Rộn ràng hội chơi bài chòi xuân
Những ngày đầu xuân Quý Mão, không gian hội bài chòi cổ dân gian bên cạnh Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang) lại rộn ràng tiếng trống, tiếng hô hát bài chòi hàng đêm. Đông đảo người dân và du khách đã ghé lại nơi đây để xem, để chơi và hiểu biết hơn về một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đang được gìn giữ, bảo tồn.
Hơn 10 năm nay, phố biển Nha Trang luôn duy trì hoạt động diễn xướng bài chòi dân gian tại khu vực công viên bờ biển. Cứ vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ bài chòi cổ Khánh Hòa (trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) lại ra đây để hô hát, diễn xướng phục vụ khán giả. Đặc biệt, mỗi dịp đầu xuân, không khí của hội chơi bài chòi nhộn nhịp, hào hứng hơn nhiều. “Những ngày đầu năm mới, lượng khách đến xem hội chơi bài chòi xuân đông hơn, người tham gia chơi cũng nhiều hơn. Bình thường, chúng tôi chỉ hô hát khoảng 90 phút, ngày Tết thì thời gian chơi dài hơn nhiều. Được đem di sản văn hóa của ông cha để lại phục vụ khán giả, mỗi thành viên trong câu lạc bộ đều cảm thấy rất tự hào, nhất là khi nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của khán giả”, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi cổ Khánh Hòa chia sẻ.
Hội bài chòi xuân năm nay diễn ra từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng. Trong không gian được bao quanh bởi 9 chòi chơi, các nghệ nhân bài chòi lại hô hát phục vụ khán giả. Khi nghe câu hô “Kính thưa bà con/Phát bài đã đủ/Hiệu thủ bài tì/Ai thủ lá gì/Phải nghe cho rõ…” cũng là lúc hội chơi bài chòi xuân bắt đầu. Tiếp đó, lần lượt các anh Hiệu, chị Hiệu luân phiên rút từng quân bài đựng trong ống đặt giữa sân chơi. Rút trúng quân nào, Hiệu lại hát một câu có nội dung liên quan đến nhân vật trong quân bài rồi hô lên cho người chơi biết. Chẳng hạn, khi rút trúng quân Nhứt trò thì Hiệu hát: “Mùng một là Tết nhà cha/Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy/Công thầy chỉ bảo dạy bày/Ông to, bà lớn trước đây cũng học trò”. Hoặc khi rút trúng quân Tứ cẳng, lại có câu hát: “Nhức đầu, đau bụng vợ chăm/Vắng nhà một chút vợ hỏi thăm hỏi dò/Vợ đẻ thì tôi phải lo/Đi lên chợ tỉnh mua 4 cái giò cho vợ ăn”… Cứ như thế, lần lượt các Hiệu rút và hát hô các quân bài cho đến lúc có người chơi đủ cả 3 quân thì hết một lượt chơi. Người thắng cuộc được Hiệu dâng rượu, mời trà, trao tiền thưởng và hát những lời chúc mừng. Người chơi thắng cuộc cũng hào sảng lì xì lại cho Hiệu để lấy may trong những ngày đầu năm mới.
Nội dung những câu hát liên quan đến các nhân vật trong hội chơi bài chòi đều chứa đựng sự gửi gắm, răn dạy của người xưa về những mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Những lời đó được kết hợp với các làn điệu bài chòi, như: Cổ bản, xuân nữ, xàng xê, hò quảng đã thu hút người xem, người chơi. “Đây là lần đầu tôi tham gia trò chơi này. Cảm giác được ngồi trên chòi với những tấm thẻ bài, tay cầm mõ và nghe tiếng hát, tiếng hô từng quân bài thực sự rất phấn khích. Dù không thắng lượt chơi nào song tôi đã có được những phút giây hòa mình vào sinh hoạt văn hóa truyền thống”, anh Nguyễn Quang Bích - du khách đến từ TP. Hà Nội cho biết.
Một tín hiệu vui đối với di sản bài chòi ở xứ Trầm Hương là trong dịp Tết Quý Mão, ngoài việc biểu diễn phục vụ khán giả ở khu vực Quảng trường 2-4, các thành viên trong Câu lạc bộ bài chòi cổ Khánh Hòa còn được mời đi diễn tại một số khu du lịch lớn trên địa bàn TP. Nha Trang. Qua đó, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian của người dân miền Trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng được giới thiệu nhiều hơn đến du khách trong và ngoài nước.
Giang Đình
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202301/ron-rang-hoi-choi-bai-choi-xuan-8275531/