Rồng độc bản chào Xuân
Theo quan niệm về văn hóa người Việt xưa, con rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng.
Đặc biệt, rồng được coi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn, bảo hộ. Đây cũng là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983 tại Sơn Tây, Hà Nội) cho ra mắt bộ sưu tập “con Rồng cháu Tiên” gồm 1.000 tác phẩm độc bản, chào đón năm mới Giáp Thìn 2024.
Đáng lưu ý, trong bộ sưu tập lần này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sử dụng đa dạng hình tượng rồng thời Lý, thời Trần, thời Lê, cùng các điển tích như “lão long huấn tử” (rồng già dạy con), “cá chép hóa rồng”. Sau khi có ý tưởng, anh Phát thường mất khoảng 15-30 ngày để thực hiện một tác phẩm, các công đoạn bao gồm tạo hình, điêu khắc tinh xảo, phủ 7-10 lớp màu, khảm trai, khảm trứng, mạ bạc, mạ vàng, đánh bóng…
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện tác phẩm là việc lựa chọn nguyên liệu, những khúc gỗ có hình dáng cong như thân rồng. Riêng việc này đã tiêu tốn khoảng gần một năm.
Trong quá trình tạo tác, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã khéo léo lồng ghép tính ứng dụng, từ tác phẩm nghệ thuật trở thành những vật dụng quen thuộc trong đời sống như bàn ghế, lọ hoa, giá đỡ trầm hương, đèn ngủ…
Đặc biệt, bộ sưu tập Xuân 2024, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn bổ sung một chất liệu mới là gốm. Bởi, làng cổ Đường Lâm trước đây có nghề truyền thống làm gốm, tuy nhiên chất liệu này đã mai một khoảng 40 năm nay. Chính vì vậy, sự trở lại của sản phẩm gốm trong bộ sưu tập năm nay cũng là mong muốn khôi phục phần nào làng nghề truyền thống tại Đường Lâm.
Chia sẻ về bộ sưu tập 1.000 tượng rồng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm đắc khi nói về tác phẩm chiếc ghế “lão long huấn tử” với tạo hình độc lạ, thông điệp sâu sắc. Đây cũng là đứa con tinh thần mà tác giả đã “nuôi nấng” trong vòng hai năm.
Chiếc ghế có chiều cao 1,65m, rộng 2m và được chế tác từ gỗ lũa, khảm vỏ trai, trứng, bào ngư...và được lấy cảm hứng từ bức phù điêu “lão long huấn tử” được trưng bày tại đình làng Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội), rồng cha cầm bút, rồng con ôm quả tú cầu uốn lượn quanh. Tác phẩm gửi gắm thông điệp về sự trao truyền văn hóa, tinh thần hiếu học cho đời sau.
Cùng đó, hình tượng này cũng mang nét đặc trưng của rồng thời Lý, thân tròn, dài và không có vẩy. Tuy nhiên, tác giả không thể hiện nguyên bản rồng thời Lý mà có những sáng tạo riêng, chóp đuôi to hơn bình thường và mang dáng dấp của chiếc lá bồ đề. Qua đây thể hiện nền văn hóa, tín ngưỡng gắn với Phật giáo của người Việt.
Ngoài ra, tác giả cũng sáng tạo hình tượng rồng 5 móng, thể hiện sự vững chãi, uy nghi. Điều đặc biệt là chiếc ghế này được mạ 2.500 lá vàng 24k, tạo nên sự sang trọng, bắt sáng cho tác phẩm. Đứa con tinh thần được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát định giá khoảng 2 tỷ đồng.
Với bộ sưu tập lần này, mục đích đầu tiên và lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là quảng bá, giới thiệu, trưng bày, sau đó mới thương mại các sản phẩm. Từ đó giúp tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và hỗ trợ nghệ nhân có thêm kinh phí để tiếp tục hành trình sáng tạo. Thời điểm này, một số “ông lớn” cũng đã liên hệ và hỏi mua song nghệ nhân sẽ kéo dài thời gian tham quan, thưởng thức bộ sưu tập đến sau Tết Nguyên đán và có thể thương mại sau đó.
Ở tuổi tứ tuần, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có gia tài nghệ thuật đồ sộ, nổi bật là những bộ sưu tập gắn với năm mới như trâu Lạc Việt, 2022 – hổ mọc thêm cánh, 2023 mèo độc bản, con Rồng cháu Tiên…Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn đau đáu với việc phát triển làng nghề gắn với du lịch ở quê hương làng cổ Đường Lâm.
Với khao khát giữ “lửa nghề” sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã mở lớp dạy nghề miễn phí tại nhà và thu hút nhiều người trẻ và khách du lịch. "Tôi mở lớp dạy nghề miễn phí với mong muốn là tìm được những truyền nhân có thể cùng tôi xây dựng và vực dậy nghề sơn mài truyền thống tại Đường Lâm", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nói.
Theo tính toán của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, riêng trong năm 2023, xưởng và khu trưng bày tác phẩm sơn mài đã đón khoảng 5.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm; trong đó, từ 40-50% là các em học sinh tiểu học và mầm non. Hoạt động trải nghiệm này diễn ra sôi nổi nhất vào các ngày hè. Các em học sinh được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn tạo hình đơn giản trên chất liệu gỗ, cách pha màu và thổi hồn văn hóa dân gian vào trong các bức tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát kỳ vọng: Thông qua hoạt động này, những vị khách tham quan, đặc biệt là người trẻ có thể phát triển tư duy sáng tạo, giao lưu kết bạn và góp phần đưa du lịch, văn hóa xứ Đoài đến gần hơn với công chúng.
“Trong năm đầu của dự án, tôi khá bất ngờ vì kết quả vượt qua cả kỳ vọng. Điều vui hơn cả là giới trẻ ngày nay rất quan tâm tới nghề truyền thống. Ngay cả những vị khách nước ngoài cũng rất thích thú, họ mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống, văn hóa của người Việt xưa qua nghề truyền thống này”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Chính bằng tâm huyết và tình yêu quê hương Đường Lâm, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đang góp phần nâng tầm du lịch xứ Đoài, gieo mầm cho thế hệ tương lai niềm đam mê với nghệ thuật dân gian.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/rong-doc-ban-chao-xuan/323288.html