Rộn ràng Ngày hội Ðại đoàn kết trên đỉnh Khuổi Luông
ĐBP - Ðến hẹn lại lên, cứ tới độ tháng 11 hàng năm, khi thóc vụ mùa đã trữ đầy gác nhà, ngô vụ mới đang độ đơm hoa, là lúc các bản làng háo hức chờ đón ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc. Năm nay, giữa mưa phùn lất phất sáng đông lạnh, thôn vùng cao Khuổi Luông (xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) vẫn rộn ràng, ấm áp trong ngày hội lớn của cả dân tộc.
Với truyền thống đoàn kết, gắn bó, ngày hội Ðại đoàn kết được xem là sự kiện sánh ngang với các lễ hội lớn của làng, của đồng bào Mông. Khi sương sớm còn phủ đầy khắp dãy núi, những phụ nữ người Mông mặc những chiếc váy sặc sỡ đủ màu đã có mặt ở nhà Bí thư chi bộ thôn Dương Văn Vạng; những chàng trai lực lưỡng giúp nhau “cõng” con lợn về đây để chuẩn bị làm tiệc liên hoan ngày đại đoàn kết. Trưởng thôn, người có uy tín và những người có chức sắc trong làng thì tề tựu đông đủ ở trường tiểu học thôn - nơi diễn ra ngày hội. Mọi công tác đã được chuẩn bị từ nhiều ngày trước.
Khuổi Luông là một trong những thôn xa xôi nhất của xã Lãng Ngâm, nơi đây có 76 hộ dân với 379 nhân khẩu, đều là người dân tộc Mông sinh sống. Những khó khăn vẫn còn hiện hữu, song từ chủ trương, chính sách, cuộc vận động, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước đổi thay.
Là một trong số những người lớn tuổi được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất này kể từ khi những người dân tộc Mông ở nhiều huyện biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng di tản về đây, cũng là thầy giáo xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Mông ngày ấy, Bí thư chi bộ thôn Dương Văn Vạng không giấu nổi niềm vui. Ông hào hứng kể lại, năm 2005, Khuổi Luông được chuyển về địa bàn xã Lãng Ngâm. Khi ấy, Khuổi Luông vẫn chỉ là những dãy núi hoang sơ, mấy chục hộ dân đều là hộ đói, hộ nghèo, ruộng nương không có, đến mèn mén cũng không đủ ăn, hầu như không ai biết tiếng phổ thông, không biết chữ quốc ngữ. Ấy vậy mà qua 15 năm, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhờ những chính sách của Ðảng, Nhà nước, đến nay, Khuổi Luông đã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô rộng rãi lên đến bản, có trường học ngay tại làng, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, không có em nào bỏ học. Người dân Khuổi Luông giờ không phải ăn ngô, bà con chăm chỉ khai khẩn đất hoang làm ruộng lúa, trồng ngô bạt ngàn trên những đỉnh núi, đến vụ thu ngô lại chở xuống chợ xã đổi lấy gạo về ăn. Cũng nhờ những chính sách ưu tiên, người dân Khuổi Luông được hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, có bảo hiểm y tế; trẻ em đi học không phải nộp học phí mà còn được phát sách giáo khoa; bà con cũng được tiếp cận với những hướng làm ăn mới, được vay vốn, hỗ trợ lợn, bò để làm kinh tế. Ðến nay, Khuổi Luông đã có 10 hộ thoát nghèo bền vững.
Ông Dương Văn Tu - một người lớn tuổi trong làng đến hội trường ngày đại đoàn kết từ rất sớm, ông kể đã mong ngày này từ tháng trước rồi. Trong ngày hội năm nay, ông muốn gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền đã xây dựng con đường, đường điện cho bà con, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa cho người dân tộc, hộ nghèo.
Trong không khí rộn ràng của ngày hội, những bài hát dân tộc, tiếng khèn lá, khèn Mông vang lên, bà con cùng nhau ôn lại về những ngày khó khăn, kể nhau nghe về cách xây dựng gia đình văn hóa, cùng quyết tâm thắt chặt tình đoàn kết, nỗ lực làm ăn để thoát khỏi cái đói cái nghèo. Trưởng Ban Mặt trận thôn Hoàng Văn Lý cũng thẳng thắn thừa nhận ở Khuổi Luông trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhưng có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng với tinh thần đoàn kết, bà con sẽ cùng nhau vượt mọi khó khăn. Ngày hội năm nay, bên cạnh việc tuyên dương gia đình văn hóa, nhiều cá nhân tiêu biểu cũng được Ủy ban MTTQ xã Lãng Ngâm khen thưởng vì những đóng góp trong công tác xây dựng thôn bản.
Chia tay Khuổi Luông cũng là lúc mặt trời đang dần xuống núi, những cô gái người Mông váy áo xúng xính trở về nhà, sắc màu xanh đỏ xen lẫn trong những rẫy ngô xanh rì trải dài hai bên đường đi. Ngày hội đã khép lại, nhưng tình đoàn kết luôn tồn tại trong lòng đồng bào Mông ở Khuổi Luông.