'Rồng biển Sóc Trăng' vươn mình ra biển lớn - kỳ 2

Thời nhà Lý, con đê đầu tiên đã được đắp để bảo vệ kinh thành và sau đó là bảo vệ mùa màng, chống chọi với thiên tai. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cha ông ta đã hình thành nên hệ thống đê điều ở miền Bắc với quy mô ngày càng lớn và hoàn thiện hơn. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, quyết tâm đã xây dựng nên hệ thống đê sông - đê biển Sóc Trăng. Gần 500km đê sông - đê biển kết nối với nhau như 'rồng biển Sóc Trăng' đã mở ra chặng đường phát triển mới cho Sóc Trăng trong suốt 30 năm qua và đang vươn mình ra biển lớn.

Kỳ 2: Kỳ tích về nông nghiệp, thủy sản và vươn ra biển lớn

Hệ thống đê sông - đê biển Sóc Trăng được xây dựng hoàn thành không chỉ là kỳ tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong việc huy động sức mạnh toàn dân đào đắp hàng chục triệu mét khối đất làm nên tuyến đê, mà còn tạo nên kỳ tích mới của tỉnh Sóc Trăng về nông nghiệp, thủy sản trong suốt 30 năm qua.

Công trình đê sông - đê biển Sóc Trăng hoàn thành, hiệu quả tức thời và rõ nét nhất là đã kịp thời ngăn mặn, giữ ngọt. Từ một vùng đất quanh năm bị nhiễm phèn, mặn, nhờ có tuyến đê và hệ thống thủy lợi (được tiếp tục xây dựng sau này) mà tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lúa của tỉnh mỗi năm cứ tăng dần và đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,4 lần so với năm 1992. Hiện tại, tỉnh đã chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất; đến nay diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đạt 253.700ha (chiếm hơn 78,79% diện tích, tăng 50,7 lần so với năm 2000). Thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng đã vươn xa ra thị trường thế giới. Tại Hội nghị quốc tế về Thương mại lúa gạo lần thứ 9 tổ chức ở Ma Cau năm 2017, gạo ST24 đạt giải “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”; tại Manila Philippines, gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Từ nền tảng tuyến đê, đã hình thành nên Quốc lộ Nam Sông Hậu và trung tâm huyện Trần Đề. Ảnh: Q.K

Từ nền tảng tuyến đê, đã hình thành nên Quốc lộ Nam Sông Hậu và trung tâm huyện Trần Đề. Ảnh: Q.K

Tuyến đê hình thành còn mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng đó là nuôi trồng và chế biến thủy sản. Cái tên “cánh đồng năn” ngày nào in sâu vào tâm trí của người dân như ký ức của sự nghèo khó nay đã nhường chỗ cho những trang trại, hiệp hội nuôi tôm bạt ngàn. Xác định đúng tiềm năng và thế mạnh, trong 30 năm qua, Sóc Trăng luôn chú trọng tập trung đầu tư để đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản, nhất là nuôi trồng thủy sản như: đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quan tâm công tác giống, công tác kiểm dịch... Nhờ đó, sản xuất thủy sản so với năm 1992 có bước phát triển vượt bậc và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 986 triệu USD, trong 30 năm qua, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng bình quân hàng năm đạt 19,99%, chiếm tỷ trọng 76,49% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Hiệu quả từ tuyến đê mang lại đã đưa lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và đứng thứ hạng cao trong cả nước.

Phát triển điện gió ven biển Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Phát triển điện gió ven biển Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Việc hình thành tuyến đê sông - đê biển gần 500km cũng đồng thời là chừng ấy kílômét đường giao thông nông thôn liên hoàn, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn Sóc Trăng. Ngày nay, nhiều tuyến đường huyện, đường tỉnh, tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn đi qua tỉnh Sóc Trăng cũng nằm trên phần lớn nền tảng của tuyến đê... Trong các dịp kỷ niệm tái lập tỉnh, họp mặt cán bộ hưu trí, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đều có chung nhận định và niềm tự hào: thành tựu từ sau khi tái lập tỉnh rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là việc xây dựng nên tuyến đê sông - đê biển Sóc Trăng, đã tạo nên những thành tựu rất đáng kể trên nhiều lĩnh vực đời sống - xã hội.

Tuyến đê sông, đê biển không chỉ là giải pháp mang tính đột phá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nhằm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua mà còn mang tính chiến lược lâu dài khi trong những năm gần đây, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện nhiều giải pháp về thủy lợi, đê điều nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tuyến đê sông, đê biển Sóc Trăng đã mở ra chặng đường phát triển mới cho Sóc Trăng trong suốt chặng đường 30 năm tái lập tỉnh. Kế thừa những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng sẽ tiếp tục lập nên những kỳ tích mới trong giai đoạn mới. Ngày nay, dọc theo tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu (nền tảng của đê đoạn đê sông, đê biển Sóc Trăng), nhiều công trình, dự án về điện gió đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng với tổng công suất tiềm năng là 12.849MW.Với định hướng đó, trong những năm tới đây, Sóc Trăng sẽ là nơi sản xuất năng lượng sạch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, kết hợp với những công trình, dự án đầu tư hệ thống giao thông liên vùng, như: cầu Đại Ngãi, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và việc đầu tư Cảng biển nước sâu Trần Đề, hệ thống logistics, các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng đón đầu, bứt phá đi lên, biến Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm của vùng.

Rồng biển Sóc Trăng đang vươn mình ra biển lớn với ý chí, khát vọng về một tương lai tươi sáng trên quê hương Sóc Trăng.

QUỐC KIÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/rong-bien-soc-trang-vuon-minh-ra-bien-lon-ky-2-56422.html