Rộng cửa cho học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022 đã tuyển 16.963 học sinh vào học lớp 10 ở các trường THPT công lập. Như vậy, so với số lượng đăng ký, đã có khoảng 2.200 học sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trượt lớp 10 công lập trong kỳ thi vừa qua. Tuy nhiên, không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì học sinh vẫn có thể đăng ký vào học tại các trường trung cấp nghề, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh.
So với số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập thì số học sinh dôi ra năm nay khoảng 2.200 em. Nếu tính luôn số học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT thì con số này khoảng 3.000 học sinh. Vậy số học sinh này sẽ phải đi đâu?
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vẫn còn nhiều hướng đi cho những học sinh không thi đậu (hoặc không thi) vào lớp 10 THPT công lập. Cụ thể, các em có thể vào học hệ GDTX tại các Trung tâm GDTX của tỉnh, các trường trung cấp nghề.
Theo quy định hiện nay, dù học hệ công lập hay hệ GDTX thì giá trị Bằng tốt nghiệp THPT cũng như nhau, trong khi hệ GDTX số môn ít hơn, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc cao đẳng, đại học. Hiện nay, các trường nghề của tỉnh đã đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, giảng viên vững chuyên môn nên hệ thống giáo dục này hiện đáp ứng tốt việc học tập cho học sinh.
Công tác phân luồng học sinh sau THCS trong những năm qua vào các trường nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh. Để nâng chất công tác tuyển sinh GDNN, trong thời gian tới, cần phải đưa nhiệm vụ GDNN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đặc biệt, ngành GD-ĐT chú ý cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với học sinh không trúng tuyển lớp 10 và học sinh THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở GDNN tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm GDNN - GDTX.
TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP, SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI LÊ PHƯỚC TÂN
Năm 2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 16 cơ sở GDNN gồm các trường cao đẳng, trung cấp, các trung tâm GDNN, GDTX có đào tạo nghề.
Cụ thể, các trường có nhiều chỉ tiêu hệ trung cấp, như: Trường Cao đẳng Tiền Giang tuyển 900 chỉ tiêu, Trường Trung cấp Gò Công 425 chỉ tiêu; Trường Trung cấp Cai Lậy 260 chỉ tiêu; Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè 200 chỉ tiêu… Trong đó, Trường Cao đẳng Tiền Giang cũng vừa công nhận kết quả tuyển sinh bậc trung cấp chính quy cho 408 học sinh trúng tuyển ở 14 ngành nghề đợt 1 năm 2022. Nhiều ngành có học sinh trúng tuyển cao, như: Công nghệ ô tô (103 học sinh); Điện công nghiệp (67 học sinh); Công nghệ thông tin (58 học sinh)…
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, sau khi tuyển sinh đợt 1, nhà trường tiếp tục tuyển sinh thêm nhiều đợt trong năm. Năm học 2022 - 2023, nhà trường tuyển sinh 435 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 900 chỉ tiêu hệ trung cấp, 240 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Điều mà phụ huynh cũng như học sinh cần hết sức lưu ý khi đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng Tiền Giang là học sinh đã tốt nghiệp THCS thì sẽ được miễn phí học nghề, được học lên trình độ cao đẳng theo chương trình 9+ với hai giai đoạn trong thời gian 3,5 năm.
Bên cạnh học nghề, học sinh còn được tham gia học bổ túc văn hóa tại trường. Trường có 12 ngành nghề chủ yếu là các ngành khối kỹ thuật thường xuyên liên kết doanh nghiệp để học sinh, sinh viên có thể thực hành thực tế ngay từ những năm đầu tiên. Với đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và cơ sở vật chất hiện đại, từ năm 2016 tới nay, 100% sinh viên, học sinh khối ngành kỹ thuật và từ 80% - 90% các ngành còn lại của Trường Cao đẳng Tiền Giang ra trường đều có việc làm.
Bên cạnh hệ thống các trường đào tạo bậc trung cấp, Tiền Giang hiện có 6 Trung tâm GDNN - GDTX tuyển 1.480 chỉ tiêu đào tạo sơ cấp nghề và các lớp nghề ngắn hạn 3 tháng cho năm học 2022 - 2023. Trong đó, nhiều nhất là huyện Gò Công Tây 500 chỉ tiêu; huyện Chợ Gạo 450 chỉ tiêu…
Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Công Tây Ngô Văn Quyền cho biết, trung tâm đang chiêu sinh học sinh khối lớp 10. Dù học ở hệ giáo dục THPT nào thì đầu ra giá trị bằng cấp cũng như học sinh phổ thông, nhưng học sinh học ít môn hơn so với các trường THPT công lập. Học sinh tiếp tục học chương trình phổ thông ở trung tâm vẫn theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh học văn hóa, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Gò Công Tây còn liên kết với Trường Trung cấp Gò Công tổ chức dạy nghề may, công nghệ thông tin… miễn phí cho tất cả học sinh. Như vậy, sau 3 năm theo học tại trung tâm, bên cạnh các em có Bằng tốt nghiệp THPT thì còn có thêm Bằng trung cấp nghề. Lúc đó, các em có thể lựa chọn học tiếp hoặc bước chân vào thị trường lao động.