Rong biển và khả năng hấp thụ CO2

Một số loài rong, tảo biển từ lâu được biết tới là nguồn thực phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe con người. Thế nhưng, ít người biết rằng, rong, tảo biển còn có thể hấp thụ rất tốt CO2-một loại khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).

Ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam) đã chia sẻ với phóng viên về Chương trình "Blue Ocean-Blue Foods", tác dụng phát triển kinh tế, BVMT của rong biển, dự án phát triển vùng rong biển tại Việt Nam.

Ông Đinh Xuân Lập. Ảnh: NGHINH XUÂN

Ông Đinh Xuân Lập. Ảnh: NGHINH XUÂN

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết rong, tảo biển có tác dụng như thế nào trong BVMT, giảm phát thải khí nhà kính?

Ông Đinh Xuân Lập: Việt Nam có hơn 90 loài rong các loại, trong đó có 20 loại được đánh giá là rất có giá trị kinh tế: Rong nho chỉ vàng, rong mơ, rong xanh, rong sụn... Lý do chúng tôi lựa chọn rong sụn đồng hành, tham gia Chương trình "Blue Ocean-Blue Foods" bởi rong sụn rất dễ sinh trưởng, phát triển và dễ kết hợp nuôi trồng với các loại thủy sản khác: Nuôi cá lồng, nuôi hàu. Tốc độ sinh trưởng của rong sụn nhanh nên chỉ khoảng 45-60 ngày có thể thu hoạch một đợt và tạo ra giá trị kinh tế.

Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã có nghiên cứu chứng minh, cây rong biển có tác dụng hấp thu CO2 gấp khoảng 2-5 lần so với cây rừng trên cùng một diện tích. Một số loài rong có tán rộng như rong bẹ khả năng hấp thụ CO2 gấp khoảng 20 lần. Chính vì vậy, chúng tôi đồng hành với doanh nghiệp xây dựng chương trình phát triển vùng rong của Việt Nam, tạo thành một bể hấp thụ CO2. Cần giải thích một chút về ý nghĩa của cái tên Chương trình “Blue Ocean-Blue Foods” mà chúng tôi đang thực hiện. Trong đó, Blue Ocean hướng tới tăng khả năng hấp thụ CO2 từ đại dương; Blue Foods hướng tới giảm khí nhà kính trong sản xuất thực phẩm, kinh doanh có trách nhiệm.

PV: Việc trồng rong sụn qua Chương trình "Blue Ocean-Blue Foods" được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Lập: Chúng tôi ấp ủ hơn 2 năm và đã phối hợp với các nhà khoa học, các viện, trường tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lấy các loại rong, trong đó có rong sụn cấy ghép nuôi trồng ở các bè cá lồng, khu vực nuôi hàu trên vùng biển cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả, rong sụn là phù hợp nhất khi nuôi trồng kết hợp, quá trình tăng trưởng của rong sụn giúp môi trường sinh thái tốt hơn để con hàu phát triển-đây có thể coi là “cặp đôi hoàn hảo” trong nuôi trồng thủy sản. Trồng rong sụn kết hợp nuôi hàu trên biển giúp tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là người nghèo ven biển vì con giống hai loại này rất rẻ, quá trình nuôi lại không phải cho ăn, chăm sóc, chỉ phải trông coi đến kỳ thu hoạch. Đây chính là việc góp phần tạo sinh kế cho người nghèo ở các địa phương ven biển, cũng như định hướng lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thủy sản giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh nuôi trồng.

Nuôi trồng rong sụn ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: DIỆP ANH

Nuôi trồng rong sụn ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: DIỆP ANH

Trong chương trình này, chúng tôi thúc đẩy sự đồng hành của doanh nghiệp tham gia chuỗi kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm gọi là ESG, thành lập liên minh “Blue Food”. Công ty Cổ phần WinEco Việt Nam với nhãn hàng Japifoods đã tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng được sản xuất từ rong sụn: Hải sản rắc cơm và các sản phẩm canh rong biển có giá trị cao về dinh dưỡng. Nhãn hàng Japifoods cam kết trích 10% doanh thu đóng góp cho chương trình này. Chúng tôi sẽ dùng số tiền này để mua rong giống cung cấp cho bà con nuôi trồng, cùng với đó Japifood cũng cam kết mua lại sản phẩm rong sụn cho bà con. Đây là cơ hội để xây dựng và phát triển thị trường cho rong sụn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa, giá trị của rong biển, từ đó góp phần thúc đẩy, mở rộng thị trường cho sản phẩm từ rong. Rong sụn có cơ hội phát triển trên thị trường rộng hơn các loại rong khác vì có thể dùng làm thực phẩm, gel làm mỹ phẩm, làm nhựa sinh học...

PV: Thưa ông, định hướng sắp tới của chương trình là gì?

Ông Đinh Xuân Lập: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm gel, nhựa sinh học được thương mại hóa với giá thành hợp lý, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Chúng tôi hy vọng thông qua Chương trình “Blue Ocean-Blue Foods”, người tiêu dùng sẽ lựa chọn sử dụng sản phẩm rong sụn, góp phần giúp doanh nghiệp và nghề nuôi trồng rong ngày càng phát triển, mang lại sinh kế cho cộng đồng cũng như tạo bể chứa CO2 của ngành thủy sản ngày càng lớn hơn.

PV: Diện tích rong sụn trong tương lai sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Lập: Riêng Japifood đã đặt ra mục tiêu trong 3 năm tới có thể xây dựng vùng nuôi trồng rong sụn khoảng 1.000ha. Nếu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thì diện tích trồng rong sụn có thể lên con số đến hàng nghìn héc-ta. Chúng tôi mong chờ các doanh nghiệp tích cực tham gia để diện tích trồng rong sụn ngày càng phát triển, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần BVMT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/rong-bien-va-kha-nang-hap-thu-co2-790886