Rộn ràng mùa lặt lá mai ở làng mai lớn nhất TP.HCM
Các nhà vườn tại làng mai Bình Lợi, TP.HCM đang nhộn nhịp vào mùa lặt lá mai, đảm bảo mai vàng nở rộ đúng dịp Tết. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để nhiều lao động thời vụ tranh thủ kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị một cái Tết sung túc hơn.
Từ ngày 15 âm lịch các nhà vườn trồng mai tạo tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM thuê hàng chục nhân công tranh thủ lặt lá mai. Để mai vàng nở rộ, rực rỡ đón Tết Nguyên đán, công đoạn lặt lá đóng vai trò then chốt. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và thực hiện đúng thời điểm để đảm bảo cây phát triển tốt nhất. Thời gian lặt lá tại làng mai này có thể kéo dài hơn một tuần vì số lượng mai rất lớn.
Trên những cánh đồng mai những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những công nhân cần mẫn lặt lá mai. Mỗi gốc mai sẽ có khoảng 2, 3 người cùng lặt lá.
Ông Nguyễn Văn Khiến 72 tuổi, một người trồng mai lâu năm, cho biết: Năm nay nhà ông thuê hơn 15 người để lặt lá mai. Với số lượng khoảng 3.000 gốc, ông Khiến phải huy động công nhân lặt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
Công việc lặt lá mai thường diễn ra vào khoảng 15 tháng Chạp âm lịch, tùy thuộc vào giống mai và điều kiện thời tiết. Việc xác định thời điểm phù hợp đòi hỏi người trồng mai phải có kinh nghiệm và hiểu biết về đặc tính của từng giống mai. Mỗi công nhân lặt lá mai được trả 35 ngàn đồng/giờ.
“Lặt lá mai không đơn thuần chỉ là bứt lá đi, mà phải biết chọn thời điểm và cách thức lặt sao cho hợp lý. Lặt quá sớm hay quá muộn đều ảnh hưởng đến việc mai nở đúng dịp. Không phải cây mai nào mình cũng lặt lá. Chỉ những cây mai có nhiều nút (nụ) mới được sử dụng" - Ông Khiến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (50 tuổi, áo xanh), lao động thời vụ tại đây, chia sẻ: “Những năm gần đây, cứ đến gần Tết là tôi cùng nhiều người trong xóm rủ nhau đi lặt lá mai, dù công việc này phải phơi nắng ngoài vườn nhưng vẫn khỏe hơn những công việc chân tay khác. Nó giúp gia đình tôi có thêm thu nhập mua sắm Tết”.
Còn đối với bà Trần Kim Sự (64 tuổi) quanh năm sống bằng nghề trồng mai, đây là lúc cao điểm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. "Những ngày này, chỉ mong thương lái mau đến vườn. Thuận mua vừa bán, cả làng mai ai cũng mong mỏi bán được nhiều cây mai cho mùa Tết".
Những gốc mai được các công nhân lặt lá. Mỗi gốc mai cao hơn 1m5 có thể mất khoảng 20 phút với 2 người thợ lặt lá.
Bàn tay lặt lá mai của anh Nguyễn Ngọc Trọng (ngụ Tiền Giang) là công nhân đang làm việc tại một công ty nhựa ở Củ Chi). Tranh thủ những ngày công ty hết hàng, anh Trọng cùng đồng nghiệp ghé làng mai Bình Lợi để lặt lá mai kiếm tiền ăn Tết.
“Lặt lá mai tuy không phải việc nặng nhưng cần rất nhiều tập trung và tính khéo léo. Nhờ công việc này, tôi có thêm tiền lo cho gia đình và mua sắm Tết, cảm giác xuân về càng thêm ấm áp” - Chị Trình Thị Kiều Trang (ngụ Bạc Liêu) nói.
Một vài cây mai bung nở do bị ảnh hưởng thời tiết.
Đối với những người gắn bó với lặt lá mai, công việc này không chỉ là nghề mưu sinh mang lại thu nhập trong dịp tết mà còn góp phần mang đến sắc xuân cho nhiều gia đình.
Các nhà vườn tại Bình Lợi không chỉ cung cấp mai cho TP.HCM, mà còn gửi đi các tỉnh thành lân cận.
Một nhà vườn ở làng mai Bình Lợi xuất đi 200 gốc mai đi Hà Tĩnh.
Hiện làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi có diện tích trồng mai vàng khoảng 600ha, hơn 670 hộ tham gia sản xuất. Mai Bình Lợi được biết đến như một trong những nơi cung cấp mai vàng lớn nhất khu vực phía Nam. Với diện tích trải rộng và hàng trăm hộ gia đình gắn bó với nghề trồng mai, nơi đây không chỉ là trung tâm sản xuất mai mà còn là điểm đến quen thuộc của những người yêu mai mỗi dịp xuân về.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ron-rang-mua-lat-la-mai-o-lang-mai-lon-nhat-tphcm-post830504.html