Rộn ràng Lễ hội Katê

Trong không khí hân hoan toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, thì tại tháp Pô Sah Inư, đồng bào Chăm trong tỉnh đang nô nức tham gia một hoạt động lễ hội quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc mình, đó là Lễ hội Katê.

Rộn ràng Lễ hội Katê

Thời tiết trong 2 ngày diễn ra lễ hội không thuận lợi, nhưng không vì thế ngăn được bước chân của các chức sắc tôn giáo và toàn thể bà con người Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Tánh Linh về tháp Pô Sah Inư, chuẩn bị hoạt động đan xen giữa phần lễ và phần hội. Ngay trong sáng 15/10, những môn thi dân gian như giã gạo và thổi kèn Saranai, trưng bày lễ vật trên Thônla đã diễn ra sôi nổi. Sau đó là lễ cúng cầu an do các chức sắc tôn giáo người Chăm Bàni huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện tại tháp chính (tháp A). Đêm trên ngọn đồi Bà Nài đã được đánh thức bởi âm thanh rộn ràng của những điệu múa Chăm hòa nhịp trong tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.

 Ảnh: N.Lân

Ảnh: N.Lân

Sáng nay (16/10) diễn ra nghi lễ chính. Chức sắc tôn giáo người Chăm Hàm Thuận Bắc thực hiện theo tập tục truyền thống nghinh rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, sau đó thực hiện nghi lễ mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni, đại lễ tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần linh khác. Tất cả được diễn ra trang nghiêm nhưng không kém phần đặc sắc, thể hiện những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. Cũng trong thời gian này, tại sân khấu chính diễn ra các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy, đội nước vượt chướng ngại vật và đập niêu.

Hòa mình vào không khí của lễ hội Katê, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng 50 bức ảnh về di sản văn hóa Chăm ở Bình Thuận, như vương miện, áo bào vua Pô Klong Mơh Nai, búi tóc hoàng hậu bằng vàng thế kỷ XVI - XVII thuộc Sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm; hệ thống các ngôi đền thờ, đền tháp Chăm, gồm đền tháp Po Dam (Tuy Phong), đền thờ Po Nít và đền thờ Po Klong Mơh Nai (Bắc Bình), phế tích tháp Chăm Làng Gọ (Hàm Thuận Bắc); các lễ nghi, lễ hội Katê, Rija Nưgar, lễ Chabun, lễ hỏa táng, lễ nhập Kút của người Chăm theo đạo Bàlamôn, lễ Ramưwan, lễ Tảo mộ… của người Chăm theo đạo Bàni.

Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư đã trở thành sự kiện quan trọng của đồng bào Chăm, góp phần giáo dục các thế hệ con cháu biết ơn, kính trọng tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ một năm thuận hòa, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Bình Thuận đến với du khách.

Thục Anh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa1/ron-rang-le-hoi-kate.-132045.html