Rộn rã chiếu chèo ở Xuân Khê
Hát chèo, hát dân ca đã hiện diện trên mảnh đất Xuân Khê (Lý Nhân) từ xa xưa. Những năm qua, song song với phát triển kinh tế, Xuân Khê còn đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa.
Câu lạc bộ Hát dân ca và chèo thôn Thượng Châu, xã Xuân Khê (Lý Nhân) đang hăng say tập luyện vở chèo mới.
“Quê hương tôi ngan ngát màu xanh hoa lá/ Sóng lúa dập dìu đàn cá đua bơi/Cây ăn quả hoa trái trĩu cành/Đàn ong mật thi nhau xây tổ ấm/Cây ăn quả tăng nguồn hàng hóa/ Xóa đói giảm nghèo đời sống nâng cao…” – đó là những ca từ mượt mà, đằm thắm trong ca khúc “Quê hương đổi mới” do các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Hát dân ca và chèo thôn Thượng Châu, xã Xuân Khê sáng tác và đang say sưa tập luyện để biểu diễn trong dịp lễ kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) sắp tới do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức.
Những ngày này, không khí làng quê trở nên rộn rã hơn bởi tiếng trống, phách cùng những âm điệu chèo giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều năm liền trong vai trò là nhạc công, nhà biên kịch trong CLB, anh Ngô Hoàng Long (thôn Thượng Châu) chia sẻ: Nhờ có lực lượng đông đảo các thành viên nhiệt tình, say mê nghệ thuật chèo truyền thống nên trong quá trình tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ, cùng với việc tái hiện các trích đoạn kinh điển như: “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Xúy Vân”, “Kim Nha”, “Tống Trân Cúc Hoa”…, các thành viên không chuyên của CLB Hát dân ca và chèo thôn Thượng Châu còn tự biên, tự diễn hàng trăm tiểu phẩm, trích đoạn mới phù hợp với từng chủ đề khác nhau trong năm như: “Hội làng”, “Xuân Khê kiểu mẫu”, “Tiễn anh lên đường”, “Trăng Thu nhớ Bác”… Từ đầu năm 2019 đến nay, CLB đã giao lưu, tham gia gần chục hội thi văn nghệ, hát chèo các cấp với đa dạng tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, lòng tự hào về quê hương Xuân Khê đổi mới, phát triển… và đều đạt giải cao.
Dù là những nghệ sĩ, diễn viên không chuyên nhưng khi xem các thành viên của CLB tập luyện, biểu diễn, chúng tôi thấy rõ sự trau chuốt, mượt mà được thể hiện trong từng ca từ. Những ca khúc mới có ý hay, tứ lạ, thấm đẫm tình quê, mang tính thời sự và giá trị nhân văn sâu sắc được CLB tập luyện một cách bài bản. Được biết, CLB Hát dân ca và chèo thôn Thượng Châu được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, thu hút gần 100 thành viên trong độ tuổi từ 9 đến ngoài 70 tuổi tham gia.
Bà Trần Thị Len (73 tuổi) – một trong những thành viên cao tuổi nhất của CLB cho hay: Ban ngày, các thành viên trong CLB đều bận rộn với công việc đồng áng hay đi làm công nhân. Thế nhưng tối đến, ai nấy đều nhanh chóng thu xếp việc gia đình rồi gọi nhau ra nhà văn hóa thôn cất vang tiếng hát. Những đợt chuẩn bị biểu diễn, chúng tôi còn thu xếp công việc hàng ngày để dành cho văn nghệ. Toàn bộ kinh phí tập luyện, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn… đều do các thành viên của CLB tự nguyện đóng góp và vận động nguồn xã hội hóa. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ai cũng say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình nâng cao đời sống tinh thần cho bà con trong thôn.
Để bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo, năm 2018 xã Xuân Khê đã thành lập, kiện toàn 8 CLB Hát dân ca và chèo, trong đó có 3 CLB quy mô xã và 5 CLB tại các thôn, xóm. Được biết, trước khi thành lập các CLB này, những người nông dân yêu nghệ thuật chèo và hát dân ca của xã Xuân Khê tổ chức tập luyện và biểu diễn dưới hình thức các đội, nhóm văn nghệ tại các xóm trên địa bàn xã. Vào dịp đầu Xuân năm mới hay trong những ngày hội làng truyền thống, các CLB Hát dân ca và chèo ở Xuân Khê đều đóng góp lời ca tiếng hát của mình để chào mừng. Không những thế, “tiếng thơm” chiếu chèo Xuân Khê hiện đã được truyền đi khắp nơi. Các CLB được mời đi biểu diễn tại các xã trong huyện cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh nhân những dịp lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước.
Nói về phong trào văn nghệ của quê hương mình, ông Ngô Văn Dư, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khê cho biết, người dân trong xã không ai rõ chiếu chèo ở Xuân Khê hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng, trẻ em cứ tầm tuổi lên bảy, lên tám thì đều hát được vài điệu chèo cơ bản. Và từ bao đời nay, hát chèo và hát dân ca đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân trong xã. Bình quân mỗi tuần các CLB đều tổ chức tập luyện từ 1-2 buổi tối. Điều đáng mừng là các CLB đều đặt ra mục tiêu mỗi năm học hát được từ 2 đến 3 làn điệu mới. Bên cạnh đó, hầu hết các CLB còn quan tâm tổ chức truyền dạy hát cho các thế hệ trẻ. Nhờ đó, các CLB Hát dân ca và chèo trên địa bàn xã hiện nay đều đã quy tụ được những diễn viên nhí có niềm đam mê hát chèo.
Đến thăm và tận mắt chứng kiến chương trình tập luyện của các CLB Hát dân ca và chèo ở Xuân Khê thấy rõ, dù không có trống, đàn chuyên nghiệp như một số chiếu chèo nổi tiếng khác nhưng những thành viên của các CLB vẫn nhiệt tình, dành nhiều thời gian và tâm huyết để thể hiện một cách “tròn trịa” nhất những làn điệu chèo cổ. Không những thế, đội ngũ ca sĩ, diễn viên không chuyên còn đặt nhạc chuông điện thoại bằng tiếng hát chèo mượt mà, truyền cảm.
Thế mới thấy, những “nghệ sĩ” nông dân nơi đây yêu và say mê hát chèo đến nhường nào. Nhờ đó mà loại hình nghệ thuật chèo truyền thống ở Xuân Khê không những được bảo tồn mà còn phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/van-hoa/am-nhac/ron-ra-chieu-cheo-o-xuan-khe-19746.html