Rộn ràng lễ hội Suriname

Thời Suriname vẫn còn là thuộc địa của châu Âu, người dân từ bốn phương đổ đến mảnh đất này để tìm cuộc sống mới. Tài sản duy nhất họ đem theo là nền văn hóa quê hương mình.

Chính các cộng đồng dân di cư đã tạo cho Suriname một bản sắc văn hóa vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Một trong những cách tốt nhất để tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa Suriname là tham gia các lễ hội của họ.

Người dân Suriname nhảy múa và rước kiệu nhân dịp lễ carnaval.

Người dân Suriname nhảy múa và rước kiệu nhân dịp lễ carnaval.

Mở đầu một năm lễ hội ở Suriname là lễ carnaval diễn ra vào tháng 2. Người di cư từ Brazil đã đem lễ hội hóa trang và diễu hành truyền thống của họ đến Suriname.

Trong một tuần diễn ra lễ hội, người dân tạm quên đi những rắc rối, phiền toái của cuộc sống hằng ngày để hòa mình vào đoàn diễu hành ăn mặc sặc sỡ.

Ngoài carnaval còn có một sự kiện diễu hành nhỏ hơn gọi là Avondvierdaagse. Sự kiện có nguồn gốc từ Hà Lan và diễn ra trong bốn ngày của tháng 4. Mỗi ngày, đoàn diễu hành lại đi qua một tuyến đường khác nhau.

Cộng đồng người Suriname gốc Java rất đông, vậy nên nhiều lễ hội Java cũng được tổ chức tại Suriname.

Đáng chú ý có lễ Bodo, đây là thời điểm để các gia đình theo Hồi giáo tập trung cầu nguyện và ăn mừng. Người lớn tặng phong bao lì xì cho trẻ con, mọi người cùng tham gia các đám rước đuốc. Các bà nội trợ trổ tài làm nhiều món ngon, đặc biệt là món ngọt, mà chỉ dịp lễ Bodo mới có.

Người dân và du khách không theo đạo Hồi vẫn có thể ăn mừng ngày lễ này hoặc tham gia các hoạt động mang tính cá nhân và cộng đồng.

Lễ Keti Koti được tổ chức vào ngày 30-6 và 1-7 hằng năm để tưởng nhớ ngày chế độ nô lệ chính thức chấm dứt tại Suriname. Các nô lệ da đen đã dành nhiều thập kỷ để chiến đấu với chính quyền thuộc địa Hà Lan nhằm đòi lại tự do cho mình vào năm 1863.

Keti Koti nay là ngày lễ quốc gia của Suriname, và trong hai ngày diễn ra lễ hội có không ít các buổi diễu hành, chạy marathon, hòa nhạc, trưng bày nghệ thuật diễn ra trên đường phố.

Một trong những cách mà người nô lệ da đen ở Suriname chiến đấu vì quyền tự do của mình là cứ đến đêm giao thừa, họ lại tập trung hết ngoài đường để ca hát, nhảy múa. Đấy là nguồn gốc của bữa tiệc giao thừa Pagara Estafette.

Vào dịp này, mọi thành phố ở đất nước Suriname đều biến thành sân khấu âm nhạc. Các hàng quán bày bàn ghế tràn ra ngoài đường mà vẫn không đủ chỗ.

Lễ hội bắt đầu từ đầu giờ chiều và càng gần đến đêm càng đông vui. Tiêu điểm của Pagara Estafette là màn đốt pháo. Người dân Suriname đốt những tràng pháo đỏ dài hàng mét không thua kém gì người Trung Quốc đốt nhân dịp tất niên..

Thịnh Quang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ron-rang-le-hoi-suriname-697468.html