Rộn ràng hội chơi bài chòi ngày xuân
Hơn 12 năm qua, hoạt động hô hát bài chòi vẫn được duy trì vào mỗi tối cuối tuần ở khu vực công viên bờ biển đối diện số 50 Trần Phú (TP. Nha Trang). Vậy nhưng, mỗi dịp đầu xuân, cảm xúc chơi hội bài chòi nơi đây vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt. Trong tiết trời se lạnh, mỗi tiếng hô, lời hát bài chòi như càng tô điểm không khí mùa xuân thêm rộn ràng.
Lẳng lặng mà nghe…
Trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi lại đến với hội bài chòi để được hòa mình vào hoạt động diễn xướng dân gian đặc trưng của người dân miền Trung, đã được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong tiếng nhạc rộn rã, những anh Hiệu, chị Hiệu vừa đi mời khán giả mua những tấm thẻ bài để chuẩn bị bước vào hội chơi, vừa cất lời ca với giai điệu mượt mà, nội dung dí dỏm nhằm thu hút nhiều người. Khi nghe câu “Kính thưa bà con/Phát bài đã đủ/Hiệu thủ bài tì/Ai thủ lá gì/Phải nghe cho rõ…”, cũng là lúc hội chơi bài chòi bắt đầu. Khu vực chơi bài chòi gồm có 9 chòi canh để người chơi ngồi lên, giữa sân để ống thẻ bài và lần lượt các anh Hiệu, chị Hiệu rút ra từng thẻ một cách ngẫu nhiên. Rút được thẻ về con bài nào, Hiệu lại cất lên một câu hát để minh họa cho đặc điểm của con bài đó. Chẳng hạn, khi rút được con tứ giống, Hiệu hát “Hiền lành cả mẹ lẫn cha/Các con cũng giống, cửa nhà ở yên/Mẹ cha ăn ở không hiền/Các con giống cọp, không yên cửa nhà”. Hay khi rút được con lục trạng thì Hiệu lại hát “Có giỏi thì cứ việc làm/Chỉ giỏi cái miệng, ai cần đến anh/Có học thì phải có hành/Chớ có nói trạng thì gà sanh hóa chồn”. Nếu rút được con cửu chùa, Hiệu sẽ có đoạn hát với nội dung nói về chuyện ngủ trưa như sau: “Con gái mà chẳng biết lo/Ăn rồi ngủ nướng, dậy đo mặt trời/Áo quần thì rách tả tơi/Cơm ăn không đủ vẫn không rời ngủ trưa/Sớm chiều nhộn nhịp cả nhà/Trưa thì im lặng để ông bà ngủ trưa/Các cháu có nhớ hay chưa/Người già thường phải ngủ trưa để dưỡng già”…
![Quang cảnh hội chơi bài chòi ở khu vực gần Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_435_51423312/00dda79d9ed3778d2ec2.jpg)
Quang cảnh hội chơi bài chòi ở khu vực gần Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025.
Một điểm ấn tượng trong việc hô hát các con bài, đó là trước lúc hát nội dung con bài đã rút, bao giờ anh Hiệu, chị Hiệu cũng vào đầu bằng câu: “Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe/Lẳng lặng mà nghe là tôi hô con bài/Con gì nó ra đây…”. Và cứ như thế, mỗi anh Hiệu, chị Hiệu thay phiên nhau rút ra các con bài, rồi hô hát, cho đến lúc nào có một người chơi nhận đủ được 3 con bài giống với những con bài mình đã mua thì hội chơi bài chòi kết thúc. Sau khi kiểm tra lại các con bài đã trúng, người chơi được các anh Hiệu, chị Hiệu thực hiện thủ tục mời trầu, mời rượu, hát chúc mừng và gửi tiền thưởng. Làm thủ tục trao giải xong, anh Hiệu, chị Hiệu lại đi mời người chơi mua thẻ bài cho hội chơi mới. Nội dung những câu hát liên quan đến những con bài đều chứa đựng sự gửi gắm, răn dạy của người xưa về các mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Ở đó, vừa có sự châm biếm, đả kích, nhưng cũng có lời tâm tình để mỗi người tự soi lại mình. Những lời đó được kết hợp với các làn điệu bài chòi như: Cổ bản, xuân nữ, xàng xê, hò quảng đã tạo nên nét đặc trưng của hội chơi bài chòi. “Tôi thấy hội chơi bài chòi này khá là vui. Đến đây, mọi người vừa nghe đàn, nghe hát, vừa theo dõi những con bài của mình đã chọn xem có trúng không. Nếu trúng thì đó là sự may mắn đầu xuân, nếu không thắng thì cũng là một trải nghiệm vui vẻ”, anh Nguyễn Đức Phương (khách du lịch đến từ Hà Nội) cho biết.
Quảng bá di sản thế giới
Tỉnh Khánh Hòa là 1 trong 9 địa phương có di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn bài chòi đã được UNESCO vinh danh. Trong hơn 7 năm qua, ngành Văn hóa tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản theo đúng cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc. Hội chơi bài chòi xuân Ất Tỵ 2025 do các nghệ sĩ, nghệ nhân của Câu lạc bộ Bài chòi Khu V (thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) đảm nhận. “Chúng tôi rất vui khi được giao nhiệm vụ thực hiện việc trình diễn, hô hát bài chòi phục vụ người dân và du khách trong những ngày đầu xuân mới. Từ tối mùng 1 Tết đến tối mùng 10 tháng Giêng, trong khoảng thời gian từ 18 giờ 30 đến 20 giờ mỗi ngày, chúng tôi lại có mặt để phục vụ khán giả. Lượng người xem và người chơi nhiều ít khác nhau tùy thời điểm, nhưng nhìn chung những ai đã dành thời gian ghé lại không gian hội chơi bài chòi đều cảm nhận được niềm vui, cũng như biết thêm về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này”, NSƯT Bích Vương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi Khu V chia sẻ.
![Quang cảnh hội chơi bài chòi ở khu vực gần Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_435_51423312/31f388b3b1fd58a301ec.jpg)
Quang cảnh hội chơi bài chòi ở khu vực gần Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025.
Với 15 thành viên, Câu lạc bộ Bài chòi Khu V là nơi sinh hoạt của những người đã từng là nghệ sĩ bài chòi chuyên nghiệp, cũng như những người đam mê với loại hình nghệ thuật này. Thành viên của Câu lạc bộ Bài chòi Khu V có người ở Nha Trang, có người sinh sống ở thị xã Ninh Hòa, nhưng tất cả đều có điểm chung chính là tình yêu, niềm vui khi có những khoảng thời gian ý nghĩa được gần gũi và phục vụ khán giả. “Dù đã về nghỉ theo chế độ, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghệ thuật bài chòi. Mỗi dịp có hoạt động biểu diễn văn nghệ, chúng tôi đều cố gắng hết mình để gửi tới khán giả những tiết mục tốt nhất. Được tham gia vào hoạt động hô hát bài chòi này đúng sở trường của chúng tôi, nhưng vẫn có nhiều điều chúng tôi phải thay đổi chính mình. Bởi khi hô hát như thế này thì sự tương tác, giao lưu với khán giả phải trở nên gần gũi hơn, nhiệt tình hơn mới có thể thu hút khán giả cùng tham gia với mình”, NSƯT Bích Thủy cho biết.
Sau mỗi hội chơi, dù thắng cuộc hay không người chơi đều cảm thấy vui vẻ. Thậm chí khách chơi còn lì xì lại cho những anh Hiệu, chị Hiệu để lấy may mắn đầu năm. Một lần đến với hội chơi bài chòi để cảm nhận cái không khí, nét tinh tế của người xưa truyền lại mới hiểu hơn, tự hào hơn về loại hình di sản văn hóa độc đáo của người dân Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh, thành phố miền Trung nói chung.