Rộn ràng Làng hoa giấy Thanh Tiên
Làng hoa giấy Thanh Tiên có truyền thống hơn 300 năm. Làng nằm ở phía hạ lưu sông Hương, thuộc xã phú Mậu, TP Huế, tỉnhThừa Thiên - Huế. Mỗi dịp Tết, làng Thanh Tiên lại sôi động hẳn lên bởi không khí làm việc rộn ràng của những người thợ và nghệ nhân làng hoa.
Ông Nguyễn Văn Hiến (59 tuổi, xã Phú Mậu) cho biết, năm nay gia đình ông làm khoảng 1.000 cặp hoa giấy thờ cúng phục vụ dịp tết và nhiều hoa dùng để trang trí khác. “Nghề làm hoa giấy khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Để có cành hoa giấy với năm màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, bắt đầu từ tháng 10 người thợ đã chuẩn bị tre và phơi khô, nhuộm màu giấy. Mỗi cành hoa ra đời đều đòi hỏi sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận” - ông Hiến chia sẻ.
Theo người dân ở đây, hoa giấy Thanh Tiên có nhiều loài hoa khác nhau như hoa mai, cúc, lan, đồng tiền, thược dược... và đều được làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa… đều được làm từ đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh hoa như hoa thật và kết hoa lại thành từng cành. Trước đây, người dân làng Thanh Tiên phải dùng một số loại lá cây để nhuộm giấy. Chẳng hạn màu vàng được nhuộm từ trái dành dành, màu tím từ hạt mồng tơi... Ngày nay, giấy làm hoa có đủ sắc màu được bán sẵn nên những người thợ đỡ tốn công sức hơn trước. Cũng vì vậy, dù trên thị trường có nhiều sản phẩm hoa khác nhau nhưng hoa giấy Thanh Tiên vẫn được nhiều người ưa chuộng.
Ngoài làm những loại hoa giấy quen thuộc như lan, hồng, cúc…, từ năm 2008 nghệ nhân Thân Văn Huy đã bắt tay vào việc khôi phục hoa sen giấy bị thất truyền hơn 60 năm qua. Với hoa sen giấy, mỗi ngày, một người thợ lành nghề có thể làm ra khoảng 15-20 hoa. Nếu như hoa giấy thường có tính thời vụ, chỉ bán chạy vào dịp lễ, tết thì hoa sen giấy được làm quanh năm, đặc biệt vào dịp tết thì càng được tiêu thụ nhiều hơn.
Và để gìn giữ nghề truyền thống này, vào năm 2010 nghệ nhân Thân Văn Huy mở lớp đào tạo nghề cho khoảng 25 học viên. Trong số này, hiện 10 người đã có công việc ổn định.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, người làng Thanh Tiên đã bắt đầu cải tiến mẫu mã, làm nhiều loại hoa, đặc biệt là khôi phục làm hoa sen giấy sau nhiều năm thất truyền. Hiện nay, hoa sen đã có mặt trên thị trường các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Người làm hoa ở làng có việc làm quanh năm. Ngoài việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết cho người dân xứ Huế, làng nghề Thanh Tiên còn chú trọng phát triển làng nghề theo hướng du lịch trải nghiệm. Ngôi làng nhỏ thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan, thích thú khi được trực tiếp trải nghiệm cảm giác tự tay làm ra những bông hoa giấy. Đây là động lực để giúp người dân Thanh Tiên bám trụ và phát triển nghề. “Họ tìm đến mình để tham quan, trải nghiệm, do vậy mình có cách ứng xử tương ứng để khách hài lòng, để những giá trị văn hóa của Việt Nam được lan tỏa, nhất là hoa sen - loài hoa được bầu chọn là quốc hoa” - nghệ nhân Thân Văn Huy tâm sự.
Dịp cuối năm này, người dân làng hoa giấy Thanh Tiên lại tất bật chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường những cành hoa đẹp, trẻ em lại rộn vang câu ca dao “Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Cứ tới tháng Chạp cả làng mần bông”. Trong những ngày Tết, dù đã mua rất nhiều hoa tươi, người Huế vẫn không quên mua vài cành hoa giấy. Trải qua hàng trăm năm, hoa giấy Thanh Tiên không hề tàn lụi mà còn ngày càng phát triển. Bàn tay khéo léo của những người thợ, nghệ nhân đã biến những tờ giấy, thanh tre vô hồn thành những bông hoa rực rỡ không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị Tết mà còn làm nên nét đặc trưng của văn hóa Huế.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ron-rang-lang-hoa-giay-thanh-tien-post290203.html