Romania và Hungary chưa có kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa
Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hungary và Romania chưa có kế hoạch nới lỏng phong tỏa, trái lại thắt chặt biện pháp ngăn chặn.
Trong khi một số nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa thì Quốc hội Romania hôm qua (16/4) thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày. Ở một diễn biến tương tự, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Hungary cũng cho biết sẽ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 1 tuần.
Trong phiên họp trực tuyến diễn ra hôm 16/4, Quốc hội Romania đã thông qua sắc lệnh của Tổng thống Klaus Iohannis về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày, tức là đến trung tuần tháng 5 khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan.
Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua cũng đi kèm với một số điều kiện nhất định, bao gồm việc chính phủ sẽ phải đệ trình báo cáo hàng tuần về các biện pháp áp dụng và Tòa án kiểm toán sẽ kiểm tra các chi phí phát sinh của cơ quan cầm quyền trong giai đoạn này. Tại Romania, tổng số ca mắc Covid-19 hiện ở mức 7.707 người, trong đó có 392 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có đến 980 bác sỹ, y tá và nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Y tế Hungary cũng đã cho phép mở rộng đối tượng xét nghiệm, bao gồm người hiến tạng, bệnh nhân ung thư không có triệu chứng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, phụ nữ có thai trong diện cách ly và nhân viên các trại dưỡng lão. Ông cũng cảnh báo số ca nhiễm tại Romania có thể chạm mốc 20.000 nếu mọi người không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội trong dịp lễ Phục sinh.
Cũng trong hôm qua (16/4), Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Gulyas thông báo nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa thêm 1 tuần tính từ ngày mai (18/4) để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Trước đó, lệnh phong tỏa được ban bố hôm 28/3 và dự kiến kết thúc vào ngày 11/4, tuy nhiên sau đó chính phủ đã quyết định duy trì vô thời hạn quy định này và sẽ xem xét việc điều chỉnh hàng tuần. Trong khi đó, chính quyền các thành phố sẽ được phép áp đặt những hạn chế riêng vào cuối tuần nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng địa phương.
Cũng theo ông Gulyas, nhiều khả năng dịch Covid-19 tại Hungary sẽ đạt đỉnh trong tháng 5/2020 và bởi vậy, việc cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tại thời điểm này là chưa phù hợp. Tính đến hết hôm qua (16/4), Hungary đã có 1.652 ca nhiễm, trong đó có 142 người tử vong. Trong số ca nhiễm SARS-CoV-2, có khoảng 150 cho đến 200 người là nhân viên y tế./.