Rộng cơ hội vào đại học
Xu hướng tuyển sinh vào ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ đang được nhiều học sinh bậc THPT hào hứng. Nhưng cũng vì thế mà đã có ít nhất 2 luồng quan điểm trái chiều nhau.
Một bên cho rằng, chú trọng ngoại ngữ từ đầu vào vừa tăng cơ hội trúng tuyển, vừa nâng cao chất lương đào tạo và đảm bảo tốt về đầu ra. Luồng quan điểm còn lại lo ngại sự bất bình đẳng trong tuyển sinh, băn khoăn rằng liệu học sinh nông thôn có bị giảm mất cơ hội trúng tuyển hay không?
Thực chất trong Đề án tuyển sinh năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh bằng từng phương thức (tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ THPT, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển kết hợp…) cũng đã được công bố cụ thể.
Theo đó, mùa tuyển sinh 2021, đại đa số các trường ĐH vẫn dành khoảng 70% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, khoảng 30% cho các phương thức còn lại. Như vậy, các thí sinh cũng không nên quá lo lắng với việc bất bình đẳng trong tuyển sinh ĐH.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc các trường đưa ra mức điểm quy định và quy đổi đối với các chứng chỉ ngoại ngữ (từ 1.100 điểm trở lên với chứng chỉ SAT, hay từ 6.0 trở lên với chứng chỉ IELTS…) thì đó cũng mới chỉ là mức điểm sàn xét tuyển. Nói như TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội thì chứng chỉ quốc tế mới chỉ giúp thí sinh qua được vòng sơ tuyển. Do đó, việc có chứng chỉ quốc tế là một lợi thế, nhưng không phải cứ có chứng chỉ quốc tế nộp vào trường là cầm chắc suất đỗ.
PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo, ĐH Ngoại thương cho rằng, phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế mấy năm nay rất phổ biến và gây tranh cãi. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì đây là một xu hướng lành mạnh, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội xét tuyển hơn.
Trên thực tế lâu nay, thí sinh vẫn nghĩ rằng chỉ cần có chứng chỉ quốc tế là sẽ được tuyển thẳng. Tuy nhiên, các trường coi chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ độc lập, có chất lượng nhất định, là căn cứ để họ xem xét sử dụng kết hợp với các phương thức xét tuyển khác (như đối chiếu với điểm thi tốt nghiệp THPT, đối chiếu với điểm học bạ đối với môn/hoặc khối thi vào trường/ngành mà thí sinh đăng ký).
Thực tế cũng cho thấy, các trường hiện đang dành chỉ tiêu tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế cho một số chuyên ngành đòi hỏi về tiếng Anh cao. Tại các hệ đào tạo chất lượng cao, việc sinh viên có thể đọc hiểu, nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ trên lớp là vô cùng quan trọng.
Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học, tiếng Anh từ 5.0 hoặc 5.5 IELTS hoặc tương đương. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này. Như vậy cơ hội vào ĐH sẽ rộng mở với những thí sinh giỏi ngoại ngữ.
Nhiều người cho rằng, xu hướng xét tuyển ĐH bằng ngoại ngữ rất tốt, vì như vậy học sinh Việt Nam sẽ có động lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Việc điều chỉnh chính sách tuyển sinh đầu vào ưu tiên người giỏi ngoại ngữ nhằm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới. Nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường. Quan trọng hơn là những sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường có cơ hội việc làm cao hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/rong-co-hoi-vao-dai-hoc-559417.html