Rộn ràng đón chào Xuân mới

Xuân Tân Sửu 2021 đến trong tiết trời nắng đẹp, ấm áp, mở đầu một năm mới với những hy vọng tốt lành tới người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ðón Tết trong bối cảnh đặc biệt là cả nước đang thực hiện chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với những diễn biến rất phức tạp, người dân đều có ý thức tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Ngay trong những ngày đầu năm mới đã có những tín hiệu lạc quan về kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao và đặc biệt là không khí hân hoan đón chào năm mới, mừng Ðại hội XIII của Ðảng thành công rất tốt đẹp, mừng Xuân, mừng đất nước.

Pháo hoa chào đón Xuân Tân Sửu 2021 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Pháo hoa chào đón Xuân Tân Sửu 2021 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Xuân Tân Sửu 2021 đến trong tiết trời nắng đẹp, ấm áp, mở đầu một năm mới với những hy vọng tốt lành tới người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ðón Tết trong bối cảnh đặc biệt là cả nước đang thực hiện chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với những diễn biến rất phức tạp, người dân đều có ý thức tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch. Ngay trong những ngày đầu năm mới đã có những tín hiệu lạc quan về kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao và đặc biệt là không khí hân hoan đón chào năm mới, mừng Ðại hội XIII của Ðảng thành công rất tốt đẹp, mừng Xuân, mừng đất nước.

Ðêm 30 Tết, tiết trời Thủ đô Hà Nội se lạnh, thuận lợi cho các hoạt động đón Tết, vui Xuân. Khác với mọi năm, trong thời khắc chuẩn bị đón Giao thừa, đường phố vắng vẻ hơn bởi Thủ đô Hà Nội cùng cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các chương trình nghệ thuật chào năm mới phải tạm dừng. Khoảng từ 21 giờ 30 phút trở đi, lượng người đến hồ Hoàn Kiếm mới bắt đầu đông đúc. Người dân đều đeo khẩu trang và tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch. Hà Nội hủy bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại 29 địa điểm, chỉ thực hiện tại một điểm duy nhất là Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) nhưng hạn chế người xem tại chỗ, để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân cả nước qua màn ảnh nhỏ. Người dân Thủ đô vẫn đến các di tích, các điểm vui chơi công cộng, nhưng ít hơn mọi năm. Tại tất cả các di tích, Ban Quản lý di tích phối hợp chính quyền địa phương tổ chức giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu khách vào đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mọi người xếp hàng giữ khoảng cách chờ đến lượt xin chữ, không còn cảnh chen chúc như mọi năm. Trong không khí phấn khởi của năm mới, bác Trương Kim Dung (phố Giảng Võ, quận Ba Ðình) cho biết: "Thế giới đã chứng kiến kỳ tích chống dịch và phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trong năm qua. Bởi vậy, tôi tin rằng, chúng ta sẽ sớm một lần nữa vượt qua đại dịch để đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội".

Tại TP Hồ Chí Minh, thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí trong dịp Tết đều dừng hoạt động. Không khí ngày xuân trên địa bàn thành phố vì thế cũng trở nên trầm lắng hơn mọi năm. Những ngày Tết Tân Sửu, người dân thành phố chỉ có thể đến tham quan Ðường hoa và Ðường sách Tết Tân Sửu tại đường Nguyễn Huệ, quận 1. Người dân tuân thủ chặt chẽ quy định về phòng, chống dịch. Từ lối vào cổng Ðường hoa, người dân xếp hàng theo quy định, rửa tay sát khuẩn và được đo thân nhiệt trước khi vào tham quan và chỉ di chuyển một chiều từ lối vào cho đến hết Ðường hoa. Trong suốt thời gian tham quan Ðường hoa, người dân không được bỏ khẩu trang, kể cả lúc chụp hình. Chị Nguyễn Thị Mai (quận 4) cho biết: Ðường hoa Nguyễn Huệ năm nay được thiết kế hiện đại hơn, lối đi thoáng, nhiều tiểu cảnh, đại cảnh sinh động tạo điều kiện cho du khách chụp ảnh. Lượng khách tham quan Ðường sách Tết Tân Sửu không đông bằng mọi năm, số lượng sách trưng bày tại Ðường sách cũng ít hơn, nhưng việc bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện rất nghiêm túc.

Ðà Nẵng năm nay đón Tết trong nắng ấm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ðà Nẵng hủy chương trình bắn pháo hoa đêm Giao thừa và dừng nhiều sự kiện văn hóa - giải trí thường niên, nên không khí đón mừng năm mới trên các phố phường trở nên vắng hơn. Ðường hoa Tết Tân Sửu 2021 ở Ðà Nẵng có 15 vị trí trang trí hoa dọc hai bờ sông Hàn và một số tuyến đường trung tâm. Sau thời khắc Giao thừa, hàng nghìn người dân Ðà Nẵng đến các chùa để hái lộc, cầu năm mới an lành, may mắn và hạnh phúc. Sáng mồng 1 Tết, phố phường Ðà Nẵng bừng sáng bởi ánh nắng rực rỡ, bởi cờ, hoa, băng-rôn khẩu hiệu. Anh Phan Thế Vinh, một người dân Ðà Nẵng đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Gia đình tôi về quê đón Tết, nhưng cũng hạn chế ra đường, chủ yếu đi thăm người thân, lên chùa dâng hương và đi chụp ảnh. Chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường".

Tại TP Hải Phòng, Giao thừa Tết Tân Sửu là thời khắc đặc biệt và đáng nhớ với nhiều người dân thành phố Cảng. Không có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật sôi động, không có cảnh ồn ã, háo hức của hàng chục nghìn người dân đua chen chờ đợi màn pháo hoa đón giao thừa như mọi năm. Thay vào đó, trong giây phút Giao thừa đẹp trời, người dân được thưởng thức màn pháo hoa rực rỡ được truyền hình trực tiếp từ một điểm bắn duy nhất tại Khu du lịch quốc tế Ðồi Rồng (quận Ðồ Sơn). Cùng với đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc chào đón Xuân mới được ghi hình từ trước phát trên truyền hình. Người dân đất Cảng nghiêm túc tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19, tự giác không tập trung đông người. Hải Phòng vẫn duy trì các hoạt động của các chốt kiểm soát y tế nhằm bảo đảm an toàn, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch. Ngày mồng 1 Tết, một số đình, chùa mở cửa, nhưng không tập trung đông người, mọi người đều được yêu cầu thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Thừa Thiên Huế, đêm Giao thừa 30 Tết Tân Sửu không pháo hoa, không chương trình nghệ thuật… nhưng dòng người vẫn đổ ra các khu công cộng để vui chơi và chúc nhau năm mới với những ước nguyện an lành, yên vui. Mọi người đều đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19. Ðêm Giao thừa trời tạnh ráo, se lạnh. Quanh các khu vui chơi, cơ quan chức năng bố trí rất nhiều bảng khuyến cáo, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Dù không có pháo hoa và các chương trình nghệ thuật, nhưng nhiều người dân vẫn cảm nhận được thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới. Ðêm 30 Tết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo TP Huế đã dự bữa cơm tất niên, đón giao thừa với một số hộ dân ở Khu tái định cư Bắc Hương Sơ - những công dân lần đầu tiên trong cuộc di dân lịch sử khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.

Người dân Lạng Sơn đón Tết Tân Sửu trong thời tiết nắng ấm, không khí chào đón năm mới hân hoan, vui tươi, nhộp nhịp... Tại TP Lạng Sơn, đêm Giao thừa không tổ chức bắn pháo hoa, dừng tổ chức chương trình văn nghệ, thay vào đó TP Lạng Sơn tổ chức một số hoạt động tại Công viên Chi Lăng như: Festival Hoa đào - Xuân xứ Lạng, khai trương Ðường hoa Xuân xứ Lạng và trao giải thưởng cuộc thi Vườn cây hoa đào đẹp và cây hoa đào đẹp xứ Lạng - Xuân Tân Sửu... Những hoạt động này tạo không gian văn hóa vui Xuân, đón Tết, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân và du khách. Tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Thành, chùa Nhị -Tam Thanh, đền Kỳ Cùng (TP Lạng Sơn), chùa Tân Thanh (Văn Lãng)... đông đảo bà con và khách thập phương đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ bờ cõi, biên cương Tổ quốc... Trên tuyến biên giới bà con các dân tộc đều đón Tết bình yên, vui tươi, lành mạnh.

Lào Cai đón Tết Tân Sửu trong thời tiết khô ráo, trời hửng nắng, bớt rét lạnh. Thực hiện phòng, chống Covid-19, Lào Cai dừng bắn pháo hoa và Chương trình nghệ thuật chào Xuân đêm Giao thừa, tuy nhiên không khí vui Xuân đón chào năm mới vẫn sôi động. Các tổ chức chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh đã hỗ trợ, trao hơn 29.000 suất quà Tết, trị giá hơn 20 tỷ đồng và nhiều vật dụng sinh hoạt, quần áo ấm đến các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Trong thời gian nghỉ Tết, hơn 9.000 cán bộ, công nhân, người lao động tại các Công ty luyện đồng Lào Cai, Công ty Apatít Cam Ðường, Công ty gang thép Việt - Trung… vẫn duy trì sản xuất liên tục. Ngay sáng mồng 1 Tết, tại Cửa khẩu đường bộ Kim Thành, đã thông quan 190 tấn thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Rất đông du khách đã đến khu du lịch Sa Pa nghỉ Tết và chinh phục đỉnh Phan Xi Păng. Trong hai ngày mồng 1 và mồng 2 Tết đã có hơn 3.000 du khách đến Sa Pa khám phá đỉnh Phan Xi Păng.

Thời tiết tại Hà Giang dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu ấm áp, thuận tiện cho người dân du Xuân. Sau thời khắc Giao thừa và trong cả ngày mồng 1, mồng 2 Tết, người dân ở thành phố và các huyện lân cận đến chùa Sùng Khánh, chùa Quan Âm, đền Mẫu… để cầu một năm mới bình an. Người dân đi du Xuân, đi chúc Tết hay đi lễ chùa đều giữ ý thức phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Hà Giang vẫn duy trì hoạt động của 74 chốt kiểm dịch trên toàn tuyến biên giới và trên các tuyến đường trọng điểm.

Ðêm Giao thừa tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), người dân được thưởng thức Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội Giao thừa với chủ đề "Mừng Ðảng - Mừng Xuân Tân Sửu 2021" được tổ chức tại Công viên Võ Văn Kiệt. Ðể bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, TP Phan Thiết không tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty vào ngày mồng 2 Tết. Tuy nhiên, người dân và du khách vẫn có những địa điểm mới để tham quan, thưởng ngoạn và lưu lại những hình ảnh đẹp trong dịp Tết, đó là Ðường hoa Xuân Tân Sửu 2021. Ðường hoa trải dài từ vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng đến Quảng trường Nguyễn Tất Thành, với linh vật biểu trưng của năm Tân Sửu, với những hình ảnh quen thuộc gắn liền với hồi ức, kỷ niệm của người dân Phan Thiết.

Tết Tân Sửu 2021 rất đặc biệt với người dân Lâm Ðồng khi du Xuân, đón Tết trong tâm thế phòng, chống dịch Covid-19 và hoa mai anh đào bung cánh đúng dịp Tết, tô sắc hồng mùa xuân cao nguyên. Người dân Lâm Ðồng hân hoan đón Tết với bao kỳ vọng về bức tranh tươi sáng trên hành trình đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước. Ở TP Ðà Lạt, lâu lắm rồi người dân và du khách mới được chiêm ngưỡng hoa mai anh đào khoe sắc nhuộm hồng phố núi vào đúng dịp Tết cổ truyền. Tại không gian hoa mai anh đào bung nụ đón Xuân bên hồ Xuân Hương, nhiều người dân vui Xuân, đón Tết, nhưng cũng rất ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Do hạn chế tập trung đông người ở khu vực công cộng, lượng du khách đến xứ ngàn hoa Ðà Lạt Tết năm nay cũng giảm đáng kể.

Tại Ðồng Nai, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tối 30 Tết ở TP Biên Hòa lượng người đổ ra đường, đến các trung tâm vui chơi giải trí giảm nhiều so với mọi năm. Tại đường hoa Nguyễn Văn Trị, số lượng người dân đến chỉ còn khoảng một phần ba so với những năm trước, đa phần đều đeo khẩu trang, chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch. Trong đêm Giao thừa và ngày mồng 1 Tết, người dân đến các đình, chùa ở Ðồng Nai đều giảm so với những năm trước. Các ngành liên quan đã bố trí lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự và đặc biệt là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cần Thơ đón Tết Tân Sửu trong bối cảnh dừng bắn pháo hoa, không tổ chức các chương trình nghệ thuật đón Giao thừa, tránh tập trung đông người để chống dịch nên không khí ít náo nhiệt hơn mọi năm. Tuy nhiên, năm qua các hoạt động kinh tế của thành phố rất thành công, thời tiết thuận lợi nên nhà nông trúng mùa, nông sản có giá cao và ổn định nên sức mua sắm tăng cao trong dịp Tết. Nhiều hoạt động văn hóa có đầy đủ các biện pháp phòng dịch vẫn được duy trì, như: Phố ông Ðồ, trưng bày nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ, Hội báo Xuân Tân Sửu, các chùa chiền… Nét mới của TP Cần Thơ năm nay là các điểm du Xuân do người dân tổ chức như vườn hoa Tam giác mạch, vườn hoa Cánh Bướm tại quận Bình Thủy; phố ông Chảnh ở quận Cái Răng… thu hút người dân tham quan.

Tết Tân Sửu 2021 ở Cà Mau - vùng đất cực Nam, tràn ngập sắc xuân dưới thời tiết rất đẹp. Người dân đón Tết trong điều kiện bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu chống dịch. Tại TP Cà Mau, đường sá trang hoàng đẹp mắt, người dân đưa gia đình đi vui chơi, đón Xuân, chụp ảnh lưu niệm tại các công viên, Trung tâm thiếu nhi và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều tuyến phố và chợ đầu mối TP Cà Mau, đã có một số tiểu thương khai trương sớm, bày bán các mặt hàng thủy sản tươi sống và quán xá phục vụ ăn, uống cho người dân và du khách. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết: lượng khách trong hai ngày đầu tiên của năm mới đến các điểm du lịch, vui chơi giải trí ở Cà Mau khá thưa thớt, bình quân mỗi ngày chỉ khoảng 1.000 người, trong khi mọi năm bình quân mỗi ngày từ 2.000 - 3.000 người. Riêng Khu du lịch Mũi Cà Mau, trong ngày mồng 1 Tết chỉ đón khoảng 300 khách.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/ron-rang-don-chao-xuan-moi-635386/