Những ngày này, khi hương xuân đang len lỏi khắp các phố phường, làng quê thì những phiên chợ Tết vẫn mang nét đẹp rất riêng. Dù ngày nay cuộc sống của người dân đã đô thị hóa nhiều, những phiên chợ quê cũng thay đổi theo từng ngày, nhưng vẫn còn những nét cổ xưa được giữ lại cho đến ngày nay.
Bước chân qua cổng làng, ngay dưới tán cây um tùm là ngôi chợ cổ của làng Ước Lễ, hay còn gọi là chợ Chảy (xã Tân Ước, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Chợ nằm đối diện với đình làng và vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính xa xưa.
Những người cao tuổi trong làng cho biết, chợ cổ này đã có hơn 100 năm nay. Trước đây, chợ họp cả ngày nhưng nay chỉ hoạt động từ gần 6h-8h sáng, sau 8h, chợ không còn một bóng người. Tại đây chủ yếu bán các loại thực phẩm, nông sản “cây nhà lá vườn” phục vụ người dân trong làng.
Dưới cơn mưa phùn lây phây và cái rét như cắt da cắt thịt, 5h30 sáng đã lác đác người mua, kẻ bán. Tầm 6h sáng, chợ quê này đã đông đúc, nhộn nhịp. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói cười rổn rảng, tiếng chào mời mua hàng khiến góc chợ quê vốn yên ả bỗng chốc rộn rã, náo nhiệt hẳn lên.
Phần lớn sản phẩm được bày bán tại chợ đều do người dân làm ra rồi mang đi bán, nhiều khi chỉ là 1 chiếc mẹt nhỏ với vài củ su hào, mấy mớ rau hay chục quả trứng. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng những người bán hàng đều cảm thấy vui vì đến đây họ thấy mình được làm việc, được giao lưu và gặp gỡ nhiều người.
Theo quan sát của PV, ngôi chợ hàng trăm năm tuổi này chỉ có các bà, các cô đến giao thương buôn bán. Có những cụ bà 80-90 tuổi nhưng rất minh mẫn, hàng ngày vẫn dậy sớm và đến đây bán hàng.
Cụ bà này mang đến chợ vài bó lá dong và kiên trì ngồi đợi khách đến hỏi mua.
Có người mang đến chợ bán chỉ vài ba túi bỏng ngô cùng với vài túi bánh quy nhà làm.
Góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những sạp vàng hương hay những hàng cam quýt của các bà, các cô. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.
Đi chợ quê, ngoài mua sắm thì đây cũng là dịp để thưởng thức chút quà quê, đó là hàng quà bánh với đủ các loại như bánh chưng, bánh nếp, bánh rán, bánh đúc, bánh cuốn, chè lam hay những mẩu sắn luộc đầy hấp dẫn.
Những món quà quê ấy không mấy ai dễ bỏ qua.
Nét đặc biệt ở chợ quê đó là hầu hết mọi người đều biết nhau nên không có sự kèn cựa, bon chen hay tranh giành khách, vẻ mặt của ai cũng tươi vui, rạng rỡ.
Phiên chợ ngày tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật quê nhà mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Chợ quê cũng là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn.
Bà Đặng Thị Dui (85 tuổi) cho biết, khi bà được sinh ra, chợ Chảy đã có rồi. Theo thời gian, ngôi chợ này đã trở nên rêu phong và cổ kính. Bà bán hàng ở đây đã hơn 50 năm nay. Ngày nào cũng vậy, bà mang vài túi mỡ lợn đã được chế biến ra chợ và ngồi bán. Có ngày may mắn thì bán hết hàng, có ngày không bán được hết lại mang về và để lại cho phiên chợ ngày hôm sau.
Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui, không khí Tết đến gần khiến cho cả khu chợ quê thêm rộn ràng nhưng rất yên bình.
Ngày nay, do công nghệ số phát triển, chỉ cần một thao tác đặt hàng trên điện thoại hay máy tính, hàng hóa sẽ được vận chuyển đến tận nhà. Thế nhưng, mỗi khi Tết đến, ai cũng nôn nao được về nhà, về quê và vẫn thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ lẽo đẽo đi sau lưng mẹ.
Dẫu cuộc sống hiện tại đã có nhiều đổi thay nhưng những phiên chợ quê ngày tết vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người mỗi dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi con người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của một mùa xuân mới đang đến.
Thủy Hà/VOV.VN