánh chặn. Tất cả được tích hợp trong một khối thiết bị modul được gắn thêm vào hai bên tháp pháo của M1 Abrams.

"Mắt thần" của Trophy là hệ thống radar EL/M-2133, có nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối nguy cơ.

Mỗi hệ thống Trophy APS đều có 4 radar EL/M-2133 được đặt xung quanh xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, nó còn được hỗ trợ bởi các cảm biến cực nhạy.

Khi tên lửa hay đạn rocket chống tăng tấn công vật chủ và bị radar EL/M-2133 phát hiện, hệ thống máy tính của Trophy sẽ phán đoán ngay quỹ đạo bay, góc độ mà quả đạn lao tới.

Từ đó phóng đạn đánh chặn về phía tên lửa chống tăng nhằm vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn.

Xe tăng M1A2 SepV3 được trang bị đạn chống tăng thế hệ mới BOPS M829A4.

Với loại đạn này, phía Mỹ cho rằng, họ có khả năng hạ gục được ngay cả loại xe tăng hiện đại nhất của Nga T-14 Armata (có hệ thống phòng thủ chủ động Afganit) chỉ bằng một phát bắn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/romania-chi-1-ty-euro-mua-sieu-tang-m1a2-abrams-post540686.antd