Rộn ràng lễ hội Lồng Tồng, Ná Nhèm
Lễ hội Lồng Tồng đang và sắp diễn ra trên nhiều vùng đất có người Tày sinh sống. Lễ hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn từng thu hút tới 3 vạn du khách cũng đang ở những khâu cuối chuẩn bị.
Người Tày ở vùng cao đang nô nức với hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội xuống đồng đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Ở mỗi nơi, hội Lồng Tồng lại có những điểm riêng đặc sắc. Lễ hội Lồng Tồng ở Cao Bằng từng gây ngạc nhiên với du khách gần xa khi có gần 100 mâm cỗ dâng các thần linh.
Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa 2025 sẽ diễn ra vào Mùng 9, Mùng 10 tháng Giêng tại quảng trường ATK, thị trấn Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên thu hút ở các trại và cổng trại đẹp. Hội Lồng Tồng Bắc Sơn, Lạng Sơn diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng với nhiều nghi thức truyền thống trang trọng và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như đánh đu, tung còn, hát lượn,…
Độc lạ Ná Nhèm
Nhắc đến lễ hội độc, lạ mùa xuân ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của du khách không thể không nhắc tới lễ hội Ná Nhèm ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đây là lễ hội duy nhất ở ta có màn rước sinh thực khí.
Theo TS Bàn Tuấn Năng, người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu và phục dựng lễ hội Ná Nhèm, lễ hội này chứa đựng câu chuyện lịch sử bi thương, có nhiều thông điệp ẩn về con cháu nhà Mạc và khát vọng về sự khôi phục Vương triều thời kỳ hậu Cao Bằng (1677). Sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt) trong lễ hội được đem đi cung tiến cho đức vua Tổ - Mạc Thái Tổ, mong đức vua che chở cho hai dòng họ Hoàng và họ Bế (vốn gốc Mạc),… không gặp phải họa tru di tam tộc, cửu tộc để từ đó dòng họ được sinh sôi, nảy nở, trường tồn.
Năm nay, lễ hội Ná Nhèm diễn ra từ ngày 14 đến Rằm tháng Giêng với nghi lễ rước nước Tiên, nghi lễ rước Long Ngai - bài vị của đức vua; trình diễn tục hèm đánh trận và cung tiến lễ vật… như mọi năm. Ông Hoàng Văn Chẩn, nguyên Bí thư xã Trấn Yên, Trưởng chi họ Hoàng ở Trấn Yên cho biết, nét mới năm nay là sự thay đổi về màu sắc sinh thực khí để… đúng với thực tế hơn.
Mọi năm sinh thực khí nam (tàng thinh) được đánh giá có kích thước to. Ông Hoàng Văn Chẩn bật mí: “Năm nay có thể vẫn to như thế hoặc to hơn chút”.
Không ít du khách cho rằng, tàng thinh nên cách điệu tế nhị hơn tránh cho người xem nảy sinh những ý nghĩ không đẹp, thậm chí có những ý nghĩ và hành vi phản văn hóa. Ông Hoàng Văn Chẩn nói: “Những năm trước, công tác quản lý chưa được sát sao nên người ta tranh thủ vào chụp ảnh lưu niệm, trong đó có những bức ảnh phản cảm. Năm nay chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc, cố gắng không để xảy ra những hành vi xấu gây bức xúc trong dư luận”.
Có những người gợi ý nên làm sinh thực khí kiểu biểu tượng chứ không nên mô tả như thật. Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng chia sẻ: “Người ta đã từng đưa linga ở bảo tàng về lễ hội rồi nhưng không giống nên người Tày không chịu rước.
Ở đây phải nhìn nhận, mỗi dân tộc có cách cảm khác nhau, cách tư duy khác nhau. Dân tộc Tày cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác thích tư duy trực quan. Ít dân tộc thiểu số theo tư duy khái quát thành biểu tượng như linga của người Chăm”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ron-rang-le-hoi-long-tong-na-nhem-post1714358.tpo