Rộn ràng lễ hội đầu xuân

Không khí lễ hội mùa xuân ở vùng đất Cố đô bao giờ cũng rộn ràng nhưng rất văn minh, trật tự. Từ non cao về đến miệt biển, các lễ hội mang đậm sắc màu tín ngưỡng văn hóa dân gian đã thu hút đông đảo khách du xuân, tạo nên nét đẹp trong đời sống hiện đại.

Năm 2025, Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia, vì thế các lễ hội đầu xuân được xem như điểm nhấn mở màn trong việc quảng bá du lịch qua hình ảnh các lễ hội, sự kiện văn hóa hứa hẹn sẽ là một năm rộn ràng, bận rộn.

 Hấp dẫn hội vật làng Sình ngày đầu năm mới

Hấp dẫn hội vật làng Sình ngày đầu năm mới

Du xuân miền lễ hội

Những ngày đầu năm Ất Tỵ, sau tiếng trống khai hội trên núi Ngũ Phong (P. An Tây, Q. Thuận Hóa) dòng người tìm lên đền Huyền Trân Công chúa vừa thong thả du xuân, vừa tri ân các bậc tiền nhân mở cõi. Trong không khí vừa trang nghiêm, vừa nhẹ nhàng của tiết trời xuân tạnh, se lạnh, mọi người sau khi dâng hương lên Huyền Trân Công chúa và Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cùng nhau trải nghiệm các sự kiện văn hóa mang đậm chất dân gian của Huế.

Từ những màn tỉ thí võ cho đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca Huế, viết thư pháp, thi thố bài chòi, trình diễn áo dài… tất cả đã tạo nên một không gian đa sắc màu, đậm nét dấu ấn của văn hóa Huế. Từng nhiều lần đến không gian này, anh Nguyễn Nguyên Vinh (Q. Phú Xuân) nói rằng đã trở thành thói quen, cứ đầu năm lại cùng người thân, bè bạn lên đền Huyền Trân để không chỉ chiêm bái, đắm chìm trong không khí lễ hội mà còn được thả lòng mình giữa cảnh sắc bình yên của núi rừng.

“Không chỉ là điểm văn hóa tâm linh tri ân bậc tiền nhân mở cõi, núi Ngũ Phong nơi có đền Huyền Trân Công chúa còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ưu ái cho Huế. Khi đến đây cảm thấy lòng bình an, thư thái. Đó như cách khởi hành mùa xuân với nhiều điều mong ước phía trước”, anh Vinh cảm nhận.

Nhắc đến văn hóa lễ hội ở Huế không thể không nhắc đến chuyện đi chùa những ngày đầu xuân. Những ngôi cổ tự vùng đất Cố đô không chỉ đông đúc khách những ngày đầu năm mới, mà gần như kéo dài ra cả tháng Giêng. Ngoài các du khách lên chùa lễ Phật, thì việc chọn chùa để vãng cảnh tìm bình yên và sự nhẹ nhàng trong tâm hồn là sự lựa chọn của nhiều người.

Không có sự xô bồ, chen lấn và những vấn nạn “chướng tai gai mắt”, không riêng gì du khách mà ngay chính người dân Huế cũng ấn tượng với khung cảnh nhẹ nhàng, trật tự khi đặt chân đến chùa. “Nhiều chùa Huế bố trí người túc trực để hướng dẫn du khách đến dâng hương. Có chùa đề nghị khách không nên thắp hương bên trong chánh điện, việc này được nhà chùa đảm nhận. Khách chỉ cần vào thành tâm lễ Phật. Như thế, vừa tránh cảnh nghi ngút khói hương, nguy cơ diễn ra hỏa hoạn mà lại vừa tạo cảm giác dễ chịu, văn minh, lịch sự, vừa lòng du khách và cũng không khó xử cho nhà chùa”, anh Phan Lân – một du khách thường đến chùa ở Huế nhìn nhận.

Và luôn có mặt trong mùa lễ hội xứ Huế, hội vật làng Thủ Lễ (Quảng Điền), vật Sình (Q. Thuận Hóa), hay như các lễ hội cầu ngư của các làng biển… đều đã góp phần tạo nên nét đẹp lễ hội đầu năm mới, vừa cuốn hút du khách xa gần.

Đan xen giữa cung đình và dân gian

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho khách du xuân. Theo ông Hải, suốt chiều dài lịch sử gần 400 năm, Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Vì vậy, ngoài các lễ hội dân gian truyền thống phong phú thì Cố đô Huế vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều lễ hội cung đình độc đáo. Các lễ hội dân gian và cung đình đan xen tạo nên sự phong phú đặc biệt, mang bản sắc riêng so với hai miền của cả nước.

Các lễ hội mùa xuân ở Huế đều mang những nét đặc trưng, bản sắc riêng có, thu hút mạnh mẽ người dân, du khách đến tham quan và trải nghiệm. Điển hình như các hoạt động đón Tết vui xuân trong những ngày đầu năm được tổ chức khắp nơi. Đặc biệt hơn khi năm nay là mùa xuân đầu tiên Huế triển khai các hoạt động lễ hội với vị thế là thành phố trực thuộc Trung ương, cũng là thành phố đăng cai Năm Du lịch quốc gia Huế 2025. Vì thế, các lễ hội đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và gắn kết trong một chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch cũng như quy mô bài bản hơn, mở rộng cả thời gian và không gian.

Dự tính trong năm 2025, Huế có hơn 170 sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch, trong đó có rất nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa... Điểm nhấn của lễ hội mùa xuân này đáng kể là 2 lễ hội tiêu biểu gắn với việc đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm bún Vân Cù và lễ hội điện Huệ Nam.

“Lễ hội có vai trò quan trọng trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch. Những năm qua, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở Huế. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng được đổi mới, chuyên nghiệp hóa với nhiều hoạt động thu hút du khách. Tham gia các hoạt động này, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí sôi động, tưng bừng của lễ hội, mà còn được khám phá, tìm hiểu những nghi lễ, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng cư dân địa phương”, ông Hải chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/ron-rang-le-hoi-dau-xuan-150900.html