Rộn ràng lễ Kỳ yên đình Gia Lộc

Đoàn rước sắc phong dẫn đầu là cờ Tổ quốc, cờ hội đến lân, rồng, trống, chiêng, ngựa (ngựa được đình nuôi để phục vụ cho lễ cúng đình), nhạc lễ, ông trưởng tộc họ Đặng bưng lư hương...

Nghi thức thỉnh sắc phong từ đền thờ ông Cả vào đình Gia Lộc

Nghi thức thỉnh sắc phong từ đền thờ ông Cả vào đình Gia Lộc

Ngược dòng lịch sử, năm 1818, tiền hiền Đặng Thế Vừa (thân phụ của ông Đặng Văn Trước) lập thôn Phước Lộc (đến năm 1836, thôn đổi tên thành Gia Lộc), người dân đã cất đình để phụng thờ thần thành hoàng bổn cảnh bảo hộ cho địa phương.

Năm 1826, ông Cả Đặng Thế Vừa mất, kính trọng bậc tiền hiền, cư dân địa phương tôn ông làm thần thành hoàng của làng, phụng thờ tại đình Gia Lộc. Năm 1933, vua Bảo Đại ban sắc phong cho ông với mỹ hiệu “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”, chuẩn cho thờ phụng và thần bảo vệ muôn dân.

Với đình Gia Lộc, vị trí ngôi đình xưa nay còn lại địa danh Bến Đình (thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng nay). Năm 1929, ngôi đình được di dời về vị trí hiện nay thuộc khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng, xây dựng trên phần đất 7.200m2.

Ngôi đình có kiến trúc Đông - Tây kết hợp, chủ yếu vẫn là kiểu thức truyền thống Nam Bộ có tổng thể chữ Tam, gồm 3 lớp nhà xây tường gạch, mái lợp ngói, mỗi lớp có 3 gian 2 chái, hệ thống vì kèo, xà đòn, rui mè bằng gỗ được chống đỡ bởi 36 cột gỗ lớn là những danh mộc kê trên đá táng. Đình còn bảo lưu nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Năm 1994, đình Gia Lộc được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Do quá trình tách nhập địa giới hành chính, đình Gia Lộc trở thành ngôi đình chung của phường Gia Lộc và phường Trảng Bàng (thị xã Trảng Bàng).

“Minh niên xuân thủ Kỳ yên”, tức vào mùa xuân tại các đình làng tổ chức cầu an cho bá tánh. Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 3 (nông lịch), phần lễ được thực hiện theo các nghi thức truyền thống Nam bộ. Năm 2012, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, loại hình lễ hội truyền thống.

Sau những năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, năm nay, đình tổ chức cúng đại lễ. Rạng sáng 14.3 (nông lịch), đình thực hiện nghi thức thỉnh ấn, sắc phong từ đền thờ Ông Cả (chợ cũ Trảng Bàng) vào đình.

Đúng 6 giờ, Ban Khánh tiết đình dâng hương trước bàn thờ ông Cả, thỉnh sắc phong đặt lên kiệu đưa vào đình. Đoàn rước sắc phong dẫn đầu là cờ Tổ quốc, cờ hội đến lân, rồng, trống, chiêng, ngựa (ngựa được đình nuôi để phục vụ cho lễ cúng đình), nhạc lễ, ông trưởng tộc họ Đặng bưng lư hương, ông trưởng Ban Khánh tiết đình bưng ấn đến kiệu thỉnh sắc phong do 4 quân hầu khiêng, hai bên kiệu có học trò lễ, đào thài, quân hầu cầm cờ, lộng, lỗ bộ và theo sau là lãnh đạo địa phương, Ban Khánh tiết đình và nhân dân.

Đoàn rước dài đi bộ trên đường phố Trảng Bàng tạo nên không khí rộn ràng, sôi nổi của lễ hội, những đoạn đi qua UBND thị xã Trảng Bàng, ngã tư Trảng Bàng, cổng đình, sân đình, đoàn lân, rồng chạy ra múa tạo thêm sự đặc sắc cho đoàn rước. Người dân hai bên đường ra đứng trước nhà đón đoàn rước sắc phong, có người chắp tay vái lạy theo kiệu thỉnh sắc như một cách cung kính chào thần thành hoàng.

Đến đình, ấn được thỉnh đặt trên khánh thờ thần, sắc phong được đặt ở bàn thờ hội đồng, chính quyền địa phương, Ban Khánh tiết đình cùng nhân dân dâng hương thực hiện nghi thức an vị. Sau, Ban Khánh tiết đình trở ra hậu đình cúng Tiên sư, tiền hiền, hậu hiền, tiền vãng, hậu vãng để tưởng nhớ những vị có công với làng, với đình.

Đến 7 giờ, đình tổ chức khai mạc lễ Kỳ yên rồi tuần tự thực hiện nghi thức túc yết, xây chầu - đại bội, tiếp đón khách đến viếng đình và diễn các tuồng hát bội phụng cúng thần thành hoàng và phục vụ nhân dân về dự lễ Kỳ yên. Trong đó, túc yết được hiểu là nghi thức ra mắt thần, trình cáo với thần việc tổ chức lễ tại đình.

Xây chầu - đại bội thuộc phần lễ được thực hiện trước khi diễn viên biểu diễn các tuồng tích hát bội. Theo nhà văn Sơn Nam, nghi thức xây chầu để nhắc nhở cội nguồn, đề cao tư thế con người trong vũ trụ, cầu mong sự hài hòa giữa thiên, địa, nhơn: tròn đạo trời, vuông đạo đất, sáng đạo người.

Nghi thức thỉnh sắc phong từ đền thờ ông Cả vào đình Gia Lộc.

Nghi thức thỉnh sắc phong từ đền thờ ông Cả vào đình Gia Lộc.

Qua ngày 15.3 (nông lịch), trong lễ cúng đình có nghi thức cầu an của 3 tôn giáo (Phật giáo, Công giáo và Cao Đài giáo) đã thể hiện được tinh thần đoàn kết giữa dân tộc và tôn giáo. Đây cũng là nét đặc trưng chỉ có ở một số đình vùng Trảng Bàng.

Rạng sáng ngày 16.3 (nông lịch), thực hiện nghi thức đoàn cả, là phần lễ chính để tế thần, các nghi thức trong lễ này tương tự như nghi thức túc yết. Đến trưa, gánh hát bội diễn vở cuối cùng, vở này thường diễn tuồng “San Hậu” để thực hiện nghi thức tôn vương.

Sau khi diễn hết tuồng, ông trưởng Ban Khánh tiết ra hồi chầu “Đắc thành chí nguyện, thượng thấu Hoàng Thiên, ca xướng nhứt diên, hồi chầu viên mãn” đánh 12 tiếng trống chầu (đánh vuốt không lại dùi) rồi quăng roi chầu lên sân khấu tỏ ý đã trả lễ theo lời nguyện, có người trong gánh hát bội nhặt roi chầu đem lại, đình bồi dưỡng ít công lao cho gánh hát. Đúng 15 giờ, đình thực hiện nghi thức đưa ấn, sắc phong từ đình về đền thờ ông Cả, được hiểu là kết thúc lễ Kỳ yên.

Trong lễ cúng đình năm nay, đình Gia Lộc cùng mạnh thường quân trao tặng hơn 300 phần quà cho người dân khó khăn tại địa phương. Đặc biệt, đình Gia Lộc là nơi phát tích việc tặng xôi cho khách thập phương đến cúng đình với quan niệm của các vị bô lão “một nắm xôi đình bằng một tràng xôi chợ”, người nhận xôi đình tặng xem đây là lộc của thần đem về cả nhà cùng dùng để cầu mạnh khỏe.

Năm nay, đình chuẩn bị hơn 2 tấn xôi để cúng và tặng. Trước đó vài ngày, không khí chuẩn bị lễ rất vui, Ban Khánh tiết đình và người dân đến trang trí, treo cờ, chưng chế hoa quả hình tứ linh, ở bếp đình bắt đầu đỏ lửa thường xuyên nấu xôi, đồ ăn để cúng và đãi khách.

Lễ vật do người dân đem đến dâng cúng đình

Lễ vật do người dân đem đến dâng cúng đình

Sau những năm không được tổ chức cúng đình, năm nay đình Gia Lộc tổ chức cúng đại lễ trong 3 ngày tạo nên sự rộn ràng, phấn khởi trong nhân dân, các hội đình bạn và người dân trong, ngoài địa phương đến viếng rất đông.

Đình làng là nơi phản ánh tiến trình khai hoang mở đất, quy dân lập làng, bảo vệ quê hương, đất nước và cố kết tình làng nghĩa xóm. Thiết chế văn hóa - tín ngưỡng này đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của cư dân địa phương về một cuộc sống bình an, thịnh trị.

Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc năm Quý Mão (2023), người dân muôn nơi về đây tưởng nhớ các bậc tiền hiền, cùng cầu nguyện quốc thới dân an, phong điều vũ thuận, nhân dân ấm no, hạnh phúc, nhà nhà cùng nhau đoàn kết xây dựng gia đình và quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ron-rang-le-ky-yen-dinh-gia-loc-a157964.html