Rộn ràng Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Sáng ngày 21/6 (ngày mùng 4/5 âm lịch), tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đã diễn ra lễ khai mạc chương trình 'Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa' do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.
Đến tham dự chương trình gồm các đại biểu: PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Kim hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO;….
Chương trình Tết Đoan Ngọ là một sự kiện được tổ chức thường niên tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long và mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất. Chính vì vậy, ở Việt Nam ta cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, từ chốn cung đình hoa lệ, tôn nghiêm cho đến những miền quê mộc mạc đều hân hoan đón tết. Tết trong cung đình, tết ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tông và những người có công sinh công dưỡng đối với mỗi người.
Dưới triều Lê Trung Hưng, tết Đoan Ngọ cũng là dịp để nhà vua, hoàng tộc sửa soạn lễ phẩm dâng tiến lên tổ tiên và các bậc sinh thành. Tết Đoan Ngọ diễn ra đúng vào lúc thời tiết nóng nực, chiếc quạt là vật dụng làm mát vô cùng thiết yếu, nên ngoài ban yến, nhà vua còn tiến hành ban quạt, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến thần dân với ý nghĩa nhân văn là ban "Phúc lành, sức khỏe, bình an".
Tại chương trình, các nghi lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ đã được diễn ra trong sự trang trọng, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người xem. Điểm nhấn chính là hoạt động thực hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế và thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung xưa. Đây là 2 trong 4 nghi lễ tết Đoan Ngọ quan trọng của triều đình thời Lê Trung Hưng.
Các thành viên Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội và Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên đã tham gia thực hành nghi lễ ban quạt. Những người tham gia đều vận trang phục cung đình xưa, được thực hành các nghi thức và được đón nhận quạt do vua ban.
Bên cạnh đó, các nghi lễ của hoàng cung trong ngày tết Đoan Ngọ thời Lê còn được trung tâm trưng bày diễn giải một cách có hệ thống, sinh động và chân thực thông qua hệ thống pano, tranh vẽ, đặc biệt là phỏng dựng không gian cung đình trầm mặc cung kính, thiên tử uy nghi ngự trên ngai rồng thiết triều, đề thơ lên quạt và truyền ban thưởng quạt cho các quan.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ, ngoài thực hiện các nghi lễ, chương trình còn tổ chức không gian trưng bày nhằm giới thiệu tới du khách tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như tục "giết sâu bọ", tục đeo bùa ngũ sắc thông qua những chiếc bùa ngũ sắc, tục hái thuốc nam, trưng bày quạt trong đời sống xưa và nay...
Trong dịp này, công chúng cũng được nghe những câu chuyện đầy màu sắc văn hóa về phong tục "diệt sâu bọ" của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết. Những bí quyết nghề làm quạt đầy tính hấp dẫn, khéo léo và tinh tế của nghệ nhân Lân Tuyết. Thông qua những hoạt động đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán cổ truyền, đặc biệt giáo dục cho thế hệ trẻ thêm hiểu, yêu văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã rất chú trọng công tác nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thế, đặc biệt là nghiên cứu những nghi lễ trong cung đình, đã tổ chức các chương trình trưng bày, thể nghiệm các nghi lễ truyền thống nhân các dịp lễ tết như Tết Nguyên đán, tết Đoan Ngọ, tết Trung thu.
Qua đó, có thể khẳng định văn hóa phi vật thể trong cung đình chính là nhân tố làm sống lại và giúp di sản "tỏa sáng", đặc biệt các hoạt động này còn thu hút được đông đảo người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài quan tâm. Từ đó, góp phần bảo tồn phát triển cũng như quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới./.